Reutersdẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 1/2 cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad được cho là đã bí mật cất giữ một số lượng lớn vũ khí hóa học bất chấp việc lẽ ra ông phải bàn giao toàn bộ số vũ khí này để tiêu hủy vào năm 2014.

clipboard01_qfod.jpg
Nhóm chuyên gia vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc thu thập bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hồi năm 2013. Ảnh: Reuters

Thay vì thế, Chính phủ của ông Assad được cho là đang âm thầm phát triển vũ khí hóa học và thỉnh thoảng vẫn sử dụng với số lượng nhỏ kể từ sau vụ tấn công bằng khí độc sarin hồi tháng 4/2014 mà Mỹ cáo buộc quân đội Syria nhằm vào dân thường.

Cũng theo quan chức Mỹ, các vụ tấn công gần đây của quân Chính phủ Syria cho thấy họ đã phát triển thành công một loại chất độc khác khiến việc truy xuất nguồn gốc hóa chất của loại vũ khí hóa học đó trở nên khó khăn hơn nhiều.

Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công bằng khí độc sarin hồi tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh phóng tên lửa vào căn cứ Không quân Shayrat- nơi được cho là xuất phát điểm của vụ tấn công đó.

Liên quan đến loại vũ khí hóa học mới mà Syria được cho là đã phát triển thành công, quan chức Mỹ khẳng định: “Chúng tôi có quyền sử dụng các biện pháp quân sự để răn đe và ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học”. Tuy nhiên, quan chức này từ chối tiết lộ phản ứng quân sự của Mỹ lần này sẽ là gì.

Trong khi đó, một quan chức khác cho biết, Chính phủ Mỹ tin tưởng việc tăng cường các lệnh trừng phạt cũng như liên tục gây sức ép về mặt ngoại giao với Syria có thể giúp ngăn chặn việc chính quyền của ông Assad sở hữu cũng như phát triển vũ khí hóa học.

Tuy nhiên, vị quan chức này cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không hành động nhanh chóng và mạnh mẽ, vũ khí hóa học từ Syria có thể lan rộng xuyên biên giới và thậm chí “chạm đến đất Mỹ”.

Các quan chức Mỹ cũng nhắc lại lời cáo buộc của Ngoại trưởng Rex Tillerson rằng, Nga- đồng minh thân cận của ông Assad- cũng phải chịu trách nhiệm cho việc lệnh cấm vũ khí hóa học không được thực thi đầy đủ. Tuy nhiên, phía Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và Chính phủ Syria cũng tuyên bố họ không tiến hành bất kỳ một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nào.

Các quan chức Mỹ nhận định, nếu cứ để tình hình diễn ra như hiện nay, sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học như một loại “công cụ khủng bố” để bù đắp cho sự thiếu hụt binh sĩ quân Chính phủ Syria trong nỗ lực chiếm lại những khu vực do phe đối lập kiểm soát. “Họ vẫn nghĩ rằng họ hoàn toàn có thể thoát khỏi mọi cáo buộc nếu biết cách giữ kín thông tin ở một mức độ nào đó”.

Trước đó, các quan chức Mỹ cũng đã bày tỏ nghi ngờ quân Chính phủ Syria sử dụng khí clo tấn công vào một khu vực do phe đối lập kiểm soát ở phía Đông Damascus khiến ít nhất 13 người bị ảnh hưởng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 1/2 tuyên bố Mỹ “cực kỳ quan ngại” về báo cáo có thông tin rằng, quân đội Syria đã tiến hành thêm một vụ tấn công bằng khí clo ở Đông Ghouta.

Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận phiến quân IS cũng thường xuyên sử dụng vũ khí hóa học như khí mù tạc và clo để tấn công khủng bố, tuy nhiên, cách thức sử dụng của chúng lộ liễu hơn nhiều so với quân Chính phủ Syria./.