Ngày 12/5 là thời hạn chót mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra để rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Đó cũng là ngày mà người dân Iraq đến các điểm bỏ phiếu để bầu ra một Quốc hội mới.  Trong khi tin tức về cuộc bầu cử này không mấy được dư luận quan tâm, vẫn khó có thể đánh giá thấp tầm quan trọng của những lá phiếu đối với cả Mỹ và Iran.

iraq_war_soldiers_qcpk.jpg
Binh sĩ Mỹ làm nhiệm vụ ở Iraq. Ảnh: lobelog.

Iran đang cố gắng tìm cách tạo dựng một chính phủ ủng hộ nước này ở Iraq để Tehran có thể “phản đòn” Washington tốt hơn nếu ông Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Việc IS bị đánh bại tại Iraq đã trở hành chiến thắng quan trọng đối với chính quyền được Mỹ hậu thuẫn của Thủ tướng Haider al-Abadi, tuy nhiên, Iran đang nỗ lực để thay đổi cán cân chính trị “nghiêng về phía mình”, buộc Mỹ phải sớm rút quân khỏi Iraq cũng như chấm dứt mối quan hệ đối tác chiến lược với Iraq cũng như đảm bảo rằng, Iraq sẽ ủng hộ Iran trong những vấn đề trong khu vực. Kết quả này có thể khiến Iraq trở nên bất ổn trong khi lại củng cố vị thế của Iran tại Trung Đông so với Mỹ.

Ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu trong khu vực trong khi Iran ngày càng cho thấy vai trò rõ nét ở Syria, Lebanon và ở một mức độ nào đó là cả ở Yemen. Iraq là một đất nước mà Mỹ có nhiều “duyên nợ”. Trong quá khứ, Mỹ từng tuyên bố rút quân khỏi Iraq hồi năm 2011 nhưng đã phải trở lại vào năm 2014 để hỗ trợ chính quyền Baghdad đánh bại IS.

Với cách tiếp cận cuộc bầu cử Iraq hiện nay, có thể thấy Iran đang tăng cường nỗ lực để nuôi dưỡng quan hệ đối tác chính trị rộng lớn tại Iraq. Nếu ngày 12/5, Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, điều này đồng nghĩa với việc các lệnh trừng phạt sẽ được kích hoạt trở lại.

Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran sẽ phản ứng ra sao?

Iran có thể phản ứng bằng cách tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng đây có thể là một chiến lược rủi ro cao mà hậu quả có thể dẫn đến việc Tổng thống Trump phát động các cuộc không kích nhằm phá hủy các cơ sở nghiên cứu của Tehran. Để tránh hậu quả này, Iran có thể tìm cách khác để đáp trả.

Iran có thể xây dựng một liên minh chính trị trung thành nắm quyền ở Baghdad – đây được cho là lựa chọn không tồi. Chính quyền mới Baghdad có thể sẽ đẩy lực lượng Mỹ khỏi Iraq – điều mà các nhân vật chính trị thân Iran ở Iraq đã muốn từ lâu.

Gần đây nhất, hồi tháng 3 năm nay, phần đông các đại biểu trong Quốc hội Iraq đã kêu gọi chính phủ nước này đề ra thời gian biểu cho việc rút quân Mỹ khỏi Iraq. Cuộc bỏ phiếu bất ngờ do nhóm nghị sĩ được Iran hậu thuẫn được coi là một trong những minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ở Iraq.

Theo đánh giá, sẽ không có bên nào giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sắp tới ở Iraq. Chính vì thế, sau khi kết quả được công bố, các bên sẽ phải cạnh tranh, tìm kiếm đối tác xây dựng một liên minh đủ lớn để nắm quyền. Hai “thế lực” mạnh nhất có khả năng giành được chiến thắng là phe của Thủ tướng Abadi và cựu lãnh đạo dân quân ủng hộ Iran, Hadi al-Amiri.

Iran đang tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của các đảng phái chính trị người Kurd ở Iraq. Tehran có thể khai thác sự thất vọng của người Kurd đối với việc thiếu sự ủng hộ của Mỹ và hứa hẹn với họ về một tương lai tươi sáng hơn nếu ủng hộ lực lượng chính trị do họ hậu thuẫn.

Một phái đoàn cấp cao của Iran mới đây đã tới Erbil – thủ phủ của người Kurd ở Iraq trong tháng này để tổ chức hội nghị nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Iran với khu vực của người Kurd ở Iraq. Thông điệp rõ ràng mà Iran muốn truyền tải đến các đảng người Kurd ở Iraq đó là: con đường dẫn đến sức sống kinh tế và quyền tự trị chính trị sẽ thông qua Tehran chứ không phải Washington.

Iran thậm chí còn có thể sử dụng một "chiêu" khác, đó là thỏa hiệp với ông Abadi để xây dựng liên minh với lực lượng Chính trị do Iran hậu thuẫn ở Iraq. Theo đó, ông này sẽ tiếp tục làm Thủ tướng trong một chính phủ thân thiện, ủng hộ Iran.

Nguy cơ Mỹ mất Iraq vào tay Iran

Chúng ta có thể thấy nhiều nhóm phiến quân nhỏ do Iran hậu thuẫn tìm cách tấn công các vị trí của binh sĩ Mỹ tại Iraq. Chiến thuật này được Iran sử dụng phổ biến sau khi Mỹ tấn công Iraq. Việc nhằm thẳng vào lực lượng Mỹ là một chiến thuật đầy mạo hiểm, dù vậy, Iran có thể tránh khỏi mối lo bị Mỹ tấn công trả đũa vào chính đất Iran.

Việc Mỹ sớm rút lực lượng khỏi Iraq sẽ ngăn chặn những nỗ lực quan trọng để tái thiết lực lượng an ninh của Iraq. Điều này sẽ giúp Iran tăng cường vị thế của Các đơn vị huy động nhân dân (PMU) – lực lượng dân quân ở Iraq được cho là chịu ảnh hưởng đáng kể của Iran.

Iran cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Iraq cho chương trình nghị sự khu vực bằng cách tăng cường sự tham gia của các lực lượng dân quân Iraq trong cuộc nội chiến Syria, cách ly Iraq khỏi các quốc gia Vùng Vịnh và phủ nhận chỗ đứng chiến lược của Mỹ trong khu vực.

Trong nỗ lực này, Iran phải đối mặt với sự ngáng trở “không đáng kể” từ các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Mặc dù truyền thông đã nói về mối quan hệ ấm áp giữa Iraq và các quốc gia vùng Vịnh nhưng mối quan hệ này dường như chỉ là bề nổi. Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) luôn “khoa trương” về các chuyến thăm viếng cấp cao nhưng về bản chất, không giống như Iran, các quốc gia này chẳng mấy mặn mà trong việc xây dựng ảnh hưởng chính trị ở Iraq.

Mỹ đã có những bước tiến lớn trong việc làm sống lại mối quan hệ chính trị bị bỏ quên giữa Baghdad và Washington, khôi phục lại mối quan hệ hời hợt giữa Iraq và các nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Tuy nhiên, những gì mà Mỹ đạt được với Iraq có thể bị đổ xuống sông xuống biển chỉ bằng một quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump./.