TheoAFP, lời khẳng định trên được Giám đốc Tình báo Dan Coats và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mike Rogers trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ chỉ một ngày trước khi cựu Giám đốc FBI James Comey cũng phải ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ trong ngày hôm nay (8/6).

rogers_dan_coats_weze.jpg
Giám đốc Tình báo Dan Coats (phải) và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mike Rogers trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ. Ảnh: AFP

Quan chức đương nhiệm bảo vệ Tổng thống

“Tôi chưa bao giờ bị gây áp lực cũng như cảm thấy bị gây áp lực hay bị can thiệp vào các hoạt động tình báo hoặc các cuộc điều tra đang diễn ra. Trong suốt hơn 3 năm làm Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, tôi chưa hề bị chỉ thị phải làm bất kỳ việc gì mà tôi cho là vi phạm pháp luật, vô đạo đức hoặc không phù hợp”, ông Rogers khẳng định.

Tuy nhiên, sau khi liên tục bị các Thượng nghị sĩ chất vấn về các cuộc trao đổi của hai ông với Tổng thống Donald Trump, hai quan chức tình báo Mỹ này tuyên bố, việc công khai nội dung các cuộc trao đổi giữa họ và Tổng thống trong một phiên điều trần công khai là “không phù hợp”.

Khi bị gây áp lực rằng liệu họ có sẵn sàng trả lời câu hỏi liên quan đến các cuộc trao đổi này trong một phiên điều trần kín hay không, cả ông Rogers và ông Coats đều tuyên bố họ cần phải tham vấn các luật sư của Nhà Trắng xem liệu Tổng thống Mỹ có được hưởng “đặc quyền hành pháp” khiến họ không thể đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hay không.

“Chính vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và Tổng thống có thể được hưởng đặc quyền hành pháp nên tôi cần phải trao đổi với luật sư của Nhà Trắng để chắc chắn rằng tôi được phép làm điều này”, ông Rogers nói.

Câu trả lời của ông Rogers khiến nhiều nghị sĩ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ không thỏa mãn. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mark Warner tuyên bố: “Tôi rời khỏi phiên điều trần này với nhiều câu hỏi hơn cả khi bước vào phiên điều trần”.

Người bị sa thải lại nói khác?

Phiên điều trần đối với ông Coats và ông Rogers diễn ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu cả ông Coats, ông Rogers và ông Comey cùng một số quan chức tình báo và tư pháp khác “che chở” cho cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn bị tình nghi “có quan hệ bất thường với Nga”.

Một số tờ báo của Mỹ đã đưa tin rằng, ông Comey thừa nhận, trong cả 3 cuộc trao đổi với ông Trump hồi tháng 1 và tháng 2 vừa qua, ông được yêu cầu dừng cuộc điều tra liên quan đến ông Flynn.

Sau cuộc điều trần không đạt được kết quả mong muốn với ông Coats và ông Rogers, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cho biết họ sẽ tìm cách “xoay” ông Comey về nội dung các cuộc trao đổi này khi ông Comey xuất hiện trong phiên điều trần ngày hôm nay (8/6).

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ khiến ông Donald Trump trúng cử và bản thân Tổng thống Mỹ cũng chưa phải đối mặt với bất kỳ một cáo buộc chính thức nào về việc ông Donald Trump tìm cách cản trở cuộc điều tra.

Dù vậy, những thông tin từ báo chí Mỹ đã khiến nhiều người so sánh cuộc điều tra về mối quan hệ “bất thường” giữa các quan chức Mỹ với Nga ngay lập tức được so sánh với vụ bê bối Watergate hồi những năm 70 của thế kỷ trước khiến Tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon buộc phải từ chức.

FBI có Giám đốc mới thay thế ông Comey

Trong khi các phiên điều trần đang diễn ra, Tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ khi công bố ý định chọn ông Christopher Wray làm Giám đốc FBI mới thay thế ông Comey. Tuy nhiên, lựa chọn này của ông Donald Trump sẽ phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

Ông Wray hiện đang làm cho một công ty luật tư nhân sau một thời gian làm việc tại Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống George W.Bush (Bush con). Ông từng là trợ lý Bộ trưởng Tư pháp phụ trách Đơn vị Hình sự của Bộ này từ năm 2003-2005.

Trước đó, ông là quan chức phụ trách Nhóm Công tác Phòng chống Lừa đảo của các Tập đoàn của Mỹ và trực tiếp chỉ đạo điều tra các vụ lừa đảo quy mô lớn như vụ việc liên quan đến tập đoàn năng lượng Enron hồi năm 2001.

Một trong những vụ việc giúp ông Wray “ghi điểm” nhất gần đây là việc ông đứng ra làm luật sư bào chữa cho Thống đốc bang New Jersey Chris Christie trong vụ kiện hồi năm 2013 do các đối thủ chính trị của ông này khởi xướng. Ông Christie là một trong những đồng minh thân cận của ông Donald Trump.

Tuy nhiên, ngay cả khi được chấp thuận làm Giám đốc FBI, quyền lực của ông Wray đối với vụ điều tra về mối quan hệ giữa các quan chức Mỹ với Nga cũng rất hạn chế. Việc điều tra vụ này hiện được trao hẳn cho công tố viên độc lập Robert Mueller- người từng là Giám đốc FBI dưới thời Tổng thống George W.Bush và Barack Obama./.