Nhiều nguồn tin từ giới chức Mỹ tiết lộ, Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc triển khai một hành động quân sự mới tại Syria nếu điều này là cần thiết để đối phó với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà theo Mỹ là có thể đang phát triển những loại vũ khí hóa học mới.
Các chuyên gia vũ khí hóa học Liên Hợp Quốc tại Syria. Ảnh: Reuters |
Giới chức Mỹ cho rằng, Chính phủ Syria đã giữ lại một số vũ khí hóa học bất chấp thỏa thuận giữa đạt được giữa Moscow và Washington, trong đó, Damascus chấp thuận giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình để tiêu hủy.
Cuộc chiến vũ khí hóa học tại Syria
Từ năm 2014, Syria đã giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình và một phái bộ chung giữa Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) đã tiến hành giám sát việc tiêu hủy toàn bộ số vũ khí này.
Song quan chức giấu tên của Mỹ đã thông tin cho phóng viên của Reuters rằng, các lực lượng vũ trang Syria vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hóa học và đã một vài lần sử dụng loại vũ khí này với số lượng nhỏ kể từ tháng 4/2017. Tuy nhiên, giới chức Mỹ không cung cấp thêm thông tin chi tiết để củng cố cho cáo buộc của mình.
Nhắc lại vụ tấn công tại Khan Shaykhun, tỉnh Idlib của Syri ngày 4/4/2017. Đây là dấu mốc kinh hoàng về vụ tấn công bằng khí độc Sarin làm hơn 80 người thiệt mạng. Hình ảnh đau thương kinh hoàng của các hàng trăm người là nạn nhân của vụ tấn công, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em, đã khiến cả thế giới bàng hoàng và căm phẫn.
Hình ảnh những đứa trẻ là nạn nhân của vũ khí hóa học làm thế giới phẫn nộ. |
Trong khi chính phủ Syria bác bỏ mọi cáo buộc đã thực hiện vụ tấn công kinh hoàng này, thì cộng đồng quốc tế vẫn sục sôi tìm ra thủ phạm. Mỹ và các nhóm đối lập tại khu vực Khan Shaykhun đã cáo buộc chính phủ Syria thực hiện vụ tấn công này. Phía Syria cùng với Nga thì bác bỏ các cáo buộc và cho rằng lực lượng phiến quân đã chôn giấu số vũ khí hóa học này và khi các vị trí của phiến quân bị tấn công khiến cho chất độc hóa học phát tán ra môi trường.
Không ít những quan ngại về khả năng vũ khí hóa học xuất hiện trở lại tại Syria từ sau vụ việc tại Shaykhun. Đặc biệt là Mỹ, nước này khẳng định Mỹ có quyền sử dụng quân sự để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học.
Giới chức Mỹ thúc giục cộng đồng quốc tế nếu không nhanh chóng có hành động kiềm chế Syria phát triển vũ khí hóa học, thì vũ khí hóa học có thể được đưa ra khỏi biên giới Syria và thậm chí là được mang tới nước Mỹ.
Nga phủ quyết, Syria thoát tội
Hai tháng sau vụ tấn công Khan Shaykhun, nhóm điều tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã công bố kết quả tìm hiểu và khảo sát thực địa hiện trường vụ tấn công, theo đó xác định chất độc hóa học đã được sử dụng là sarin- một loại khí độc thần kinh.
Tuy nhiên, Nga một lần nữa bác bỏ báo cáo của OPCW, cho rằng tài liệu này là vô căn cứ đồng thời không trả lời được câu hỏi “Kẻ nào phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công?” và “Vũ khí hóa học đã được sử dụng như thế nào?”
Tranh cãi xung quanh vấn đề vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Nhưng vì diễn biến chiến sự dồn dập buộc cả Nga và Mỹ phải tập trung vào giải quyết các mặt trận chống khủng bố then chốt, nên vấn đề vũ khí hóa học được tạm gác sang một bên.
Mồi lửa tranh cãi được châm lại khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuần trước nói rằng Nga phải chịu một phần trách nhiệm trong thất bại của việc thực thi lệnh cấm vũ khí hóa học tại Syria. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng thẳng thừng cáo buộc chính phủ Syri sử dụng vũ khí hóa học trong một số chiến dịch gần đây nhằm vào các lực lượng phiến quân.
