Mới đây, trong cuộc gặp với Đô đốc Mỹ James Stavridis - Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, Đại tướng Nikolai Makarov - Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga khẳng định: Hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu (AMD) hiện là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ giữa Moscow và Brussels.

nga-nato.jpg

Đô đốc Mỹ James Stavridis trong cuộc gặp Đại tướng Nikolai Makarov (Ảnh: AP)

Cách đây gần tròn 1 năm, vào tháng 11/2010, sự kiện được coi là bước tiến lịch sử trong quan hệ Nga và NATO đã diễn ra khi cả hai nhất trí “hướng tới xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược thực sự”. Sự kiện này diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa Nga và NATO tại Lisbon (Bồ Đào Nha), được tổ chức sau 2 năm kể từ khi xảy ra cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia, dẫn tới sự đóng băng trong quan hệ Nga - NATO.

Sự kiện này cũng được coi là thể hiện mong muốn xích lại gần nhau giữa Nga và NATO bởi cùng với nó, những vướng mắc giữa hai bên đã dần được gỡ bỏ. Những thỏa thuận quan trọng được ghi lại trong Tuyên bố chung Nga - NATO được thông qua tại Hội nghị này cho thấy, hai bên đã sẵn sàng làm việc nhằm đạt được quan hệ đối tác mới mang tính chiến lược thực sự dựa trên nguyên tắc tin cậy lẫn nhau, minh bạch và ổn định. Hai bên cũng đã thỏa thuận thảo luận việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, cùng đánh giá những mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ bên ngoài và tiếp tục đối thoại trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, như từ “tiền định”, quan hệ Nga - NATO chưa bao giờ hứa hẹn giải quyết được những bất đồng mang tính căn bản, kể cả khi hai bên đã thiết lập được cả một cơ chế hoạt động là Hội đồng Nga - NATO. Việc NATO vẫn không ngừng thực hiện kế hoạch mở rộng sang hướng Đông, tiến sát đến biên giới Nga lâu nay vẫn là một mắc mớ lớn nhất trong quan hệ hai bên. Và giờ đây, vấn đề AMD cũng đang trở thành một bất đồng lớn.

Trong phát biểu mới đây của mình, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Đại tướng Makarov nhấn mạnh rằng, những biện pháp đơn phương được NATO thực thi liên quan đến AMD không góp phần củng cố an ninh và ổn định ở khu vực.

Theo Đại tướng Makarov, lãnh đạo NATO đã nhiều lần tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa mà tổ chức này dự định triển khai ở châu Âu không nhằm chống lại tiềm năng chiến lược của Nga, nhưng lại không đưa ra bảo đảm về mặt pháp lý, cũng như không tán thành đề xuất của Moscow về việc thành lập AMD chung. Trên thực tế, đề nghị này là phương án đối trọng với Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Mỹ có kế hoạch thành lập và đang gây ra sự lo ngại sâu sắc cho Moscow.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - NATO ở Bồ Đào Nha là: Nga đã chấp nhận đề nghị tham gia xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu với hai hướng hợp tác. Một là Nga và NATO nối lại hợp tác trong hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường đã được bắt đầu năm 2003, nhưng bị gián đoạn năm 2008.

Hai là Nga và NATO thỏa thuận khởi sự nghiên cứu khả năng phối hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của nhau. Vấn đề này cũng gặp không ít bất đồng, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ. Trong khi Mỹ luôn coi AMD là sự kết hợp của hai hệ thống phòng thủ tên lửa riêng biệt (Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMD của Mỹ và AMD của châu Âu) và đề nghị Moscow ký thỏa thuận hợp tác để Nga và NATO có thể trao đổi thông tin và công nghệ phòng thủ, thì Nga lại giữ quan điểm cứng rắn rằng, Moscow và Washington cần phải hợp tác với NATO trên cơ sở bình đẳng để thành lập AMD.

Nga coi AMD là sự kết hợp và hợp tác bình đẳng giữa ba hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, NATO và Nga. Chính bởi vậy điều mà Mỹ đang rất mong là sẽ ký được với Nga thỏa thuận về trao đổi thông tin và công nghệ liên quan đến Hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu (AMD) trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 5/2012 tới tại Chicago (Mỹ) chưa phải là triển vọng sáng. Điều này được chứng thực bằng tuyên bố mới đây của đại diện thường trực Nga tại NATO, ông Dmitry Rogozin rằng, cuộc gặp cấp cao Nga-NATO tại Chicago có thể sẽ được tiến hành “với điều kiện” Washington và Brussels nhân nhượng để thành lập AMD theo hướng phải đưa ra “bảo đảm bằng văn bản” về việc "lá chắn tên lửa" của Mỹ và NATO sẽ không nhằm vào các lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Như vậy, chừng nào NATO và một trong những đại diện của tổ chức này là Mỹ còn chưa đồng ý với đề nghị của Nga liên quan đến AMD với nguyện vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và an ninh ngang nhau thì chưa thể hy vọng quan hệ Nga - NATO sẽ được cải thiện trên cơ sở của Hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu (AMD)./.