Ngày 7/9, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov tại Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố Nga là đối tác của Pháp trong mọi lĩnh vực. Động thái này một lần nữa cho thấy quan hệ Nga - Pháp đang đi vào chiều sâu, đồng thời cũng là cách để Pháp và các nước châu Âu đảm bảo các lợi ích chiến lược ở khu vực so với đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương là Mỹ.
Không cần phải nhắc đến tuyên bố của Tổng thống Pháp, người ta cũng thấy mối quan hệ Nga - Pháp thời gian qua đã trở nên nồng ấm hơn. Một chương trình nghị sự dày đặc với những chủ đề lớn, khá nhạy cảm so với những mâu thuẫn trong quan điểm của hai nước như vấn đề Iran, vấn đề hoà bình Trung Đông, hay hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu, được đưa ra tại cuộc họp Uỷ ban hợp tác an ninh và ngoại giao song phương Nga-Pháp lần này cũng đủ để thấy rằng, Nga-Pháp đã để những mâu thuẫn sang một bên để thảo luận sâu hơn về vấn đề hợp tác.
Điều làm dư luận bất ngờ hơn là phía Pháp đã tỏ ra rất hoan nghênh và có ý định đóng góp cho đề xuất về một Hiệp ước An ninh châu Âu do Tổng thống Nga Medvevev đưa ra năm 2008. Theo đó, Hiệp ước này sẽ đảm bảo cho châu Âu một “đường biên” an ninh chung mà không cần phải có sự giúp đỡ từ phía ngoài.
Điều này ai cũng hiểu rằng, Nga đang nhắc tới hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang ra sức “vận động hành lang” đối với các nước châu Âu để lắp đặt tại khu vực. Tại cuộc họp ngày 7/9, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, vấn đề phòng thủ tên lửa là một trong những trọng tâm được thảo luận và Pháp mong muốn giải quyết các vấn đề tồn tại để không tạo nên những nguy cơ cho các nước khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.
Ông nhấn mạnh các vấn đề cần được giải quyết bằng con đường chính trị - ngoại giao và không loại trừ khả năng thiết lập hệ thống kỹ thuật - quân sự quốc tế để kiểm soát lĩnh vực phòng thủ tên lửa.
Không phải ngẫu nhiên mà Pháp lại đi “ngược dòng” với các đồng minh trong mối quan hệ với Nga. Việc thắt chặt quan hệ với Nga mang ý nghĩa về mặt chính trị và ngoại giao chiến lược. Với việc xích lại quan hệ với Nga, Pháp ngày càng chứng tỏ sự độc lập của mình với Mỹ và NATO. Pháp cũng hy vọng cùng với sự hợp tác của Nga, Pháp và EU có thể tham gia giải quyết nhiều vấn đề quốc tế như vấn đề hạt nhân Iran hay những nỗ lực chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, từ đó gia tăng vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế.
Không những thế, những lợi ích kinh tế cũng là động cơ thu hút sự quan tâm của Pháp đối với Nga. Hồi đầu năm nay, Công ty điện lực của Pháp đã chính thức thông báo tham gia đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Nam - một đường ống dẫn khí nằm dưới biển Đen, đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu mà không đi qua Ukraine.
Ngoài dự án này, Công ty điện lực Pháp cũng dự kiến tham gia tuyến dẫn khí Dòng chảy phương Bắc phía Bắc châu Âu. Điều đáng lưu ý là phía Pháp tham gia hai đường ống dẫn khí lớn đều do phía Nga khởi xướng, nhưng lại không tham gia đường ống Nabuco dẫn khí đốt từ Trung Á tới châu Âu không đi qua Nga, được EU hậu thuẫn.
Quan hệ Pháp - Nga sẽ tiến xa tới đâu, thời gian sẽ đưa ra câu trả lời. Chỉ chắc một điều rằng, năm 2010 - năm giao lưu Pháp - Nga, cả nước Pháp và Nga đã muốn chứng tỏ rằng “Lợi ích chiến lược của ngày hôm nay còn quan trọng hơn những bất đồng của ngày hôm qua”./.