Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức sẽ trải qua đợt bảo trì theo kế hoạch vào tuần này, cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu và làm dấy lên mối lo ngại về việc nguồn cung khí đốt sẽ bị tạm dừng trong thời gian dài.
Nga đã giảm 40% công suất của đường ống này, một trong những động thái được cho là đẩy giá khí đốt của Anh và châu Âu tăng cao. Những hợp đồng chuẩn đang giao dịch cao hơn thời điểm này năm ngoái từ 350 - 400%. Ukraine cũng đã dừng đường ống trung chuyển khí đốt tới châu Âu vào tháng 5 với lý do là do sự can thiệp của Nga.
Những tuyến đường chính vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu
Nga cung cấp 40% khí tự nhiên cho châu Âu, chủ yếu qua các đường ống. Lượng khí đốt vận chuyển từ Nga sang châu Âu vào năm ngoái là 155 tỷ mét khối. Tuyến trung chuyển từ Ukraine chủ yếu cung cấp khí đốt tới Áo, Italy, Slovakia và các nước Đông Âu khác. Ukraine đã đóng cửa đường ống trung chuyển Sokhranovka chạy qua các khu vực do Nga kiểm soát ở phía Đông nước này.
Các nước châu Âu hiện đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Một số nước đã giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga sau khi Moscow yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Trong khi đó, những nước khác, trong đó có Đức, vẫn cần khí đốt Nga và đang cố gắng lấp đầy các trạm dự trữ đang cạn kiệt.
Những tuyến vận chuyển khác tới châu Âu không đi qua Ukraine bao gồm đường ống Yamal-Europe, chạy qua Belarus và Ba Lan tới Đức, cùng với đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đi qua Biển Baltic tới Đức.
Đường ống Yamal-Europe có công suất 33 tỷ mét khối, chiếm 1/6 lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu. Khí đốt đang chảy sang theo hướng Đông qua đường ống từ Đức sang Ba Lan kể từ đầu năm này.
Nga đã áp lệnh trừng phạt lên chủ sỡ hữu đường ống Yamal-Europe ở phần đi qua Ba Lan, vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu. Tuy nhiên, Ba Lan có thể xoay sở mà không cần đảo ngược dòng khí đốt đi qua đường ống Yamal, Bộ trưởng Khí hậu của nước này cho hay.
Trong khi đó, Áo, Đức, Italy, Slovakia và Cộng hòa Séc đang nhận ít khí đốt hơn vận chuyển qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
Điều gì đang xảy ra?
Lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm trong nửa đầu năm 2022 với các dòng chảy khí đốt đi qua 3 đường ống chính giảm 50% so với nửa đầu năm 2021. Lượng khí đốt đi qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc và đi qua Ukraine đã giảm vào năm ngoái và tiếp tục suy giảm vào tháng 3 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Năm nay, Moscow đã cắt giảm khí đốt vận chuyển sang Bulgaria, Phần Lan, Ba Lan, công ty Orsted của Đan Mạch, công ty Gasterra và Shell của Hà Lan cung cấp khí đốt cho Đức, sau khi những bên này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp mà điện Kremlin đưa ra.
Một số công ty như Uniper và RWE của Đức cùng với công ty Eni của Italy đã thanh toán theo cơ chế mới của Nga và tiếp tục nhận được khí đốt. Tuy nhiên, nhiều công ty, trong đó có Uniper và RWE đã chứng kiến nguồn cung bị hạn chế sau khi Nga giảm công suất của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi cáo buộc Moscow đang sử dụng khí đốt vì những lý do chính trị thì Nga cho biết việc cắt giảm nguồn cung là cần thiết bởi các thiết bị mang đi bảo trì chưa được trả lại.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng cáo buộc Moscow tiếp tục dừng dòng chảy khí đốt qua đường ống trên không phải do bảo trì mà là nỗ lực nhằm gây mất ổn định châu Âu.
Việc cắt giảm khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc đã đẩy giá khí đốt ở Anh và châu Âu tăng cao. Các nhà phân tích nhận định, giá khí đốt có thể tăng cao hơn nữa nếu nguồn cung qua đường ống này không được nối lại sau khi bảo trì, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 21/7.
Châu Âu có thể tìm kiếm nguồn cung thay thế ở đâu?
Một số quốc gia đã có những lựa chọn thay thế và mạng lưới khí đốt của châu Âucó liên kết chặt chẽ với nhau, do đó có thể chia sẻ cho nhau, mặc dù thị trường khí đốt toàn cầu bị thắt chặt thậm chí trước cả cuộc khủng hoảng ở Ukraine xảy ra.
Đức, khách hàng châu Âu lớn nhất của Nga đã dừng việc thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 do cuộc chiến ở Ukraine, có thể nhập khẩu khí đốt từ Anh, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan qua các đường ống.
Công ty Centrica của Anh đã ký một thỏa thuận với công ty Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt cho Anh trong 3 mùa đông tới. Anh không phụ thuộc vào Nga về khí đốt và cũng có thể xuất khẩu sang châu Âu qua các đường ống.
Nam Âu có thể nhận khí đốt từ Azerbaijan qua đường ống Trans Adriatic tới Italy và đường ống khí tự nhiên Trans-Anatolian (TANAP) qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ cho biết nước này có thể cung cấp 15 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Liên minh châu Âu trong năm nay.
Các nhà máy LNG của Mỹ đang sản xuất hết công suất nhưng một vụ nổ vào tháng trước ở một trạm xuất khẩu LNG lớn ở Texas đã khiến nó phải tạm dừng hoạt động cho tới tháng 9 và sẽ chỉ có thể nối lại việc sản xuất một phần vào cuối năm 2022.
Các tạm LNG của châu Âu cũng gặp hạn chế trong việc tăng cường xuất khẩu, mặc dù một số nước châu Âu cho biết họ đang tìm cách mở rộng nhập khẩu và dự trữ. Đức nằm trong số những quốc gia muốn xây dựng các trạm LNG mới. Nước này có kế hoạch xây dựng 2 trạm LNG chỉ trong 2 năm.
Ba Lan, nước đáp ứng được khoảng 50% lượng khí đốt tiêu thụ của mình, khoảng 10 tỷ mét khối, cho biết nước này có thể nhận khí đốt qua 2 đường ống trên cùng với Đức.
Vào tháng 10 tới, đường ống với công suất 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, đi qua Ba Lan và Na Uy, sẽ bắt đầu đi vào hoạt động./.