Nhấn mạnh những thành tựu trong hai nhiệm kỳ vừa qua và đặt ra bốn câu hỏi lớn mà nước Mỹ phải giải đáp, Thông điệp Liên bang cuối cùng của ông Obama trên cương vị Tổng thống hôm 12/1 (giờ địa phương) đã thu hút được sự chú ý đông đảo người dân Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới. 

Theo kết quả thăm dò dư luận do Hãng tin Mỹ CNN/ORC công bố sáng 3/1, theo giờ địa phương, Thông điệp Liên bang cuối cùng của Tổng thống Obama được những người theo dõi đánh giá khá cao khi so sánh với các phát biểu trước trước đó. 

obama_iurp.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan. (ảnh: Press Pool).

Có tới 53% số người được hỏi đánh giá tích cực với Thông điệp Liên bang, trong khi 20% cho biết phần nào đánh giá tích cực và chỉ có 20% là tiêu cực. Phần lớn những người được hỏi cũng khẳng định, các chính sách mà ông Obama đề ra sẽ đưa nước Mỹ đi đúng hướng. 

Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ chỉ ở mức 68%, thấp hơn mức 72% so với Thông điệp Liên bang hồi năm ngoái. Mặc dù bài phát biểu được đánh giá cao, nhưng điều đáng buồn cho Tổng thống Obama là có tới 48% số người được hỏi cho rằng 2 nhiệm kỳ cầm quyền của ông không đáp ứng kỳ vọng của họ. Chỉ có 33% số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng và 18% khẳng định 7 năm cầm quyền vừa qua của ông Obama vượt quá kỳ vọng.

Trong phần mở đầu, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ phát biểu ngắn gọn nhưng đây vẫn chưa phải là Thông điệp Liên bang ngắn nhất. Thông điệp cuối cùng này kéo dài trong một tiếng đồng hồ, dài hơn gần 10 phút so với Thông điệp ngắn nhất và đầu tiên năm 2009.

Theo ước tính ban đầu của truyền thông Mỹ, có khoảng 30 triệu người theo dõi trực tiếp bài phát biểu cuối cùng của Tổng thống Mỹ, ít hơn con số khoảng 32 triệu vào năm ngoái và hơn 1/3 so với con số kỷ lục 48 triệu người năm 2010.

Thu hút được sự ủng hộ của đông đảo người dân và các thành viên Đảng Dân chủ nhưng Thông điệp Liên bang cuối cùng của Tổng thống Obama vẫn hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ Đảng Cộng hòa khi cho rằng bài phát biểu của ông nhạt nhẽo với những lời lẽ cũ rích, không sẵn sàng và cũng không thể đưa ra giải pháp cụ thể cho những vấn đề tồn đọng của nước Mỹ.

Trong bài phát biểu của đại diện Đảng Cộng hòa, Thống đốc bang Nam Carolina, bà Nikki Haley cho rằng ông Obama chỉ nói là tốt nhất: “Thật không may mắn, các thành tựu của tổng thống kém xa so với những lời phát biểu hùng hồn của ông. Khi ông Obama bước vào năm cuối của nhiệm kỳ, nhiều người Mỹ vẫn cảm thấy sức ép của nền kinh tế quá yếu kém để có thể tăng thêm thu nhập”.

“Chúng ta cảm thấy món nợ quốc gia đè nặng, kế hoạch chăm sóc sức khỏe khiến cả bảo hiểm lẫn bác sỹ đều khó khăn hơn, bất ổn hỗn loạn ở nhiều thành phố. Thậm chí tồi tệ hơn, chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố nguy hiểm nhất kể từ sau thảm kịch 11/9”, bà Nikki Haley nói.

Theo truyền thông Mỹ, Thông điệp Liên bang lần này không có nhiều nội dung quan trọng, chủ yếu tập trung đến các vấn đề đối nội nhằm mở đường cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ sắp tới.

Trong khi các vấn đề như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc làm, giáo dục, năng lượng sạch được nhấn mạnh… thì ông Obama chỉ nêu sơ qua về đối ngoại như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan, dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Cuba, giải quyết bất ổn Trung Đông.

Thậm chí, ông Obama còn gián tiếp chỉ trích các tuyên bố gây tranh cãi về người nhập cư và Hồi giáo của ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump. Theo ông Obama, khi các chính trị gia xúc phạm người Hồi giáo, khi một nhà thờ Hồi giáo bị phá phách, hay một đứa trẻ bị đe dọa thì điều đó không làm cho nước Mỹ trở nên an toàn hơn.

Giới phân tích cho rằng, trong khi tập trung nhấn mạnh các di sản của mình thì Thông điệp Liên bang được trông đợi của ông Obama dường như bỏ quên, không nhắc đến các chủ đề rất nhạy cảm được dư luận quốc tế quan tâm hiện nay như việc Iran vừa bắt giữ 10 thủy thủ Mỹ, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch hay các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải tại nhiều khu vực vốn được xem là điểm nóng thời gian qua./.