Sự kiện quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy, Pháp, cách đây 75 năm (6/6/1944), quyết định cục diện Chiến tranh thế giới thứ 2cũng được xem là một biểu tượng cho mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp, nền tảng cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hiện nay. Tuy nhiên, từ hồ sơ Huawei, tới vấn đề hạt nhân Iran, thỏa thuận khí hậu Pari hay nguy cơ chiến tranh thương mại, rất nhiều điểm đang gây chia rẽ mối quan hệ giữa các nước đồng minh “lâu năm” này.

quanhemyeu_lbqd.jpg
Dù vẫn tồn tại không ít bất đồng song Liên minh châu Âu vẫn luôn là đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy của Mỹ trong nhiều năm qua. Ảnh: Reuters

Trong một phát biểu được xem là nhằm trấn an những ý kiến hoài nghi về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua (5/6) nhấn mạnh, dù có những bất đồng, song mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu vẫn rất tuyệt vời.

“Tôi cho rằng, các mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âuvẫn rất tuyệt vời, Tôi vẫn nghe mọi người nói về những căng thẳng, song thực tế là tôi liên tục gặp gỡ các đối tác châu Âu của mình. Trong lịch sử Mỹ và Châu Âu, tại mọi thời điểm, dù có những bất đồng, nhưng những giá trị chung, nhận thức chung về các mối đe dọa đối với nền dân chủ và tự do trên toàn thế giới vẫn luôn chiến thắng”, Ngoại trưởng Pompeo nói.

Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy rạn nứt trong mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu từ hồ sơ Huawei, tới vấn đề hạt nhân Iran, thỏa thuận khí hậu Pari hay nguy cơ chiến tranh thương mại. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ đang bị cô lập bởi chính các đồng minh của mình.

Dấu hiệu rạn nứt mới nhất chính là việc Tổng thống Donald Trump mới đây ký sắc lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng trang thiết bị viễn thông của Huawei và kêu gọi các nước đồng minh hành động tương tự. Nhiều nhà phân tích đã ví Huawei như một cái gai trong bang giao giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu. Bất chấp cảnh báo của Mỹ rằng Huawei là tai mắt của Bắc Kinh để do thám các nước phương Tây, là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của châu Âu và Mỹ, song ở bên này bờ Đại Tây Dương, các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ là Anh, Pháp hay Đức đều tỏ ra dửng dưng. Chưa kể là một số nước Đông Âu tiếp tục cho Huawei trang bị mạng 5G.

Hay như chuyến thăm Anh mới đây của Tổng thống Donald Trump cũng cho thấy rạn nứt ngày một rõ ràng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tại châu Âu xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích lập trường của Mỹ ủng hộ việc Anh rời EU bất chấp điều này có thể làm tổn thương Liên minh châu Âu. Theo chính quyền Tổng thống Donald Trump, Brexit là một quyết định được đưa ra bởi người dân Vương quốc Anh, song Mỹ rất coi trọng mối quan hệ thương mại với Anh, một quốc gia mà nước này có mối quan hệ lâu dài và sâu sắc.

Đây chỉ 2 trong số những hồ sơ mới nhất đang gây chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu thời gian qua. Trả lời phỏng vấn báo chí ngày hôm qua (5/6), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng thừa nhận, hiện tồn tại một loạt vấn đề mà Mỹ và châu Âu sẽ không thể đi chung hướng, có những lĩnh vực mà nền kinh tế Mỹ chưa được đối xử công bằng.

Ông Pompeo cho biết: “Có những lĩnh vực mà nền kinh tế Mỹ chưa được đối xử công bằng. Mỹ không thể bán các sản phẩm nông nghiệp của mình ở hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, trong khi Liên minh châu Âu có thể bán các sản phẩm của mình tại Mỹ. Điều mà Tổng thống Donald Trump đang cố gắng làm là thiết lập một nền tảng công bằng, có đi có lại trong các mối quan hệ thương mại”.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sợi dây gắn bó trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là không dễ dứt bởi Liên minh châu Âu vẫn luôn là đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy của xứ sở cờ hoa trong suốt nhiều năm qua. Và hơn hết, hai bên vẫn cần nhau trong nhiều hồ sơ quốc tế nóng./.