Ngày 14/8 vừa qua, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận mở lại khu công nghiệp chung Keasong, bị ngừng hoạt động hơn 4 tháng qua.

Như vậy là sau 7 vòng đàm phán liên tục trong gần 2 tháng qua thì cuối cùng Hàn Quốc và Triều Tiên đã có thể nhất trí về việc tái khởi động công trình biểu tượng của sự hợp tác liên Triều này. Tuy nhiên, việc mở lại KCN Keasong có đủ để giải quyết những thách thức đặt ra đối với tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

kcn-kaesong.jpg
Toàn cảnh Khu công nghiệp chung Kaesong từ tháp quan sát của Hàn Quốc ở Paju (Ảnh: AFP)

Phóng viên VOV phỏng vấn của ông Trần Việt Thái, chuyên gia về tình hình Đông Bắc Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.

PV: Việc nối lại hoạt động của KCN chung Keasong được xem là một tín hiệu tích cực đối với tiến trình đối thoại hợp tác liên Triều. Theo ông, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với cả hai miền Triều Tiên?

Chuyên gia Trần Việt Thái: Ngày 14/8 vừa qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận về việc mở cửa lại KCN chung Keasong tại cuộc họp cấp chuyên viên lần thứ 7. Thỏa thuận này bao gồm 5 nội dung chính như sau:

Thứ nhất là hai miền sẽ bảo đảm KCN chung Keasong hoạt động bình thường trong bất kỳ trường hợp nào.

Thứ hai là hai bên phải bảo đảm hoạt động an toàn cho người lao động Hàn Quốc làm việc ở KCN, đưa ra một khuôn khổ pháp lý để bảo hộ tài sản, đầu tư và giải quyết tranh chấp. bên cạnh đó, 2 bên cũng sẽ bàn thảo về vấn đề đi lại.

Thứ ba, hai bên sẽ nỗ lực để KCN phát triển thành KCN có sức cạnh tranh quốc tế nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài khác vào KCN này.

Thứ tư, hai bên sẽ thành lập Ủy ban chung liên Triều để thực hiện những thỏa thuận này.

Thứ năm, hai bên sẽ cùng nỗ lực để khởi động lại KCN chung Keasong.

Ngoài ra, Ủy ban chung liên Triều cũng sẽ thảo luận về vấn đề bồi thường cho các doanh nghiệp Hàn Quốc bị thiệt hại.

Sự kiện này cũng có 3 ý nghĩa như sau:

Một là, đây là một bước quan trọng để đưa hai miền Triều Tiên trở lại trạng thái bình thường.

Hai là, đây là tiền đề để hai miền Triều Tiên tiếp tục đàm phán về các vấn đề khác như nối lại hoạt động du lịch tới núi Kim Cương hay đoàn tụ các gia đình li tán trong chiến tranh…

Ba là, đây là một bước tiến quan trọng góp phần ổn định tình hình ở khu vực Đông Bắc Á và có ý nghĩa thiết thực quan trọng đối với hòa bình ổn định trong khu vực cũng như thế giới.

PV: Thưa ông, có thể thấy rằng thỏa thuận này đạt được chỉ 5 ngày trước cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mang tên “Người bảo vệ tự do Unchi”. Vậy theo ông, vì sao Hàn Quốc và Triều Tiên lại đồng ý mở cửa lại KCN vào thời điểm hiện nay bởi nhiều người quan ngại rằng, cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn có thể phủ bóng đen lên quan hệ liên Triều và cuộc đàm phán vừa qua?

Chuyên gia Trần Việt Thái : Có thể thấy thỏa thuận này đạt được là do cả hai bên đều có lợi ích rất lớn. Hơn nữa, vấn đề này cũng không thể kéo dài và bế tắc mãi.  Đối với Triều Tiên, việc đóng cửa KCN chung Keasong đã làm thiệt hại hàng trăm triệu USD, mà đây là số tiền rất lớn và cần thiết đối với Triều Tiên.

Bên cạnh đó, việc hơn 50.000 công nhân không có việc làm là một áp lực rất lớn về mặt xã hội.

Hơn nữa, áp lực để kết thúc đàm phán là rất lớn. Đàm phán kéo dài đến vòng 7 thực ra là chiến thuật nhằm mặc cả để đạt được những lợi ích cao nhất.

Đối với Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc chịu nhiều sức ép từ các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh ở KCN chung Keasong cũng như dư luận trong nước và quốc tế. Có thể nói việc đạt được thỏa thuận như trên đã giải tỏa sức ép và đáp ứng được lợi ích của cả 2 phía.

Còn về việc Mỹ-Hàn dự kiến thực hiện cuộc tập trận chung mang tên “Người bảo vệ tự do Unchi”, đó là kế hoạch đã được hoạch định từ lâu. Có thể nói, kế hoạch tập trận này có nguy cơ phủ bóng đen lên mối quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ hai miền đang có xu hướng cải thiện như hiện nay thì tôi cho rằng cả 2 phía Mỹ-Hàn cũng như phía Triều Tiên sẽ phải tìm cách hạn chế tối đa những tác động tiêu cực không mong muốn của việc này.

Tôi cho rằng, tình hình bán đảo Triều Tiên thời gian tới sẽ không thể căng thẳng như cách đây mấy tháng. Và nếu có phản ứng thì cả 2 miền cũng phản ứng ở mức vừa phải.

Về nhân tố Mỹ, đúng là Mỹ có nhu cầu muốn thúc đẩy cuộc tập trận chung với Hàn Quốc bởi vì nó nằm trong chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Hàn Quốc cũng có nhu cầu tăng cường quan hệ với Mỹ để thực hiện các mục tiêu về an ninh quốc gia cũng như thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại của mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Hàn tới mức nào trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và tình hình Bán đảo Triều Tiên đang có xu hướng được cải thiện và xem xét liệu nó có khiêu khích Triều Tiên hay không thì cả Mỹ và Hàn sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng về hình thức, mục tiêu tập trận và đưa ra tập trận loại vũ khí gì để vừa đảm bảo đạt được mục đích của mình vừa đảm bảo được môi trường hòa bình ổn định.

PV: Thưa ông, việc hoạt động lại KCN chung Keasong sẽ có tác dụng như thế nào đối với mối quan hệ liên Triều cũng như triển vọng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian tới?

Chuyên gia Trần Việt Thái : Thực ra, đây mới chỉ là kết quả đàm phán cấp chuyên viên. Kết quả này là nỗ lực đáng ghi nhận của cả hai miền Triều Tiên, tuy nhiên còn phải trình lên cấp cao phê chuẩn. Trong thỏa thuận đạt được cũng không nói rõ là khi nào KCN chung Keasong sẽ chính thức mở cửa hoạt động trở lại. Do vậy, có thể kết luận đây chỉ là bước tiến nhỏ giúp tạo thuận lợi cho quan hệ liên Triều chứ không thể tạo ra một bước đột phá lớn.

Bởi vì trên thực tế, sự mất tin tưởng giữa hai miền Triều Tiên hiện nay là rất lớn và khó có thể san lấp trong một sớm một chiều.

Còn về triển vọng đối với đàm phán 6 bên, tôi cho rằng, triển vọng nối lại đàm phán 6 bên hiện nay là rất xa vời vì còn quá nhiều khó khăn và lợi ích của các bên còn quá khác biệt nhau.

PV: Xin cảm ơn ông!