Những kết quả từ hòm phiếu đang đem lại những cảm xúc khác nhau cho Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức. Ngày 18/9, đảng Nước Nga thống nhất mà ông Putin từng lãnh đạo đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lập pháp và sẽ chiếm khoảng 76% số ghế trong Duma quốc gia Nga. Cũng trong ngày đó tại Berlin, đảng CDU của bà Angela Merkel chỉ giành được 17,6% phiếu bầu, kết quả tệ nhất trong lịch sử của đảng này tại thủ đô nước Đức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (ảnh: Reuters). |
Con đường phía trước khác nhau
Đối với bà Merkel, đó là cú sốc thứ hai trong vòng nửa tháng. Hai tuần trước, khi đang tham dự Hội nghị G20 tại Hàng Châu, bà Merkel đã phải làm một việc mà bà hiếm khi làm trong các chuyến công du: triệu tập một cuộc họp đột xuất từ xa với ban lãnh đạo CDU ở Đức để tìm cách ứng phó sau khi CDU thất bại trước đảng dân túy AfD tại bang Đông Đức Mecklenburg-Tây Pomerania, nơi là đơn vị bầu cử của bà Merkel từ vài chục năm qua. Dù CDU chưa từng mạnh tại Berlin thì hai thất bại liên tiếp trong các hòm phiếu khẳng định một thực tế rõ ràng: CDU và cá nhân bà Angela Merkel đang bị các cử tri Đức trừng phạt vì chính sách tiếp nhận người tị nạn gây nhiều tranh cãi.
Con đường phía trước dành cho ông Putin và bà Merkel giờ rất khác nhau. Với chiến thắng áp đảo của đảng nước Nga thống nhất, quyền lực vốn đã rất vững chắc của ông Putin càng được củng cố.
Sẽ có những cải cách táo bạo, như việc thành lập một cơ quan an ninh quyền lực tương tự KGB ngày nào, cho đến việc khó có thể khác là ông Putin sẽ ra tranh cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 2018. Đảng của Thủ tướng Merkel thất bại ở bầu cử nghị viện bang
Với tỷ lệ 86% dân Nga ủng hộ như hiện nay, đối thủ chính trị có thể cạnh tranh với ông Putin gần như không tồn tại, trừ khi có những biến cố nghiêm trọng trong 2 năm tới.
Trước đó 1 năm, ở nước Đức, vào tháng 9/2017, bà Merkel sẽ theo đuổi một mục tiêu tương tự: nhiệm kỳ thứ 4 ở cương vị Thủ tướng Đức. Nhưng khác với ông Putin mà phần thắng được xem như nắm chắc trong tay nếu ra tranh cử, cơ hội của bà Merkel đang bị bào mòn.
Bà Merkel không có vị thế “bất khả xâm phạm” như ông Putin ở nước Nga và các đối thủ chính trị từ SPD hay AfD có thể tạo nên những đe dọa thực sự nếu chiều hướng đi xuống của CDU trong cử tri Đức không bị chặn đứng trong thời gian tới.
Một năm không ngắn, nhưng cũng không quá dài để có thể giải quyết tận gốc nguyên nhân tụt dốc là cách thức tiếp nhận những người tị nạn.
Những vấn đề 2 nhà lãnh đạo đối mặt
Vấn đề của bà Merkel là, đứng trước thách thức được xem là lớn nhất với nước Đức kể từ ngày thống nhất cách đây 26 năm, sự chủ động quyết sách không nằm trọn vẹn ở Berlin hay Brussels mà còn nằm cả ở Moscow.
Logic không khó hiểu: nguồn gốc của làn sóng tị nạn đang làm chao đảo châu Âu hiện nay là các biến động địa chính trị to lớn tại Trung Đông-Bắc Phi với trung tâm là cuộc chiến đẫm máu ở Syria. Cuộc chiến này đẩy hàng triệu người lưu vong tràn sang châu Âu tìm nơi nương náu. Vì vậy, muốn chặn làn sóng này thì phải chặn từ gốc, tức là tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến Syria, để người dân nơi đó có thể sống trên chính quốc gia của mình mà không phải tứ tán khắp nơi.
Mà ở Syria hiện tại, không có bất cứ giải pháp nào được coi là khả thi nếu không có sự gật đầu của Moscow, nhân tố trung tâm của cuộc chơi trong hơn 1 năm qua từ khi ông Putin bật đèn xanh can thiệp quân sự trực tiếp. Ông Putin tính toán gì với kế hoạch tạo ra KGB phiên bản 2.0?
