Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quyết định chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem ngày 14/5. Động thái diễn ra chỉ khoảng 1 tuần sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8/5 vừa qua. Các bước đi này của Tổng thống Donald Trump đều phù hợp với mong muốn và lợi ích của Israel – đồng minh lâu đời của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ chưa lường trước được hậu quả mà nước này sẽ phải đón nhận khi quá ưu ái Israel.

israel_va_my_sdzn.jpg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sputnik.

Cặp đôi hoàn hảo

Có thể nói rằng quan hệ Israel-Mỹ là một quan hệ song phương đặc biệt có một không hai trong chính trường quốc tế. Là một quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, song Israel gần như tách biệt hoàn toàn về mặt chính trị và tôn giáo. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của Mỹ, Israel vẫn là một cường quốc trong khu vực. Dù trải qua nhiều thăng trầm, biến cố trong quan hệ song phương, Mỹ và Israel luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, phục vụ cho lợi ích của nhau và trở thành “cặp đôi hoàn hảo”.

Israel là quốc gia nhận nhiều viện trợ kinh tế quân sự nhất từ Mỹ. Trung bình mỗi năm Mỹ viện trợ trực tiếp cho Israel chừng hơn 3 tỉ USD. Đặc biệt hơn nữa là trong khi các quốc gia khác nhận viện trợ theo từng quý một thì Israel lại được nhận trọn gói theo năm.

Trong suốt 8 năm qua, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, quan hệ giữa Israel và Mỹ đã “cơm không lành, canh không ngọt”, thậm chí đôi lúc còn rơi vào căng thẳng đỉnh điểm. Thế nhưng từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Washington đã nỗ lực duy trì quan hệ tốt đẹp với Israel, điển hình là việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tiếp đến quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ tới khu vực này vào tháng 5, cuối cùng là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã chủ trương xây dựng quan hệ nồng ấm với Israel. Không chỉ đổ hàng tỉ đô la Mỹ tiền viện trợ, Mỹ còn chống lưng cho Israel về mặt ngoại giao. Bằng chứng là Mỹ đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ Israel trước những nghị quyết chống lại nhà nước Do Thái này.

Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ cần Israel để kiềm chế một số quốc gia mà Mỹ “không ưa” tại khu vực Trung Đông như Iran, Syria hay Lebanon, tiếp đến tạo thế đối đầu với liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran vừa mới hình thành sau những diễn biến mới trên chiến trường Syria. Bên cạnh đó Israel cũng là một nguồn tình báo quan trọng cho Mỹ. Trả lời hãng tin Busines Insider, ông Michael Koplow, một nhà phân tích chính trị Trung Đông cho biết: “Sự khôn ngoan và hiểu biết của Israel về các vấn đề Trung Đông đang mang lại lợi ích cho Mỹ theo nhiều cách khác nhau”. Trong nhiều thập kỷ qua, cơ quan tình báo mũi nhọn Đơn vị 8200 của Israel đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ.  

Với Mỹ là vậy, còn với Israel, Mỹ được coi là “ông trùm” bảo kê trước mối đe dọa đến từ một số quốc gia Hồi giáo như Iran hay Palestine, từng nhiều lần muốn “xóa sổ” nhà nước Do Thái này.

Hố sâu ngăn cách với đồng minh EU

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của liên minh giữa Mỹ và Israel. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ đang mạo hiểm khi quá ưu ái đồng minh Israel. Và có lẽ những gì mà Mỹ mất sẽ nhiều hơn lợi ích mà nước này nhận được.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tạo ra thử thách trong quan hệ giữa nước này và Liên minh Châu Âu. Mặc dù Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận, các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Châu Âu như Anh, Đức, Pháp vẫn cam kết duy trì văn kiện mang tính quốc tế này, đồng thời muốn khởi động đàm phán về chương trình tên lửa và hạt nhân Iran sau năm 2025- thời điểm thỏa thuận chính thức hết hiệu lực.

Một số nhà phân tích nhận định, việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran có thể gây ra căng thẳng giữa Mỹ và đồng minh EU khi nhiều công ty của EU đang hợp tác hay tiến hành giao dịch với đối tác Iran. 

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố quyết định, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell cho biết: “Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ nhắm vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Iran. Các công ty Đức đang tiến hành giao dịch tại Iran nên chấm dứt mọi hoạt động.” Thủ tướng Đức Angiela Merkel  ngay lập tức chỉ trích quyết định của Mỹ cho đây là động thái “gây phương hại và xói mòn niềm tin vào trật tự quốc tế, đơn phương chấm dứt thỏa thuận đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê duyệt là không đúng đắn.”

“Cú đòn giáng mạnh” vào vị thế nước Mỹ

Giới phân tích cho rằng, việc hủy bỏ thỏa thuận Iran sẽ là một “cú đòn giáng mạnh” vào vị thế của Tổng thống Donald Trump với tư cách là lãnh đạo của một quốc gia tầm cỡ. Bởi theo nhận xét của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, Iran từ khi ký thỏa thuận đến nay được cho là luôn tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân này.

Vậy động cơ chỉ có thể nằm ở mục đích chính trị. JPCOA không được thương lượng bởi chính quyền Mỹ hiện hành. Hơn nữa nó không hạn chế việc mở rộng chính sách đối ngoại của Iran, với mục tiêu thiết lập tầm ảnh hưởng tại Syria, Iraq, Yemen và nhiều quốc gia khác.., điều mà Mỹ lo ngại. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng không giải quyết những hiềm khích lâu nay trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran. Do đó, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hoàn toàn được đánh giá là vì mục đích “cá nhân”, phục vụ cho phương châm “nước Mỹ là trên hết”.

Thách thức quan hệ với các nước Hồi giáo

Không chỉ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, việc Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem ngày 14/5 cũng đang gây bão dư luận và dấy lên làn sóng phản đối gay gắt.

Jerusalem là một nơi linh thiêng đối với cả người Do Thái, người Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Do vậy, việc Mỹ chuyển đại sứ quán đến đây được cho là sẽ đổ thêm dầu vào chảo lửa đang âm ỉ giữa giữa Israel và người Palestine, đồng thời làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.

Hơn nữa, quyết định này sẽ tạo thế đối đầu với thế giới Hồi giáo bởi vào năm 2017, lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã ra tuyên bố chung công nhận Đông Jerusalem là thủ đô Palestine. Bên cạnh đó việc thay đổi quy chế của Jerusalem - được xem là thánh địa của người Do Thái, Hồi giáo và Cơ đốc giáo - có thể bị những kẻ quá khích lợi dụng cho luận điệu chống phương Tây và cũng không tránh khỏi nguy cơ các phần tử Hồi giáo cực đoan lựa chọn Mỹ là mục tiêu hàng đầu cho các cuộc tấn công khủng bố. Theo giới phân tích, không thể phủ nhận vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các điểm nóng xung đột và các vấn đề chính trị trên thế giới, song với quyết định quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, Mỹ đang tự cô lập mình, tạo ra nhiều kẻ thù, đặt an ninh Mỹ trong tình trạng báo động, kéo theo nhiều nguy cơ khác trên mặt trận ngoại giao./.