tham_phan_han_quoc_xrwk.jpg
Vào 9h sáng (giờ Việt Nam) ngày 10/3,  quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Lee Jung-mi đã đọc phán quyết tuyên bố giữ nguyên tội trạng của Tổng thống Park Geun-hye. Phán quyết này đồng nghĩa với việc bà Park chính thức bị cách chức vĩnh viễn và Hàn Quốc sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống để chọn người kế nhiệm bà trong vòng 60 ngày. Ảnh: Yonhap

Ngay sau khi phán quyết của Tòa Hiến pháp được công bố, hàng ngàn người biểu tình chống bà Park đã tỏ ra cực kỳ phấn khích. 
Đối với những người đã mất lòng tin vào nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, việc bà bị luận tội và cách chức là một chiến thắng của nền dân chủ.
Ảnh: Reuters

Chỉ vài giờ sau khi Tòa Hiến pháp tuyên bố cách chức Tổng thống Park Geun-hye, Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) Hàn Quốc cũng tuyên bố bắt đầu chấp nhận các ứng cử đề cử Tổng thống cho cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong vòng 60 ngày tới. Theo các nhà quan sát, viễn cảnh chính trường Hàn Quốc trong 60 ngày tới hứa hẹn sẽ là một cuộc đua khốc liệt. Ảnh: Yonhap

Ngày 11/3, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Hàn Quốc cho biết, cuộc bầu cử nhằm chọn ra người kế nhiệm bà Park Geun-hye sẽ được tổ chức muộn nhất vào 9/5 tới và đây sẽ là một cuộc bầu cử tự do. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bất cứ ai thắng cử cũng sẽ phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn nhằm đoàn kết đất nước đã chia rẽ sâu sắc sau bê bối lịch sử này, cũng như giải quyết các mối quan hệ ngày càng phức tạp tại khu vực. Ảnh: Reuters

Ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh nhập cư mới, tiếp tục duy trì lệnh cấm vào Mỹ trong vòng 90 ngày đối với người dân từ Iran, Libya, Syria, Somalia, Sudan, và Yemen. Iraq đã được loại khỏi danh sách này. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sander cho biết, sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, sắc lệnh nhập cư mới này tiếp tục vấp phải sự phản đối. Nhiều nước Hồi giáo đã lên tiếng phản đối sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump và kêu gọi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh. Bản thân trong nội bộ nước Mỹ, sau Hawaii đến lượt New York, Washington, Oregon, Massachusetts và Minnesota đâm đơn kiện sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Cũng liên quan đến những chính sách của chính quyền Trump, ngày, các Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã công bố  dự luật Chăm sóc Sức khỏe Mỹ (ACA) còn gọi là Trumpcare nhằm thay thế cho Obamacare. Tuy nhiên, chỉ 24 giờ sau khi được công bố, dự luật này đã bị phản đối gay gắt, thậm chí từ chính Đảng Cộng hòa bởi nó quá giống với đạo luật y tế gây tranh cãi hiện nay là Obamacare. Trước những tranh cãi này, Tổng thống Trump có vẻ đang có những động thái nhượng bộ để dự luật ACA được thông qua.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại đang có dấu hiệu nóng lên. Rạng sáng 6/3, CHDCND Triều Tiên đã phóng 4 quả tên lửa, 3 trong số đó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Các quả tên lửa này được cho là tầm bắn lên tới 1.000km. Ngay sau vụ phóng, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên án động thái này của Triều Tiên. Đồ họa: plo.vn

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 7/3 thông báo, các bộ phận đầu tiên của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được đưa tới căn cứ không quân Osan, cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc 70km về phía Nam vào tối 6/3. Ảnh: US Department of Defense

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực được đẩy lên cao sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, tuyên bố bắt đầu triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ sẽ giống như đổ thêm dầu vào lửa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 7/3 khẳng định lập trường của Trung Quốc, phản đối việc triển khai Hệ thống phòng thủ này tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Malaysia và Triều Tiên đang rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có tiền lệ liên quan đến cái chết của một công dân Triều Tiên có hộ chiếu mang tên Kim Chol tại sân bay Kuala Lumpur tháng trước. Ngày 6/3, Bình Nhưỡng đã cấm mọi công dân Malasyia rời khỏi Triều Tiên, đáp lại Malaysia cũng tuyên bố, nước này cấm mọi nhân viên của Đại sứ quán Triều Tiên rời khỏi Malaysia. Ảnh: Hùng Cường

Ngày 10/3, Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia, Khalid Abu Bakar đã lên tiếng khẳng định, người đàn ông bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hồi tháng trước là ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là lần đầu tiên cảnh sát Malaysia chính thức xác nhận danh tính của người đàn ông thiệt mạng tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur với hộ chiếu mang tên Kim Chol. Ảnh: Reuters

Ngày 11/3, Thứ trưởng Y tế Malaysia, Tiến sĩ Hilmi Yahaya cho biết, Bộ Y tế nước này vẫn chưa quyết định sẽ làm gì tiếp theo đối với thi thể người đàn ông bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur mà phía Malaysia khẳng định là Kim Jong-nam. Tiến sĩ Hilmi cho biết thêm rằng, luật pháp Malaysia không giới hạn thời gian trao trả hay không trao trả thi thể. Ảnh: AGV News

Ngày 10/3, phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Moscow sau hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan, Tổng thống Nga Putin cho biết, có thể tự tin xác nhận rằng, mối quan hệ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã quay lại con đường hợp tác đối tác thực sự trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Sputnik

Nhật Bản ngày 11/3 tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra cách đây đúng 6 năm. Tròn 6 năm sau thảm họa, dấu hiệu của sự sống đã trở lại tại nhiều thị trấn và làng mạc quanh khu vực này với những hàng cây xanh mướt, những công trình xây dựng sắp được hoàn tất để đón người dân địa phương trở về.