Phía Nga ngay lập tức bác bỏ tuyên bố của ông Tillerson. Còn chính phủ Syria thì khẳng định họ không thực hiện bất cứ cuộc tấn công nào và cáo buộc Mỹ đang cố làm lu mờ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến đã kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Cũng trong tuần trước, một vụ tấn công bằng khí độc chlorine được ghi nhận tại khu vực Ain Tarma di phe nổi dậy kiểm soát phía Đông thủ đô Damascus, làm 13 người thương vong. Song tính chất của những vụ tấn công gần đây tại Syria cho thấy có thể một số loại vũ khí hóa học mới đã được phát triển và việc truy tìm nguồn gốc của chúng trở nên khó khăn hơn.
Thông tin này phù hợp với cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và khiến nhiều quan chức phương Tây đến thời điểm này cũng bắt đầu nghi ngờ chính phủ Syria là thủ phạm của các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Đại diện khoảng 30 nước tuần trước cũng đã nhóm họp tại Paris, Pháp, nhằm thúc đẩy sáng kiến nối lại các cuộc điều tra quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, cũng như tìm cách chống lại quyền phủ quyết của Nga tại Liên Hợp Quốc liên quan vấn đề này.
Do Pháp khởi xướng, Hội nghị vũ khí hóa học Syria được tổ chức sau khi Nga 2 lần phủ quyết việc gia hạn sứ mệnh của các chuyên gia quốc tế về sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Đề cập về vấn đề này, Chính phủ Pháp cho rằng, tình hình đang bị lâm vào bế tắc ở cấp độ quốc tế và cần phải làm cho thủ phạm của những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria hiểu rằng chúng có thể sẽ bị đưa ra xét xử và rằng quốc tế sẽ không bỏ mặc vấn đề này.
Để cụ thể hóa tuyên bố của mình, Chính phủ Pháp dự kiến sẽ thông qua lệnh đóng băng tài khoản nhằm vào 25 thực thể và quan chức không chỉ của Xyri, mà cả của Pháp, Lebanon bị tình nghi tài trợ cho chương trình vũ khí hóa học của Syria. Theo đánh giá của Pháp, trong giai đoạn từ năm 2012-2017, đã có ít nhất 130 vụ tấn công hóa học xảy ra tại Syria.
Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đã kết luận chính quyền Syria “là thủ phạm” của 4 trong số những vụ tấn công này.
Tranh cãi về vũ khí hóa học - Rào cản lớn cho hòa đàm Syria
Mỹ sẽ không ngại tấn công Syria
Gần 72 giờ sau vụ tấn công Khan Shaykhun hồi tháng 4 năm ngoái, Mỹ đã nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat thuộc tỉnh Homs, miền Trung Syria.
Căn cứ này là nơi cả binh sĩ Syria và Nga đóng quân.
Cuộc không kích chóng vánh, đầy bất ngờ của Mỹ, vấp phải chỉ trích kịch liệt của Nga, coi đây hành động vô trách nhiệm. Nga cáo buộc cuộc tấn công không khác gì sự gây hấn nhằm vào một quốc gia có chủ quyền, vi phạm các chuẩn mực quốc tế, đồng thời điều chiến hạm tới gần tàu Mỹ phóng tên lửa.
Tuy nhiên, các nước đồng minh với Mỹ như Đức, Pháp, Anh lại cho rằng đây là “hành động phù hợp”.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu động binh lúc này tại Syria, Mỹ sẽ chỉ khiến tình hình tại quốc gia Trung Đông này thêm phần phức tạp, không có lợi cho hòa bình của khu vực Trung Đông.
Chính phủ Mỹ hôm 17/01 đã thông báo, quân đội nước này sẽ tiếp tục ở lại Syria cho tới khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoàn toàn bị đánh bại, cũng như là nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran và buộc Tổng thống al-Assad phải từ bỏ quyền lực./.
Mỹ để ngỏ khả năng tấn công quân sự Syria
Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt chỉ trích kế hoạch của Mỹ tại Syria