Động thái trên của Mỹ và Liên minh châu Âu được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn 7 ngày nữa hai miền Triều Tiên sẽ bước vào hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 trong khi Mỹ và Triều Tiên sẽ họp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng tới.

trieu_tien_eu_kqhi.jpg
Cờ Triều Tiên và cờ EU. Ảnh: Depositphotos.

Một câu hỏi đặt ra là liệu hành động này của Mỹ và Liên minh châu Âu có ảnh hưởng đến sự thành công của các hội nghị trên?

Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (19/4) đã áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 4 cá nhân tình nghi hỗ trợ tài chính cho chương trình vũ khí của Triều Tiên thông qua cái mà khối này gọi là “hoạt động tài chính giả mạo” của Triều Tiên. Dù không nêu cụ thể tên của 4 cá nhân trên song Liên minh châu Âu cho biết, danh sách đen cấm vận liên quan đến vấn đề Triều Tiên đã lên đến 59 người và 9 thực thể. Danh sách trừng phạt tương tự của Liên Hợp Quốc hiện cũng gồm 80 người và 75 thực thể.

Cùng ngày, Mỹ đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia tiếp tục gia tăng áp lực tài chính để buộc Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân. Đại sứ về giải trừ quân bị của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood cho biết, phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu này tại hội nghị 2 ngày về Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân, dự kiến khai mạc tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 23/4 tới.

“Chúng tôi sẽ tìm kiếm sự ủng hộ tại hội nghị để gia tăng áp lực buộc Triều Tiên phải thực hiện các cam kết. Và Mỹ cũng cam kết sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, minh bạch và không thể đảo ngược.”

Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết sẽ duy trì áp lực tối đa đối với Triều Tiên cho đến khi nước này chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân.

Quyết định của Mỹ và Liên minh châu Âu đưa ra trước trong bối cảnh Hàn Quốc và Triều Tiên đang gấp rút chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Liên Triều lần thứ 3 vào ngày 27/4 tới trong khi Mỹ và Triều Tiên cũng đang xúc tiến kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nếu như trước đây, việc cộng đồng thế giới gia tăng áp lực đối với Triều Tiên trước thềm hội nghị có thể khiến Triều Tiên tiếp tục các hoạt động thử tên lửa hoặc hạt nhân hoặc thậm chí hủy bỏ hội nghị. Song lần này thì khác, “lịch sử dường như không lặp lại”. Bất chấp việc Mỹ và Liên minh châu Âu gia tăng áp lực, Triều Tiên vẫn cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” Bán đảo Triều Tiên và không nêu bất kỳ điều kiện nào.

Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Triều Tiên đang thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên mà không nêu bất kỳ điều kiện nào khiến Mỹ không thể chấp nhận như việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tất cả những gì Triều Tiên nhắc tới lúc này chỉ là chấm dứt những chính sách thù địch nhằm vào họ, đi cùng với đảm bảo an ninh.

Ông Moon Jae-in nói: “Triều Tiên đang bày tỏ thiện chí cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên đối với cộng đồng quốc tê. Họ cũng đang cho chúng tôi thấy thiện chí mong muốn đối thoại.”

Theo đánh giá của giới chuyên gia, với tuyên bố tích cực trên của Triều Tiên, chính sách mềm dẻo và kiên nhẫn của chính quyền Hàn Quốc, hy vọng về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân, tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên đã được "thắp lên”. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn vô vàn chông gai, đòi hỏi các bên cần vượt qua được những rào cản của sự thiếu lòng tin hay mâu thuẫn lợi ích dai dẳng nhiều thập kỷ qua mới có thể thực sự tạo được “bước ngoặt lịch sử” như kỳ vọng./.