Giới phân tích đang đặt câu hỏi liệu chiến thắng của ông Erdogan có dẫn tới những thay đổi về tương quan mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga hay không, nhất là khi các mối quan hệ này đang chi phối cục diện quân sự và chính trị tại một khu vực nhiều bất ổn như Trung Đông.

erdogan_qked.jpg
Ông Tayyip Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/6. Ảnh: BBC

Sau chiến thắng vang dội của Tổng thống Tayyip Erdogan, Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 25/6 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện những biện pháp nhằm củng cố hơn nữa nền dân chủ. Theo Người phát ngôn Nhà Trắng, cả Mỹ và Thổ Nhỹ Kỳ đều đang cố gắng sắp xếp một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Tayyip Erdogannhằm tái khẳng định sức mạnh của mối quan hệ hai nước.

Tuy nhiên, ngoài tuyên bố này, tới thời điểm hiện nay, Chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào hoan nghênh việc Tổng thống Erdogan tái đắc cử ngay từ vòng đầu tiên của cuộc bầu cử. Bởi vậy, giới phân tích đánh giá, những phản ứng đầu tiên của Mỹ là “rất lạnh nhạt”. 

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi các chính sách dần xa rời Mỹ và phương Tây. Mâu thuẫn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát trong thời gian qua liên quan đến các hoạt động hỗ trợ các tay súng người Kurd của Mỹ và cáo buộc Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016. Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 và các loại vũ khí chiến lược của Nga thời gian gần đây, càng khiến cho quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược trong NATO này thêm khủng hoảng.

Giống như Mỹ, phản ứng của Liên minh châu Âu đối với kết quả cuộc bầu cử Tổng thống tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng khá thận trọng. Trong một thông cáo chung, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini và Ủy viên châu Âu về mở rộng khối Johannes Hahn, cam kết làm việc với Tổng thống Erdogan và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cùng nhau giải quyết nhiều thách thức chung, song lại tránh bình luận về chiến thắng của ông Erdogan.

Theo các nhà phân tích, với Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có cửa để bước vào khối này chừng nào Tổng thống Erdogan vẫn duy trì các chính sách như hiện nay. Bởi lẽ, các chính sách được thực thi dưới thời ông Erdogan được cho là đi ngược lại với giá trị châu Âu, song Liên minh châu Âu lại vẫn cần Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết các vấn đề của mình như cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.

Chuyên gia phân tích Marc Pierini, cựu Đại sứ Liên minh châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: “Dưới con mắt của Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đang đi theo một quỹ đạo khác với châu Âu. Tình hình hiện nay đang khiến khả năng khôi phục các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc tất cả các cây cầu đều đã bị cắt đứt. Bởi Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích kinh tế và an ninh chung.

Trong khi đó, trái ngược với phản ứng dè dặt của Mỹ và Liên minh châu Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chúc mừng thắng lợi của Tổng thống Erdogan.

Tuy nhiên, tương lai mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga vẫn là khó đoán định. Bởi, Thổ Nhĩ Kỳ không thể phủ nhận thực tế là cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều là những đồng minh và đối tác không dễ cắt đứt bởi những ràng buộc lợi ích, dù hai bên đang trải qua giai đoạn lạnh nhạt và thiếu niềm tin nghiêm trọng như hiện nay.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể bỏ qua những lợi ích rõ ràng mà mối quan hệ với Nga đang mang lại. Người ta đã được chứng kiến một liên minh mới Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Iran được hình thành ra sao và liên minh này đã góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề ở khu vực như thế nào. Với tham vọng trở thành một cường quốc có ảnh hưởng ở khu vực, thì các mối quan hệ với Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga được dự báo sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền Tổng thống Erdogan thời gian tới./.