Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh “điều tra ngay lập tức” về việc được cho là sự ra đời của những em bé chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới. Trong lúc đó cộng đồng chuyên gia toàn cầu bày tỏ sự phẫn nộ trước việc sử dụng công nghệ này.

Công cụ “biên tập” gen

Làn sóng phản ứng trên xuất hiện sau các tuyên bố trên mạng của nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khôi (He Jiankui). Ông Hạ nói rằng hai bé gái sinh đôi đã được sinh ra với các ADN được chỉnh sửa để giúp các bé có khả năng kháng virus HIV. Đây là một bước đi đột phá có thể làm dấy lên nhiều câu hỏi lớn về đạo đức liên quan đến việc chỉnh sửa gen và điều mà người ta gọi là những đứa trẻ tạo ra theo thiết kế.

chinh_sua_gene_rdrd.jpg
Hình ảnh về gen. Ảnh: CNN.

Ông Hạ là một giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ phương Nam ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ông tuyên bố rằng phòng thí nghiệm của mình đã chỉnh sửa các mã gen của phôi thai cho 7 cặp đôi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Trong đoạn video phát lên mạng YouTube vào hôm 26/11, nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng một trong các trường hợp mang thai đã thành công và cặp song sinh nữ được cho là khỏe mạnh tên là Lulu và Nana đã chào đời “vài tuần trước”.

Giáo sư Hạ nói rằng ông sử dụng công cụ có tên CRISPR-cas9 giúp chèn hoặc ức chế một số gen nhất định. Trong đoạn video trên YouTube, ông Hạ miêu tả quy trình này là “loại bỏ cánh cổng mà virus HIV có thể xâm nhập”.

Tuyên bố của nhà khoa học Hạ chưa được kiểm chứng độc lập cũng như chưa được các đồng nghiệp kiểm tra.

Việc chỉnh sửa gen phôi thai bị cấm ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Ở Anh, việc chỉnh sửa phôi thai là được phép nhưng chỉ là cho mục đích nghiên cứu với sự phê duyệt rất nghiêm ngặt.

Hiện không rõ quy trình chỉnh sửa này có an toàn không và nếu sử dụng với quá trình mang thai thì người ta chưa rõ quy trình đó có để lại hậu quả không mong muốn nào với các trẻ em sau này khi lớn lên hay đối với các thế hệ tương lai tiếp theo hay không.

Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào công nghệ chỉnh sửa gen, đầu tư vào những cái “đầu tiên” trên thế giới, bao gồm việc sử dụng công cụ “biên tập” gen CRISPR-Cas9 ở con người vào năm 2016. Thông tin cho hay, Trung Quốc cũng đã lần đầu sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để biến đổi các phôi thai người không thể sống sót được vào năm 2015.

Gần đây các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc tuyên bố đã gây giống được các chú chuột khỏe mạnh từ chuột bố/mẹ sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen.

Hoài nghi trong nội bộ Trung Quốc

Trong một thông cáo đăng vào sáng 27/11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho hay, họ “đã lập tức yêu cầu Ủy ban Y tế tỉnh Quảng Đông nghiêm túc điều tra và kiểm chứng” các tuyên bố do Hạ Kiến Khôi đưa ra.

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi bệnh viện Trung Quốc được nêu tên trong các tài liệu phê chuẩn về mặt đạo đức của ông Hạ – Bệnh viện Sản nhi Harmonicare Thâm Quyến, phủ nhận liên quan vào quá trình này.

Một đại diện của bệnh viện này nói với CNN: “Chúng tôi có thể cam đoan rằng nghiên cứu trên không được tiến hành tại bệnh viện của chúng tôi và các em bé cũng không được sinh ra ở đây”. Tuy nhiên bệnh viện xác nhận rằng hai trong số các bác sĩ được nêu tên trong các tài liệu của ông Hạ có làm việc tại bệnh viện này. Bệnh viện cho biết đang diễn ra cuộc điều tra nội bộ về chuyện này.

Theo điều tra sơ bộ của bệnh viện sản nhi nói trên, các chữ ký trên tài liệu phê chuẩn về mặt đạo đức cho nghiên cứu của Hạ có dấu hiệu bị làm giả. Theo một tuyên bố trên tài khoản mạng WeChat của bệnh viện này, họ chưa bao giờ triệu tập một cuộc họp của ủy ban y đức về vấn đề này. Bệnh viện sẽ yêu cầu công an can thiệp và điều tra vụ việc, buộc những người liên can phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Thâm Quyến tố cáo tính hợp pháp của ủy ban y đức bệnh viện này và quá trình xem xét để phê chuẩn việc chỉnh sửa gen. Ủy ban này xác nhận họ đã mở một cuộc điều tra để “kiểm chứng tính xác thực của bản kiểm tra về mặt đạo đức đối với nghiên cứu được thông tin trên truyền thông”.

