Ngày 20/10, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã có mặt ở Washington bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 20-23/10. Theo dự kiến, ông Sharif sẽ có cuộc hội kiến với Tổng thống Barack Obama vào ngày 23/10. Bên cạnh đó, ông Nawaz Sharif còn có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và có các cuộc gặp riêng rẽ với Phó Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ Quốc hội Mỹ.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Pakistan tới Mỹ trong 5 năm qua và là cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông Sharif với nhà lãnh đạo Mỹ kể từ khi ông lên nhậm chức nhiệm kỳ 3 hồi tháng 6/2013.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (phải) đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Washington hôm 20/10 (Ảnh: AP) |
Thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Pakistan nhấn mạnh: "Pakistan và Mỹ có mối quan tâm chung về nhiều vấn đề, trong đó có hòa bình và ổn định ở Nam Á, Trung Đông, cũng như chủ nghĩa cực đoan và khủng bố".
Dự kiến, chương trình nghị sự trong chuyến thăm Mỹ của ông Sharif sẽ tập trung vào các nỗ lực chống khủng bố, thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng và duy trì ổn định trong khu vực.
Mỹ - Pakistan đã đánh mất mối quan hệ tốt đẹp như thế nào?
Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan trở nên căng thẳng sau vụ việc ngày 2/5/2011, Osama bin Laden, thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda bị lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Mỹ tiêu diệt ngay trên lãnh thổ Pakistan.
Sau sự việc trên, chính quyền Islamabad dường như không chỉ bị mất mặt vì bị đồng minh không tin cậy mà còn bị chê trách là yếu kém trong việc bảo vệ an ninh quốc gia khi để quân đội nước ngoài xâm nhập vào lãnh thổ rồi rút ra êm thấm mà không kịp phản ứng gì.
Sau vụ đột kích của đặc nhiệm Mỹ, Bộ Ngoại giao Pakistan đã lên tiếng “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về cách thức Chính phủ Mỹ hành động mà không thông báo và xin phép trước Chính phủ Pakistan”.
Islamabad cũng cho biết, họ không chấp nhận “những hoạt động đơn phương không xin phép như vậy”. Thậm chí, Pakistan còn cảnh báo rằng, những vụ tấn công theo kiểu này làm “tổn hại đến sự hợp tác và đôi khi trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.
Sau khi Washington tiêu diệt thành công Osama bin Laden, Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng ca ngợi sự đóng góp của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ (CIA) tại thời điểm đó - ông Leon Panetta lại nói rằng, Mỹ không tin cậy Pakistan và họ đã không thông báo cho Pakistan về vụ đột kích bởi vì lo ngại nước này có thể báo động cho thủ lĩnh Al- Qaeda và làm hỏng kế hoạch của Mỹ.
Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ Carl Levin, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ sau khi chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden kết thúc cũng cho rằng, quân đội và tình báo Pakistan “có nhiều điều phải giải thích” cho nước Mỹ và thế giới rõ, chẳng hạn như việc tại sao có chuyện cả gia đình Bin Laden sống trong ngôi nhà lớn, kiên cố, nằm gần căn cứ quân sự ở thị trấn Abbottabad tới 6 năm mà không ai biết.
Căng thẳng giữa 2 nước vẫn chưa dừng lại ở đó khi chính phủ Pakistan ngày 26/11/2011 quyết định xem xét lại quan hệ với Mỹ và NATO sau khi khẳng định 24 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong các cuộc không kích xuyên biên giới của NATO ở Afghanistan ngày 25/11/2011.
Đỉnh điểm của căng thẳng là việc Pakistan quyết định phong tỏa toàn bộ các tuyến đường tiếp tế của NATO cho lực lượng quân đồn trú ở Afghanistan đi qua lãnh thổ Pakistan. Sự việc này đã khiến khoảng 300 xe tải chở hàng tiếp tế bị mắc kẹt tại biên giới Pakistan – Afghanistan.
Mối quan hệ căng thẳng chỉ tạm thời được cải thiện sau khi Chính quyền Tổng thống Obama lên tiếng xin lỗi về vụ “không kích nhầm” và Pakistan quyết định mở lại các tuyến đường cung cấp hậu cần cho lực lượng NATO ở Afghanistan.
Chuyến thăm giúp khôi phục lòng tin
Trước chuyến thăm của Thủ tướng Sharif, các quan chức Mỹ cho hay, Mỹ đã công bố kế hoạch cung cấp hơn 1,6 tỷ USD cho Pakistan để tái khởi động lại các chương trình viện trợ vốn bị gián đoạn vì căng thẳng giữa 2 nước gia tăng trong thời gian qua. Trong số đó, có hơn 300 triệu USD là gói hỗ trợ về mặt an ninh của Mỹ dành cho Pakistan.
Bộ Ngoại giao Mỹ và các quan chức cấp cao trong Quốc hội nước này đã lên tiếng xác nhận kế hoạch viện trợ cho Pakistan. Theo dự kiến, vấn đề này sẽ được lãnh đạo 2 nước thảo luận khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại Nhà Trắng vào ngày 23/10 tới đây.