Khi gửi quân đến Syria cách đây 1 năm, ngoài việc để bảo vệ đồng minh và các lợi ích chiến lược của Nga tại Trung Đông, một nguyên nhân lớn khiến ông Putin hành động là để phá thế cô lập ngoại giao, dùng cuộc chiến Syria để buộc phương Tây phải thừa nhận vai trò và ảnh hưởng của Nga, qua đó chấp nhận nhượng bộ và rút bớt các đòn trừng phạt kinh tế.
Cái đích lớn nhất (gỡ trừng phạt kinh tế) chưa đạt được nhưng ít nhất thì ông Putin cũng đã hoàn thành được một nửa mục tiêu: phương Tây, trong đó có châu Âu mà nước Đức đứng đầu, sẽ không thể giải bài toán Syria mà không có Nga. Tình huống win-win chưa xuất hiện nhưng lost-lost thì đang phát huy tác dụng. Nga nghẹt thở vì cấm vận kinh tế thì châu Âu hụt hơi vì cơn lũ tị nạn.
Vài tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gửi một thông điệp công khai: châu Âu luôn bị tàn phá nghiêm trọng mỗi khi muốn loại nước Nga ra khỏi cuộc chơi. Lịch sử và hiện tại đều đang chứng minh điều đó. Hai năm sau biến cố Ukraine & Crimea, tình hình không như bất cứ bên nào trông đợi. Thỏa thuận Minsk 2.0 coi như chết yểu, vùng Donbass vẫn đang âm ỉ tiếng súng, nước Nga chứng kiến 18 tháng liên tiếp kinh tế suy thoái, điều chưa từng xảy ra từ khi Putin nắm quyền năm 2000 còn châu Âu thì vẫn đang bế tắc với cơn sóng dữ tị nạn cùng mối lo ngày càng tăng về một tình thế đối đầu quân sự nguy hiểm với nước Nga ở sườn phía Đông.
Bộ đôi quyền lực đặc biệt
Trong cuộc chơi tàn phá lẫn nhau, cả Nga và châu Âu đều đang thiệt hại. Cái khác nằm trong nội bộ mỗi bên. Trong khi thế đứng của ông Putin tại Nga không chút lung lay thì châu Âu chứng kiến cú sốc Brexit, sự lên ngôi của các đảng dân túy, cực hữu và giờ là cả sự thất thế, dù có thể chỉ là tạm thời, của chính trị gia được xem là lãnh đạo của cả khối – Angela Merkel.
Như nhiều tiếng nói đang nổi lên khắp châu Âu, chẳng hạn của Thủ tướng Italy Matteo Renzi, có thể đã đến lúc châu Âu phải nghĩ lại xem mình có thể đẩy cuộc đối đầu với Nga đi xa đến đâu và rằng liệu các nhân tố như Ukraine hay công cuộc Đông tiến của Liên minh có xứng đáng để đánh đổi lấy một mối quan hệ an ninh ổn định và không thù địch với Nga hay không?
Đó, thực ra chính là câu hỏi mà bà Angela Merkel từng đặt ra năm 2014 khi cố gắng đưa châu Âu và nước Nga tránh khỏi thế đối đầu bằng các cuộc đối thoại liên miên với ông Putin, trước khi phải cay đắng thốt lên rằng “ông ấy (Putin) như sống trong một thế giới khác”. Có điều, giờ nếu phải đặt lại câu hỏi này, bà Merkel, bất chấp có thất vọng đến mấy vì ông Putin, vẫn sẽ là nhân vật thích hợp nhất để làm chuyện đó. Vì Putin-Merkel là bộ đôi quyền lực có sự gắn kết và đối chiếu đặc biệt. Bà Merkel đang trả giá cho việc chào đón người tị nạn vào Đức?
Nhiều học giả Nga nhận xét, trong con mắt của ông Putin, ở châu Âu gần như chỉ có nữ Thủ tướng Đức là người đối thoại ngang tầm, không chỉ vì vị thế của nước Đức mà còn cả vì uy tín và cá tính lãnh đạo của bà Merkel. Ở phía ngược lại, các nhà nghiên cứu Đức cũng cho rằng, bà Merkel là lãnh đạo phương Tây duy nhất có thể hỏi thẳng ông Putin những câu gai góc mà vị Tổng thống cứng rắn của Nga vẫn chịu lắng nghe. Ở góc độ nào đó, giữa hai người có một sự tôn trọng cá nhân nằm ngoài phạm vi của những tính toán chính trị.
Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine đã hủy hoại mối quan hệ giữa hai lãnh đạo quyền lực nhất của hai nửa châu Âu và đẩy cả hai tiến gần hơn đến những bất trắc. Điều trớ trêu là về sâu xa, cả ông Putin lẫn bà Merkel có lẽ đều cần đến nhau để vượt qua các thách thức lớn nhất trước mắt của mình: cô lập kinh tế với Nga và khủng hoảng tị nạn với Đức./. Có hay không “Tình bạn” giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin?