Tận diệt “tội phạm” và những nỗi đau
Bà Clarita Alia, 62 tuổi, một bà mẹ người Philippines đã mất 4 người con trai tuổi “teen” trong khoảng thời gian từ tháng 7/2001 – 4/2007. Cả 4 người con của bà Alia đều bị giết chết ở khu ổ chuột của thành phố Davao, nơi cách thủ đô Manila 980km về phía Nam.
Hai người phụ nữ khóc lóc bên xác một nạn nhân bị cho là tội phạm ma túy ở Philippines. (Ảnh: Getty) |
Richard, 18 tuổi, con trai bà Clarita Alia từng là thành viên của một băng đảng xã hội đen, bị đâm chết năm 2001. Chỉ 3 tháng sau, bà Alia lại tiễn đưa cậu con trai Christopher, 17 tuổi về thế giới bên kia.
Hai năm sau, cũng đúng nơi Christopher bị giết, người con trai thứ ba là Bobby, 14 tuổi bị đâm tử vong. Trước đó một ngày, cậu bé đã bị cảnh sát bắt vì ăn cắp một chiếc điện thoại di động.
Năm 2007, Fernando, cậu bé 15 tuổi bị sát hại ở gần khu chợ nơi 3 người anh bỏ mạng.
Bà Alia nói với Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho rằng, các con trai của bà không phải là những thiên thần nhưng họ cũng không đáng chết như những con vật.
Bà Alia chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp có người thân bị giết hại ra làm chứng chống lại “Biệt đội sát thủ” - một đội chuyên làm nhiệm vụ bắt cóc, truy quét và ám sát những phần tử được cho là tội phạm.
Một nghiên cứu của Ủy ban Nhân quyền Philippines cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2005 – 2009, “Biệt đội sát thủ” đã giết ít nhất 206 người trong đó bao gồm đàn ông, phụ nữ và thậm chí là trẻ em mới chỉ 12 tuổi.
Theo báo cáo này, hầu hết những trường hợp nêu trên đều có hồ sơ hình sự nhưng cũng có những trường hợp sai lầm.
Cụ thể, trong vụ 3 người đàn ông bắn 6 phát đạn vào cậu thanh niên Jaypee Larosa, 20 tuổi tại một quán cafe internet hôm 17/7/2008, nhân chứng tại hiện trường cho biết, một trong số những người đàn ông nổ súng sau khi lật chiếc mũ của nghi phạm đã chửi thề và nói rằng: “Không phải hắn”.
Xác của một đối tượng bị cho là tội phạm ma túy được đưa ra khỏi hiện trường. (Ảnh: EPA) |
Nhà hoạt động nhân quyền ở địa phương Amado Picardal, người theo dõi các vụ giết người ngoài vòng pháp luật cho biết, những tài liệu mà ông thu được cho thấy “Biệt đội sát thủ” đã giết chết 1.400 người trong khoảng thời gian từ năm 1998 – 2015. Vì “Biệt đội sát thủ” hoạt động bí mật nên thông tin liên quan mà các phương tiện truyền thông nắm được về đội này là rất sơ sài.
Tuy nhiên, bức màn bí mật xung quanh “Biệt đội sát thủ” dân được hé mở khi một cựu thành viên của biệt đội này là Edgar Matobato tiết lộ những thông tin liên quan đến “Biệt đội sát thủ” trong phiên điều trần trước Thượng viện Philippines.
Thực hư mối liên hệ giữa “Biệt đội sát thủ” và ông Duterte
Edgar Matobato khai với ủy ban Thượng viện rằng, ông ta đã nghe ông Duterte ra lệnh trừ khử một số đối tượng. Đích thân Edgar Matobato phải tham gia vào khoảng 50 vụ bắt cóc và ám sát. Trong đó kinh hoàng nhất là vụ một người đàn ông bị ném vào hồ nuôi cá sấu hồi năm 2007 ở nam Davao.
Edgar Matobato tại phiên điều trần ở Thượng viện Philippines. |
Theo lời khai của Matobato, “công việc của ông ta là để tiêu diệt những kẻ phạm tội như buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền hay tội phạm hiếp dâm” nhưng ngoài ra vẫn có một số thành phần mà ông ta buộc phải “trừ khử” mà chính đối tượng cũng không rõ thân thế như trường hợp một doanh nhân giàu có hay một số đối thủ chính trị.
Matobato nói tại phiên điều trần cho biết, các vụ giết người bắt đầu từ năm 1998 khi ông Rodrigo Duterte, một công tố viên với những tuyên bố cứng rắn trở thành thị trưởng của Davao.
Ở vào thời điểm đó, Davao được coi là “kinh đô giết chóc” ở Philippines với những cuộc chiến đẫm máu giữa các phần tử nổi dậy và lực lượng an ninh. Ông Duterte giành chiến thắng bằng cách hứa hẹn mang lại hòa bình cho Davao bằng mọi giá.
Matobato cho biết, “Biệt đội sát thủ” ban đầu được thành lập với 7 thành viên và nhanh chóng tăng quân số lên 500 người.
Trong khi đó, ông Duterte bắt đầu xây dựng hình ảnh của một người “anh hùng”, khắc tinh của tội phạm với xe máy phân khối lớn, cặp kính đen và áo khoác cùng khẩu súng giắt ở thắt lưng. Duterte còn cho biết, ông thường đi lòng vòng trên các con phố bằng xe taxi để sẵn sàng bắn những tên cướp.
Theo HRW, trong khoảng thời gian từ năm 2001 – 2002, ông Duterte còn có thói quen công bố trên sóng phát thanh hoặc trên hình danh tính của những người mà ông gọi là “tội phạm”. Vài ngày sau đó, những người này đều bị tiêu diệt.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (áo trắng). (Ảnh: EPA) |
Năm 2009, ông Duterte tuyên bố: “Nếu bạn có hoạt động bất hợp pháp ở thành phố của tôi, nếu bạn là một tên tội phạm hoặc một thành viên của các băng đảng đang gieo giắc đau khổ cho người dân thành phố thì chừng nào tôi còn làm thị trưởng, bạn sẽ là mục tiêu của một vụ ám sát”.
Còn nhớ, trong khi vận động tranh cử Tổng thống Philippines, ông Duterte từng tuyên bố: “Tôi là sát thủ ư? Đúng. Đó là sự thật”. Tuy nhiên, sau đó, ông đã lên tiếng thanh minh rằng đó chỉ là một câu nói đùa.
Cho đến nay, chưa có bất kỳ ai khác ngoài Matobato đứng ra chứng minh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tạo ra đội quân giết người và ra lệnh cho đội quân đó hành động.
Giới quan sát cho rằng, với việc Bộ trưởng Tư pháp Philippines Vitaliano Aguirre lên tiếng bác bỏ lời khai của Matobato và gọi đây là hành động “dối trá và bịa đặt”, kể cả nếu có thêm các bằng chứng mới chống lại ông Duterte thì cũng chẳng thể giúp thay đổi thực tế hiện nay ở Philippines đó là cuộc chiến chống tội phạm ma túy gây tranh cãi vẫn sẽ được tiếp tục./.