Một chiếc máy bay không người lái của Mỹ (ảnh: paxchristiusa) |
Trước cuộc hội đàm giữa ông Obama và ông Sharif, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố rằng, cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ củng cố mối quan hệ tốt đẹp Mỹ - Pakistan và tăng cường hợp tác song phương về thương mại, phát triển kinh tế, cũng như trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, góp phần duy trì hòa bình ổn định trong khu vực.
Qua những thiện chí mà Nhà Trắng thể hiện trước chuyến thăm của ông Sharif, có thể thấy, chính quyền Tổng thống Obama đang cố tìm cách để tận dụng cơ hội này, cải thiện mối quan hệ với một đồng minh quan trọng của họ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan vốn đã bị “sứt mẻ” khá nhiều trong những năm qua.
Theo các nhà phân tích, cuộc họp sắp tới giữa Thủ tướng Sharif với Tổng thống Obama là vô cùng quan trọng cho các mối quan hệ song phương, bất chấp sự mất tin tưởng và nghi ngờ giữa hai nước sau một loạt những sự cố không mong muốn.
Pakistan cần đến sự trợ giúp của nước ngoài để khắc phục những khó khăn kinh tế cũng như để giải quyết vụ khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, và Mỹ chính là sự lựa chọn không thể tốt hơn.
Trong khi đó, Mỹ sẽ còn phải cần đến Pakistan để có thể thoái lui êm thấm ra khỏi “vũng lầy” Afghanistan vào năm tới. Hơn thế nữa, Washington còn muốn Pakistan dùng ảnh hưởng của họ đối với phe Taliban ở Afghanistan để buộc lực lượng này chấm dứt bạo động và tham gia tiến trình hòa giải chính trị.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình viện trợ và đây chỉ là "một phần của quá trình hợp tác hỗ trợ an ninh lâu dài của Mỹ cho Pakistan sau khi quá trình này bị đình trệ vì những thách thức trong mối quan hệ song phương trong năm 2011 và 2012".
Quan hệ Mỹ - Pakistan vẫn còn nhiều thách thức
Ông Kerry mô tả Pakistan là “một đất nước dân chủ đang nỗ lực không ngừng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế và đối phó với các lực lượng nổi dậy”. Cũng theo ông Kerry, Pakistan là một quốc gia “có vai trò quan trọng đối với sự ổn định trong khu vực”.
Theo các chuyên gia phân tích, vấn đề nổi cộm trong mối quan hệ giữa Pakistan và Mỹ khiến cho 2 nước chưa thể thiết lập lại các mối quan hệ toàn diện hơn là do những vụ không kích bằng máy bay không người lái mà Mỹ vẫn đang tiếp tục thực hiện trên lãnh thổ Pakistan.
Trước chuyến thăm tới Mỹ, ông Sharif từng có tuyên bố cho rằng, những vụ tấn công bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ Pakistan là một thách thức đối với Pakistan, đồng thời cho hay, ông sẽ đưa vấn đề này ra bàn thảo trong cuộc hội đàm với Tổng thống Obama sắp tới.
Không phải đến khi ông Sharif lên nhậm chức nhiệm kỳ 3 hồi tháng 6/2013, vấn đề này mới được Pakistan quan tâm. Trước đó, giới chức Pakistan đã không ít lần kêu gọi 2 nước tìm ra một giải pháp chung để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy.
Theo ước tính, kể từ năm 2004 đến năm 2013, các cuộc tấn công của máy bay không người lái tại Pakistan đã làm 3.460 người thiệt mạng. Trong số những người thiệt mạng, có khoảng 890 người là dân thường và đại đa số các vụ tấn công được thực hiện bởi Chính quyền Mỹ.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Pakistan giấu tên cho rằng, cái giá của chương trình máy bay không người lái của Mỹ cao hơn quá nhiều so với những lợi ích mà một số người vẫn thường rêu rao. Phía Mỹ cho rằng, họ tiêu diệt được những phần tử cực đoan, nhưng con số những kẻ khủng bố quan trọng bị tiêu diệt trên thực tế là rất ít trong khi số thương vong của thường dân Pakistan mà phía Mỹ vẫn thường gọi là “thiệt hại ngoài ý muốn” lại quá cao.
Đầu năm nay, Tổng thống Obama đã mô tả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là một phần của chiến dịch chống khủng bố hợp pháp. Tuy nhiên, ông Obama cũng cam kết sẽ minh bạch hóa các chương trình và áp dụng các quy tắc chặt chẽ hơn trong việc sử dụng máy bay không người lái.
Trước thời hạn chót là năm 2014 để liên quân do Mỹ cầm đầu rút toàn bộ binh sĩ tác chiến ra khỏi Afghanistan, Washington sẽ cần tới sự trợ giúp của Islamabad để có thể thực hiện tiến trình này một cách an toàn. Ở chiều ngược lại, Islamabad cũng cần tới sự hỗ trợ của Washington để giúp nước này khắc phục những khó khăn, thách thức về kinh tế và năng lượng.
Với một mối quan hệ “có đi có lại” như vậy đòi hỏi những ý tưởng mới từ giới chức của cả 2 Chính phủ để có thể duy trì, củng cố mối quan hệ song phương ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc gặp giữa ông Sharif và Tổng thống Obama tại Nhà Trắng chính là cơ hội không thể tốt hơn để Mỹ và Pakistan có thể cải thiện mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực và giải quyết những khúc mắc hiện đang còn tồn tại./.