Mục tiêu đầy hoài bão
Các nhà lãnh đạo G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ đều mỉm cười và bày tỏ sự đoàn kết khi chụp “bức ảnh gia đình” ở Vịnh Carbis, Anh trước khi bước vào phiên thảo luận đầu tiên. Nhưng phía sau đó có lẽ là một cuộc đua xem quốc gia nào thực hiện nhiều nỗ lực nhất để giúp thế giới chống lại dịch Covid-19.
Kế hoạch phục hồi sau đại dịch được cho là sẽ chi phối các cuộc thảo luận. Bên cạnh đó, các thành viên nhóm G7 đã cam kết chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho phần còn lại của thế giới, trong đó có 500 triệu liều của Mỹ theo cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden và 100 triệu liều của Anh.
Nước chủ nhà Anh cho biết, G7 cũng sẽ công bố một gói các biện pháp nhằm giảm nguy cơ bùng phát một đại dịch khác. Chính phủ Anh cho biết, một văn kiện có tên "Tuyên bố Vịnh Carbis" sẽ được đưa ra, hướng đến mục tiêu phát triển vaccine, tìm kiếm phương pháp chẩn đoán và điều trị các căn bệnh có khả năng xuất hiện trong tương lai trong vòng 100 ngày và tăng cường giám sát các căn bệnh mới. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, mục tiêu của các biện pháp này là “đảm bảo thế giới sẽ không bao giờ bị mất cảnh giác thêm một lần nữa”. Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Boris Johnson cảnh báo các nhà lãnh đạo trên thế giới không nên lặp lại những sai sót đã mắc phải trong 18 tháng qua cũng như những sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
“Điều quan trọng là chúng ta không được phép lặp lại những sai lầm của cuộc khủng hoảng lớn vừa diễn ra và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khiến quá trình phục hồi không diễn ra đồng đều ở tất cả các thành phần của xã hội. Tôi nghĩ rằng, những sai lầm trong đại dịch này có nguy cơ để lại một vết sẹo lâu dài và sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại”, Thủ tướng Johnson nêu rõ.
Các nhà lãnh đạo G7 hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ giúp tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế toàn cầu.
Khi Thủ tướng Johnson dẫn các chính trị gia đi ra khỏi bãi biển Cornwall, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quàng tay lên vai Tổng thống Mỹ Biden một cách thân thiện dù hai nhà lãnh đạo mới chỉ gặp nhau lần đầu tiên. Nhà Trắng sau đó cho biết, hai bên đã thảo luận về dịch Covid-19 và các nỗ lực chống khủng bố ở khu vực Sahel của châu Phi.
Cam kết tài trợ 1 tỷ liều vaccine
Hội nghị Thượng đỉnh G7 bàn đến nhiều vấn đề nóng trên thế giới, nhưng chủ đề được quan tâm nhiều nhất vẫn là dịch Covid-19 và chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn cầu, đặc biệt khi sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine trên thế giới ngày càng rõ rệt.
Đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng các nước giàu đang chiếm hữu vaccine, các lãnh đạo của nhóm G7 hiện đang chứng tỏ là lực lượng tiên phong trong việc hỗ trợ phần còn lại của thế giới chống lại đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,7 triệu người.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà hy vọng hội nghị tại Cornwall sẽ cho thế giới thấy G7 "không chỉ nghĩ cho lợi ích của bản thân". Theo nhà lãnh đạo này, Đức sẽ quyên góp ít nhất 30 triệu liều vaccine. Còn Tổng thống Pháp Macron khẳng định, Pháp đã chuyển giao vaccine cho những nước nghèo, đồng thời nhắc nhở những nước chưa làm như vậy cần phải có “các mục tiêu rõ ràng” và “cam kết cụ thể”.
Tại Mỹ lúc này, kho dự trữ vaccine ngày càng lớn trong khi nhu cầu tiêm chủng đã giảm mạnh trong những tuần gần đây. Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẽ tài trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech cho các nước khác trong vòng một năm tới, và trước mắt sẽ có 200 liều được phân bổ cho đến cuối năm nay. Mỹ hiện là nhà tài trợ chính, và cũng là nước đóng góp nhiều vaccine nhất, cho chương trình COVAX.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, 5 triệu liều vaccine đầu tiên trong tổng số 100 triệu liều mà nước này cam kết chuyển giao sẽ được phân bổ trong những tuần tới và phần còn lại sẽ được phân bổ vào năm 2022. Tổng thống Pháp Macron cũng cam kết sẽ chia sẻ ít nhất 30 triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn từ nay cho đến cuối năm. Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, tại hội nghị, các lãnh đạo G7 đã cam kết chia sẻ tổng cộng một tỷ liều vaccine Covid-19.
Hiện, chương trình tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu (COVAX) đang diễn ra một cách chậm chạp. Tới nay, chương trình mới chỉ phân phối được 81 triệu liều vaccine. Nhiều khu vực, đặc biệt là châu Phi vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Các tổ chức nhân đạo đã hoan nghênh quyết định chia sẻ vaccine Covid-19 của lãnh đạo các nước G7, song nhấn mạnh rằng thế giới sẽ cần nhiều vaccine hơn nữa, và vaccine nên được chuyển giao sớm nhất có thể.
Các vấn đề nóng khác
Đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Hội nghị Thượng đỉnh G7 – diễn ra lần đầu tiên trong 2 năm qua, là cơ hội để xây dựng tầm nhìn của ông về một “nước Anh toàn cầu” thời kỳ hậu Brexit – như một quốc gia tầm trung, có vai trò và vị thế lớn hơn trên trường quốc tế.
Trước đó hôm 11/6, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã tổ chức tiệc chiêu đãi các lãnh đạo G7 tại Eden Project, một khu vườn thực vật tương lai được đặt bên trong các mái vòm. Đây là rừng nhiệt đới trong nhà lớn nhất thế giới. Việc lựa chọn địa điểm này đã được cân nhắc kỹ lưỡng, cho thấy vấn đề biến đổi khí hậu cũng cần phải trở thành một trong những ưu tiên chính trong chương trình nghị sự. Trước đó, hàng trăm người khoác lên mình những bộ quần áo trông giống sinh vật biển đã diễu hành tại Cornwall để hối thúc lãnh đạo các nước G7 nhanh chóng hành động chống biến đổi khí hậu.
Về vấn đề kinh tế, G7 dự kiến áp đặt mức thuế tối thiểu ít nhất là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia trên quy mô toàn cầu. Biện pháp này nhằm ngăn chặn các công ty lớn sử dụng những “thiên đường thuế’ để trốn thuế và gia tăng lợi nhuận bất chính. Đây được coi là một chiến thắng tiềm năng của chính quyền Tổng thống Biden. Trước đó Mỹ đã đề xuất mức thuế tối thiểu trên toàn cầu giúp mang lại nguồn thu để chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng. Tại hội nghị này, Tổng thống Biden hy vọng, các nước G7 có thể hợp tác để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu công bằng hơn, nhằm cạnh tranh với một Trung Quốc đang trỗi dậy./.