TheoReuters, tuyên bố rất cứng rắn trên được Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đưa ra tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 15/9. Ông Yasay cũng lên tiếng khẳng định, những tuyên bố gây sốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhằm vào Mỹ hoàn toàn là do bị hiểu nhầm.

yasay__cypn.jpg
Ngoại trưởng Perfecto Yasay tuyên bố Philippines không muốn "đứng dưới cái bóng" của Mỹ. Ảnh AP

Mỹ-Philippines vẫn hợp tác trên Biển Đông

Theo ông Yasay, đích thân ông Duterte đã giải thích rằng, việc ông yêu cầu đặc nhiệm Mỹ rút khỏi phía Nam Philippines chỉ là một giải pháp tạm thời nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi quân đội Philippines mở chiến dịch tấn công phiến quân Abu Sayyaf.

Cũng theo ông Yasay, ông Duterte chỉ phản đối các cuộc tuần tra chung trên biển với Mỹ gây ảnh hưởng tiêu cực đến “vùng đặc quyền kinh tế của Philippines” chứ không phản đối các cuộc tuần tra chung trong khu vực 12 hải lý của nước này.

Ông Yasay nhấn mạnh, các cuộc tuần tra chung trong khu vực 12 hải lý nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines cần phải được tiếp tục, bởi "đó là cam kết của chúng tôi đối với Mỹ”.

Cả Mỹ và Philippines đều bày tỏ quan ngại về tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc thể hiện qua yêu sách đường 9 đoạn của nước này bao trùm hầu khắp Biển Đông và chồng lấn lên các vùng biển của Philippines và các nước láng giềng.

Trước đó, Mỹ và Philippines đã nhất trí tiến hành các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông và quan chức Lầu Năm Góc cho biết, từ tháng 3-7 vừa qua, hai nước đã tiến hành tổng cộng 3 cuộc tuần tra như vậy.

Philippines cần được tự quyết vấn đề trong nước

Ngoại trưởng Yasay cũng lên tiếng bác bỏ mọi lời chỉ trích của Mỹ nhằm vào cuộc chiến chống ma túy của Philippines khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Ông Yasay khẳng định, Philippines không bao giờ chấp nhận việc giết người bất hợp pháp và nhấn mạnh, quan hệ Mỹ-Philippines phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

“Tôi kêu gọi lãnh đạo và bạn bè Mỹ cần tôn trọng khát vọng của chúng tôi. Chúng tôi không thể cứ mãi là đứa em bé nhỏ da nâu của ông anh Mỹ. Chính phủ Philippines cần phải phát triển, trưởng thành và là người anh lớn của nhân dân Philippines”, ông Yasay nhấn mạnh.

“Mỹ cần phải có cách hành xử đúng đắn. Quan chức Mỹ không thể đến Philippines chỉ để nói rằng: “Tôi sẽ cho các anh cái này, tôi sẽ giúp các anh phát triển nhưng các anh phải tuân thủ những gì chúng tôi đưa ra. Chúng tôi sẽ dạy dỗ các anh về nhân quyền”, ông Yasay nói.

Cũng theo Ngoại trưởng Philippines, Tổng thống Duterte “luôn cam kết duy trì và tôn trọng mối quan hệ với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ”.

Ông Yasay khẳng định, giờ không phải là lúc Philippines chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán song phương với Trung Quốc để bàn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ bởi cả hai bên vẫn còn những khác biệt cơ bản về nội dung các cuộc đàm phán.

Mỹ vẫn chưa hết quan ngại về ông Duterte

Trước đó, Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tuyên bố bốc đồng và có phần “tiền hậu bất nhất” của ông Duterte. Mọi chuyện trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi Tổng thống Philippines công khai gọi người đồng cấp Mỹ là “gã khốn”.

Việc quan hệ Mỹ-Philippines bị tổn hại khiến giới chức Mỹ “đứng ngồi không yên” bởi Philippines là một đồng minh rất quan trọng của Mỹ trong khu vực và có thể giúp Mỹ đối phó với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến ở Biển Đông.

Mọi chuyện càng trở nên tệ hơn sau khi Mỹ quyết định lên tiếng về việc Thượng viện Philippines ngày 15/9 mở phiên điều trần để lắng nghe Edgar Matobato- một sát thủ từng là thành viên của “biệt đội sát thủ” do ông Duterte thành lập- trình bày về việc Tổng thống Duterte đã trực tiếp ra lệnh giết người khi còn là thị trưởng thành phố Davao.

Nghiêm trọng hơn, sát thủ Matobato tố cáo, chính ông Duterte đã dùng súng tiểu liên Uzi sát hại một quan chức Bộ Tư pháp Philippines vào năm 1993. Theo đó, sau khi “biệt đội sát thủ” trong đó có Matobato nổ ra tranh cãi với quan chức này và bắn bị thương ông ta thì ông Duterte xuất hiện và “xả hết hai băng đạn” vào quan chức nói trên.

“Công việc của chúng tôi là giết hết những tên tội phạm ma túy, hiếp dâm hay bắt cóc…”, Matobato chia sẻ về công việc của “biệt đội sát thủ” trong giai đoạn 1988-2016 dưới quyền điều hành của ông Duterte.

Tuy nhiên, giới chức Philippines tuyên bố, nhờ chính sách cứng rắn khi đối đầu với tội phạm của ông Duterte mà tỉ lệ phạm tội tại thành phố Davao và sau này là trên toàn đất nước giảm rõ rệt.

Bộ trưởng Tư pháp Philippines Vitaliano Aguirre ngày 15/9 khẳng định, Matobato “rõ ràng đã dối trá” về vụ ông Duterte giết hại quan chức Bộ tư pháp bằng súng tiểu liên Uzi.

Người phát ngôn của ông Duterte, Martin Andanar khẳng định, không có bằng chứng nào cho thấy “biệt đội sát thủ” của ông Duterte từng tồn tại chứ chưa nói gì đến việc ông Duterte từng trực tiếp ra tay giết người.

Cùng ngày, bình luận về vấn đề này, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen đã nhắc lại quan điểm mà Mỹ nhiều lần đưa ra. Theo đó, Chính phủ Mỹ “quan ngại sâu sắc” về những báo cáo liên quan đến việc “giới chức Philippines ra lệnh giết người không qua xét xử”.

“Chúng tôi kêu gọi Philippines cần phải đảm bảo rằng, lực lượng thực thi pháp luật nước này cần hành động tuân theo các cam kết về nhân quyền mà nước này đã phê chuẩn”, bà Richey-Allen nói./.