Trong khi đó Đại học Khoa học và Công nghệ phương Nam ra thông cáo nói rằng nhà nghiên cứu Hạ đã nghỉ phép từ ngày 1/2.

Cơ sở giáo dục và nghiên cứu này tuyên bố: “Công việc nghiên cứu đó đã được Giáo sư Hạ Kiến Khôi tiến hành bên ngoài trường. Ông ấy không báo cáo với trường hoặc khoa sinh học của trường. Trường và khoa đều không hay biết chuyện này”.

Trường đại học này cho biết thêm, “Ủy ban Học thuật của Khoa Sinh học tin rằng nghiên cứu trên vi phạm nghiêm trọng đạo đức học thuật và các thông lệ  hàn lâm”.

Đòn giáng mạnh vào hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc

Một tuyên bố chung do hơn 120 nhà khoa học Trung Quốc đăng trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo lên án nghiên cứu chỉnh sửa gen người.

Họ viết: “Báo cáo y đức chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà thôi. Việc trực tiếp thí nghiệm trên người không là gì khác ngoài sự điên rồ... Ngay khi một sinh linh người được tạo ra, không ai dự đoán được tác động do nó mang lại, yếu tố gen bị biến đổi sẽ tất yếu hòa vào kho gen nhân loại”. Họ bổ sung thêm: Việc thử nghiệm nói trên là “đòn mạnh” giáng vào danh tiếng của ngành nghiên cứu y sinh Trung Quốc. “Điều đó cực kỳ bất công cho các nhà khoa học Trung Quốc cần mẫn, sáng tạo và đang bảo vệ nền tảng của đạo đức khoa học”.

Julian Savulescu, giám đốc của Trung tâm Đạo đức Thực tiễn Oxford Uehiro tại Đại học Oxford, đã mô tả các trường hợp sinh vừa rồi là “trò chơi Ru-let kiểu Nga về gen” (hàm ý mức độ rủi ro cao – ND).

Ông Savulescu tuyên bố: “Nếu đúng thì thử nghiệm này là quái dị... Các phôi thai đều khỏe mạnh. Không biết có bệnh nào. Bản thân việc chỉnh sửa gen là thí nghiệm và vẫn gắn với các biến dị ngoài mục tiêu nhắm tới, có khả năng gây ra các vấn đề về gen sớm hay muộn trong cuộc đời, bao gồm cả việc phát triển bệnh ung thư”.

Savulescu nêu thêm: “Có nhiều cách hiệu quả để ngăn ngừa HIV ở các cá thể khỏe mạnh. Chẳng hạn như thực hành tình dục an toàn. Và có những biện pháp điều trị hiệu quả nếu ai đó mắc phải virus này”.

Joyce Harper, một giáo sư về di truyền và chuyên ngành phôi thai người tại Viện Sức khỏe Phụ nữ tại Đại học College London, đã mô tả nghiên cứu trên là “quá sớm, nguy hiểm và thiếu trách nhiệm”.

Trong thông cáo của mình, bà Harper bổ sung thêm: “Trước khi quy trình này tiến tới bất cứ điểm nào gần thực tiễn lâm sàng, chúng ta cần nghiên cứu nhiều năm để đảm bảo rằng việc can thiệp vào gen của phôi thai sẽ không gây hại cho con người trong tương lai”.

Bất chấp các quan ngại của phương Tây về đạo đức, một nghiên cứu gần đây cho thấy công luận Trung Quốc nhìn chung ủng hộ sử dụng liệu pháp chỉnh sửa gen cho mục đích y tế. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, một cuộc thăm dò trực tuyến do Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc) chỉ ra rằng hơn 2/3 trong số 4.771 người được hỏi (trong đó có 575 người mắc HIV) ủng hộ việc sử dụng chỉnh sửa gen để điều trị bệnh.

Liang Chen, một giáo sư tại Đại học Tôn Dật Tiên, được trích dẫn phát biểu như sau: “Người dân Trung Quốc có mức độ sẵn sàng cao trong việc sử dụng gen để ngăn ngừa và điều trị bệnh. Điều này cho thấy nghiên cứu chỉnh sửa gen ở Trung Quốc không chỉ có tiềm năng hứa hẹn mà còn đáp ứng lại nhu cầu của công chúng”./.