Cảnh báo đưa ra đúng thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu hôm qua (11/6) bắt đầu bước vào các cuộc đàm phán thương mại, mà nông nghiệp dự báo là một trong những nội dung có thể khiến hai bên khó có thể đi tới thỏa thuận.
Sau Trung Quốc và Mexico, ông Trump “chĩa mũi nhọn” vào rượu vang Pháp. Ảnh: Reuters |
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, khi đưa ra các ví dụ cho thấy Mỹ bị đối xử bất công trong thương mại, Tổng thống Donald Trumpcho rằng, Pháp tính phí rượu vang rất cao với Mỹ, còn Mỹ thì ngược lại tính phí rất thấp đối với rượu vang của Pháp. Theo ông, điều này là không công bằng và Mỹ sẽ phải làm điều gì đó.
Ông Trump cho biết: “Pháp tính phí rượu vang rất cao với Mỹ, còn Mỹ thì ngược lại tính phí rất thấp đối với rượu vang Pháp. Vì vậy, các nhà sản xuất rượu tại California luôn phàn nàn với tôi rằng tại sao chúng tôi lại phải trả tiền nhiều như vậy để xuất khẩu rượu của mình sang Pháp. Họ có thứ rượu vang tuyệt vời, nhưng chúng tôi cũng có thứ rượu vang tuyệt vời của mình. Điều này là không tương xứng và chúng ta phải làm điều gì đó”.
Tùy vào các dòng và nồng độ cồn, rượu nhập khẩu vào Mỹ đối diện với các mức thuế từ 5,3 đến 12,7%. Các loại rượu vang sủi bọt chịu mức thuế cao nhất là 14,9% cho mỗi chai. Trong khi đó, rượu của Mỹ xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) đối diện mức thuế từ 11 đến 29% cho mỗi chai. Năm 2018, lượng rượu xuất khẩu của Pháp vào Mỹ đã tăng 4,6%, lên mức 3,6 tỷ USD. Con số này cho thấy Mỹ là thị trường giá trị nhất với ngành sản xuất đồ uống có cồn của Pháp. Trong khi đó, Pháp cũng là thị trường xuất khẩu rượu số 1 của các nhà sản xuất rượu đến từ California, với số lượng nhập khẩu tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump đưa ra cảnh báo với Pháp. Trước đó, tháng 11 năm ngoái, nhà lãnh đạo Mỹ cũng từng có phát biểu tương tự. Tuy nhiên, lần này lại đúng thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu bước vào các cuộc đàm phán thương mại, được dự báo sẽ rất căng thẳng. Trong khi Liên minh châu Âu không muốn đưa nông sản vào danh sách cắt giảm thuế, thì Mỹ lại kiên quyết phản đối.
Và tại sao lại là Pháp sau những gì mà hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ đã thể hiện tại Pháp nhân lễ kỷ niệm 75 năm Ngày quân Đồng minh bắt đầu chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy cách đây chỉ hơn 1 tuần? Trên thực tế, Tổng thống Pháp Macron là nhà lãnh đạo châu Âu phản đối mạnh mẽ nhất các cuộc đàm phán thương mạivới Mỹ, cho rằng, châu Âu không nên đàm phán một thỏa thuận với một quốc gia không tham gia Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Pháp ngày 15/4 cũng bỏ phiếu phản đối đàm phán thương mại với Mỹ nhưng bất thành vì số lượng ủng hộ áp đảo. Dù không thể ngăn đàm phán Mỹ - EU diễn ra, Pháp vẫn có thể chặn mọi thỏa thuận hai bên có thể đạt được. Theo quy định, toàn bộ thành viên Liên minh châu Âu phải cùng ký vào những thỏa thuận do liên minh này thương lượng. Và phát biểu của Tổng thống Donald Trump có thể xem là thông điệp rõ ràng nhất gửi tới nhà lãnh đạo Pháp và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu./.
Quan hệ Mỹ - EU: “Sợi dây" khó dứt