Tuyên bố trên được ông Duterte đưa ra chỉ một ngày sau khi ông nói rằng muốn các lực lượng Mỹ rút khỏi miền Nam Philippines. Những động thái liên tiếp này đang khiến dư luận đặt câu hỏi về sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm.

tt_philippines_rodrigo_duterte_oibr.jpg
Tổng thống Philippines Duterte đang tỏ ra lạnh nhạt với Mỹ. Ảnh: AP

Trong bài phát biểu tại một sự kiện của không quân Philippines, ông Duterte tuyên bố nước này sẽ không tham gia tuần tra chung với Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác tại các vùng biển trên Biển Đông, nhằm tránh rắc rối với nước thứ ba.

Ông Duterte cũng cho biết, Philippines sẽ không cắt đứt quan hệ với các nước đồng minh, nhưng sẽ không còn là một nước nhỏ bị lấn án bởi một nước lớn khác mà sẽ theo đuổi con đường riêng của mình.

“Chúng tôi sẽ không cắt đứt mối quan hệ mang lại nhiều lợi ích với những nước đồng minh. Chúng tôi sẽ không tham gia các cuộc tuần tra chung trên biển. Tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra vì không muốn Philippines rơi vào tình thế thù địch với nước thứ ba”, ông Duterte nhấn mạnh.

Cũng theo ông Duterte, ông không phải là một người phản đối Mỹ, nhưng thay vì tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển với Mỹ, Philippines sẽ tập trung vào các ưu tiên trong nước như chống khủng bố và buôn lậu ma túy. Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng yêu cầu giới chức quốc phòng mua vũ khí từ Trung Quốc và Nga.

Trước đó, ngày 12/9, Tổng thống Duterte đã nói rằng ông muốn lực lượng Mỹ rút khỏi đảo Mindanao, miền Nam nước này. Ông Duterte cho rằng, nhóm khủng bố Abu Sayyaf  sẵn sàng làm hại bất kỳ người Mỹ nào họ trông thấy. Sự có mặt của người Mỹ có thể làm phức tạp cuộc chiến chống khủng bố của Philippines.Các chuyên gia phân tích cho rằng, những tuyên bố của ông Duterte có thể đẩy quan hệ Mỹ- Philippines vào tình trạng căng thẳng, nhưng lại mang lại tiếng tăm cho ông trong dân chúng khi bày tỏ lập trường độc lập hơn về an ninh với đồng minh chủ chốt Mỹ.

Việc giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ sẽ tạo thuận lợi hơn cho Philippines trong các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cũng như cải thiện quan hệ kinh tế song phương và có thể là nhận viện trợ kinh tế từ Trung Quốc./.