The Independent cho rằng, về mặt quân sự, xung đột ở Afghanistan đang dậm chân tại chỗ và có lẽ một vụ đánh bom kinh hoàng như ở Kabul ngày 31/5 vừa qua, trong đó có người nước ngoài là nạn nhân, giúp thế giới nhớ ra rằng giết chóc vẫn tiếp diễn ở đây suốt thời gian qua.
Nhân viên dọn dẹp hiện trường vụ đánh bom ở Kabul, khu vực gần Đại sứ quán Đức, trong sự giám sát và canh phòng của lực lượng an ninh. Ảnh: AP. |
Tờ Guardian thì nhận định, số vụ tấn công ở Kabul gia tăng sau nhiều năm “tương đối an toàn” là mối đe dọa lớn đối với chính phủ, nền kinh tế và xã hội Afghanistan.
Cuộc khủng hoảng này, theo The Guardian, cũng đang gây hoang mang ở phương Tây, nơi đang cung cấp ngân quỹ và binh sỹ “hậu thuẫn” cho chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani.
Bằng chứng là 3 năm sau khi cựu Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh” ở Afghanistan, còn cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thì khẳng định cuộc chiến ở quốc gia Nam Á này đã kết thúc, vụ thảm sát ở Kabul cho thấy, rõ ràng đối với người Afghanistan, bạo lực chưa bao giờ thực sự chấm dứt.
Thấy gì về Afghanistan sau vụ đánh bom ở Kabul?
Vụ đánh bom gần khu ngoại giao ở thủ đô Kabul nhận được sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế có lẽ không chỉ vì thương vong lớn mà còn vì rất nhiều đại sứ quán bị thiệt hại trong vụ việc này. Trong số gần 500 người thương vong có một lái xe của kênh BBC thiệt mạng và 4 nhà báo của hãng tin Anh này bị thương.
Nhưng ngoài những vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận vì có người nước ngoài liên quan, cuộc chiến ở Afghanistan hầu như bị lãng quên trong giới truyền thông cũng như các chương trình nghị sự ngoại giao kể từ khi lực lượng nước ngoài chiến đâu tại đây kết thúc sứ mệnh của họ.
Sự lãng quên này đã tiếp diễn trong vòng 2 năm qua dù cuộc xung đột ở Afghanistan có dấu hiệu leo thang trở lại khi Taliban giành thêm được nhiều diện tích lãnh thổ và xuất hiện chân rết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại đây, một nhóm có tên Tỉnh Khorosan.
Taliban chối bỏ trách nhiện về vụ đánh bom này trong khi nhóm phiến quân IS ở Afghanistan chưa lên tiếng. Tuy nhiên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tỉnh Khorosan được cho là nghi phạm hàng đầu bởi nhóm phiến quân này đã bị lực lượng Mỹ và Afghanistan dồn ép ác liệt kể từ đầu năm đến nay.
Chiến thuật của IS ở Afghanistan
Ngày 13/4 vừa qua, Mỹ đã ném siêu vũ khí được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom” (MOAB) xuống hệ thống đường hầm của IS ở Afghanistan và tuyên bố đã tiêu diệt được lãnh đạo của nhánh chân rết này, Sheikh Abdul Hasib.
Chiến thuật truyền thống của IS là đáp lại những thất bại trên chiến trường bằng các vụ đánh bom liều chết nhằm vào dân thường để chứng tỏ chúng vẫn có uy lực gây sợ hãi.
IS đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công trong tháng lễ chay tịnh Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo ở nhiều nước trên thế giới như vừa thực hiện ở Baghdad (Iraq) đầu tuần này. Trước đó, hồi đầu tháng 3, các tay súng IS xông vào một bệnh viện quân đội ở Kabul và giết hại hơn 50 người.Cảnh tượng kinh hoàng nơi quả bom cực mạnh phát nổ giữa Kabul
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, năm ngoái, số dân thường thương vong vì giao tranh ở Afghanistan là 11.000 người, trong đó có 3.500 người thiệt mạng. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2009. Giao tranh khốc liệt cũng đã buộc nửa triệu người Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa.
Cuộc chiến ở Afghanistan có thực sự “dậm chân tại chỗ”?
Chỉ là “gần như”. Đó là nhận định của tờ The Independent.
Taliban đã giành được thêm một số vùng lãnh thổ sau khi lực lượng quốc tế rút khỏi Afghanistan cuối năm 2014. Nhóm này đã kiểm soát được vùng lãnh thổ sinh sống của khoảng 40% dân số Afghanistan.
Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani vẫn nắm toàn bộ các thủ phủ. Các cuộc không kích của Mỹ phần nào giới hạn khả năng Taliban giành thắng lợi chiến thuật hay chiếm được các trung tâm thành thị.
Rõ ràng, trong suốt 2 năm qua, chính phủ Afghanistan không thể sống sót mà không có sự hỗ trợ từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét cử thêm 3.000 đến 5.000 binh sỹ để tăng cường cho 10.000 người đang ở Afghanistan hỗ trợ “sứ mệnh chống khủng bố”.
Nhưng theo Guardian, hiện không có quốc gia có “hứng thú” muốn leo thang chiến tranh Afghanistan dù tình hình thực địa có đòi hỏi có thêm quân đội, và kinh nghiệm gần đây cũng không chứng minh rằng quân đội nước ngoài có thể đem đến an ninh lâu dài thực sự cho quốc gia Nam Á này.
Thực tế, trong hơn một thập kỷ qua, dường như không có dấu hiệu rằng Taliban sẽ thua cuộc toàn diện chừng nào nhóm này còn duy trì nòng cốt vững mạnh là sự ủng hộ của người bản địa và những khu “thánh địa” để ấn náu ở nước láng giềng Pakistan. Dù biết điều này, Mỹ vẫn lúng túng khi đối đầu với Pakistan bởi đây là đồng minh hàng đầu của Washington ở Nam Á và cũng là một cường quốc quân sự có vũ khí hạt nhân.
Nhưng Taliban cũng không thể thắng trong cuộc chiến này bởi những hạn chế về giáo phái và sắc tộc đối với sự ủng hộ của nhóm này ở Afghanistan cũng như sự hậu thuẫn hùng hậu về tài chính và quân sự của Mỹ cho chính quyền ở Kabul./.Đánh bom ở Kabul: Bài toán an ninh cho Afghanistan chưa có lời giải