Đây là chuyến công du đầu tiên ngoài khu vực châu Âu của ông Cameron kể từ khi tái đắc cử Thủ tướng Anh hồi tháng 5 vừa qua.

david_cameron_atqt.jpg
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) tiếp Thủ tướng Anh Cameron (Ảnh EPA)

Thúc đẩy thương mại và hợp tác chống khủng bố 

Sau cuộc bầu cử lập pháp cách đây vài tháng với thắng lợi vang dội của đảng Bảo thủ, ông David Cameron hiện đang ở trong giai đoạn cầm quyền tự tin nhất của mình bởi Thủ tướng Anh giờ có thể thực thi mọi chính sách mà hầu như không gặp trở ngại, và đối ngoại hiện là một trong những ưu tiên của ông. 

Chuyến đi thăm 4 nước Đông Nam Á trong tuần này của ông Cameron có hai trọng tâm rất rõ ràng: thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Anh quốc với các nước Đông Nam Á và hợp tác chống khủng bố, trong đó mục tiêu kinh tế là quan trọng nhất.

Ngay trước chuyến đi, ông Cameron đã thể hiện rõ điều này với tuyên bố “nước Anh cần phải đi đến tận cùng thế giới để bán hàng của mình”.

Tháp tùng ông Cameron có trên 30 doanh nghiệp hàng đầu của Anh trong các lĩnh vực và dự kiến ông Cameron sẽ mang về nước một loạt các hợp đồng trị giá khoảng 750 triệu bảng Anh, tức hơn 1,2 tỷ USD.

Quan trọng hơn là về tương lai, chính phủ của ông Cameron đã nhìn nhận Đông Nam Á là một trong những thị trường nhiều tiềm năng nhất mà nước Anh không được phép bỏ lỡ. 

Chiến lược ngoại giao hướng Đông

Đông Nam Á là khu vực tập trung các nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Trong gần 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng GDP của các nước Đông Nam Á cao hơn 2% so với tốc độ trung bình của thế giới.

Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cũng đã tăng tỷ trọng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của mình trong nền kinh tế thế giới từ mức 4,1% năm 2005 lên 9% năm 2013.

Xét về mọi chỉ số thì ASEAN giờ là một đối tác thương mại và đầu tư quan trọng và nhiều tiềm năng hàng đầu thế giới.

Điều quan trọng nhất, là Chính phủ của ông Cameron đã nhận thức rõ được những bất cập về quan hệ thương mại giữa Anh với các nước đang phát triển, đặc biệt với ASEAN. 

Tiềm năng của ASEAN rất lớn

Như so sánh của chính Thủ tướng Cameron thì hàng hóa Anh xuất khẩu sang Hungary còn nhiều hơn sang Indonesia, dù nền kinh tế Indonesia lớn gấp 25 lần Hungary và Indonesia là đất nước đông dân thứ 4 thế giới. Tương tự, xuất khẩu của Anh sang Bỉ còn lớn hơn xuất khẩu của Anh sang cả 3 nước là Singapore, Malaysia và Việt Nam cộng lại.

Đó là những con số cho thấy tiềm năng cho xuất khẩu của Anh quốc sang ASEAN là rất lớn và nước Anh không thể bỏ qua bất cập này nếu xét đến yếu tố là trong vòng 20 năm nữa, dự đoán có đến 90% tăng trưởng toàn cầu là đến từ các nền kinh tế ngoài châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của nước Anh hiện nay.

Vì lí do đó, chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á lần này của Thủ tướng David Cameron có ý nghĩa rất quan trọng với thương mại của Anh, nhất là khi xuất khẩu của Anh sang khu vực này hiện chỉ ở mức rất khiêm tốn là 10 tỷ Bảng/năm, kém xa so với tiềm lực của nền kinh tế Anh và các đối tác ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, việc mở rộng hoạt động thương mại sang Đông Nam Á cũng có vai trò quan trọng trong mục tiêu mà chính phủ của ông David Cameron đưa ra là nâng gấp đôi giá trị xuất khẩu của nước Anh từ nay đến năm 2020, lên mức 1.000 tỷ bảng/năm. 

“Nước Anh cần nhìn xa hơn châu Âu” 

Có ý kiến cho rằng, chuyến thăm còn là thông điệp mà Thủ tướng Cameron muốn gửi đến Liên minh châu Âu, trong bối cảnh chính quyền Anh đang muốn tạo sức ép với châu Âu để có nhiều hơn sự nhượng bộ cho chiến lược cải cách của mình, trước khi diễn ra một cuộc trưng cầu ý dân về việc đi hay ở EU.

Đó cũng là một nhận xét đáng chú ý bởi chính ông David Cameron tuyên bố rằng nước Anh giờ đây phải “nhìn xa hơn châu Âu”, tức không thể chỉ tập trung vào việc hợp tác với các nước châu Âu mà còn phải đi tìm kiếm các đối tác thương mại mới trên toàn thế giới.

Chuyến đi sang Đông Nam Á của ông Cameron vì thế gửi đi thông điệp rất rõ ràng của London đến châu Âu là nước Anh sẽ đa dạng hóa các quan hệ kinh tế của mình và sẵn sàng thay đổi để tránh phụ thuộc quá nhiều vào quan hệ kinh tế với châu Âu.

Tuy nhiên, mục đích chính của chuyến đi vẫn là việc định hình quan hệ kinh tế của nước Anh trong tương lai với một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới, hơn là gây sức ép với châu Âu, tức là phát xuất từ lợi ích kinh tế cụ thể của nước Anh chứ không phải là một động thái chính trị.

Bản thân ông Cameron khi thăm Đông Nam Á cũng thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN và EU mà theo tính toán của London thì nếu được ký, sẽ mang lại cho nước Anh thêm 3 tỷ bảng mỗi năm nhờ xuất khẩu.

Lần đầu tiên một đương kim Thủ tướng Anh thăm chính thức Việt Nam

Sự kiện Thủ tướng David Cameron thăm Việt Nam là rất đáng chú ý bởi đây là lần đầu tiên một đương kim Thủ tướng Anh đến thăm chính thức Việt Nam.

Chuyến đi này cho thấy nước Anh coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực và chắc chắn sẽ đánh dấu bước phát triển mới, cao hơn và sâu hơn, trong quan hệ giữa Anh và Việt Nam.

Hai nước đã hợp tác hiệu quả trong những lĩnh vực như đầu tư và đặc biệt là giáo dục và sắp tới có thể sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác như y tế, bán lẻ, an ninh quốc phòng…cho tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược. Đây là điều mà cả hai bên đều đang chờ đợi./.