Mặc dù ngày 9/1, lực lượng an ninh Pháp đã tiêu diệt 3 kẻ khủng bố,  kết thúc chiến dịch truy tìm hai kẻ khủng bố của vụ xả súng vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và hai vụ bắt cóc cùng lúc tại Paris và ngoại ô, tuy nhiên cuộc chiến lớn dường như giờ mới bắt đầu.

Nước Pháp sẽ giữ nguyên mức cảnh báo cao nhất trong kế hoạch an ninh Vigipirate – cấp khủng bố (Ảnh: Reuters)

Mối quan tâm hàng đầu của người Pháp vẫn là việc truy tìm kẻ thứ 4 Hayat Boummedienne là bạn gái cũ của tên Amedy được xem là có tham gia cùng tên này trong vụ nổ súng ở Montrouge và vụ bắt cóc ở Vincennes. Thậm chí có những phân tích rằng đây mới là tên có vai trò chính trong việc tổ chức, lên kế hoạch và hậu cần cho các vụ khủng bố.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Thùy Vân, phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp về những vấn đề an ninh mà nước Pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm đối phó với nguy cơ khủng bố tại nước này.

 

Nghe cuộc trao đổi của tòa soạn với phóng viên Thùy Vân

BTV:Trong buổi sáng nay tại Paris, đã diễn ra cuộc họp nội các sau khi lực lượng an ninh diệt bọn khủng bố trong ngày hôm qua. Chị có thể cho biết nội dung cuộc họp này?

PV Thùy Vân:Trong họp báo kết thúc cuộc họp nội các, Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết tại cuộc họp, Tổng thống, Thủ tướng cùng tất cả các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan an ninh của Pháp đã nhìn lại những diễn biến và thảo luận các biện pháp tiếp theo.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp tuyên bố chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức và nước Pháp sẽ giữ nguyên mức cảnh báo cao nhất trong kế hoạch an ninh Vigipirate – cấp khủng bố. Bên cạnh 88.000 nhân viên an ninh được huy động trên khắp nước Pháp (trong đó ngoài 50.000 cảnh sát, Pháp còn huy động 32.000 hiến binh, 5.000 đặc nhiệm và hơn 1.000 binh sĩ thuộc Bộ Quốc phòng Pháp), nước Pháp sẽ triển khai thêm 320 binh sĩ để bảo đảm an ninh trong những ngày tới.

Rõ ràng, nước Pháp ý thức rất rõ ràng cuộc chiến chưa dừng lại, nếu không nói là mới bắt đầu.

BTV:Vào lúc này, những mối quan tâm và lo lắng hàng đầu của người Pháp là gì?

PV Thùy Vân: Mối quan tâm hàng đầu của người Pháp vẫn là việc truy tìm kẻ thứ 4 là Hayat Boummedienne là bạn gái cũ của tên Amedy được xem là có tham gia cùng tên này trong vụ nổ súng ở Montrouge và vụ bắt cóc ở Vincennes. Thậm chí có những phân tích rằng đây mới là tên có vai trò chính trong việc tổ chức, lên kế hoạch và hậu cần cho các vụ khủng bố.

Thông tin ban đầu cho biết tối qua, tên này đã liên hệ với vợ của một tên khủng bố vừa bị tiêu diệt và cảnh sát Pháp cho rằng rõ ràng tên Hayat này nắm rõ tình hình và vì thế phải gấp rút truy lùng. Như vậy là trái với suy nghĩ ban đầu của người Pháp về vai trò tưởng như là phụ của người phụ nữ duy nhất trong 4 kẻ khủng bố, và do đó, không thể chủ quan.  

Nhiều chi tiết mới liên quan đến vụ khủng bố thu hút sự chú ý của người dân. Ví dụ như việc cảnh sát tiết lộ rằng người con trai của ông chủ công ty in trốn trong thùng giấy suốt thời gian diễn ra vụ bắt cóc ở Dammartin-en-Goele và chính anh này nhắn tin cung cấp thông tin cho cảnh sát. Hay việc các tên khủng bố ngay lúc bị bao vây đã đồng thời liên hệ với kênh truyền hình BFMTV và đưa ra những tuyên bố rằng bọn chúng thuộc Al-Qeada ở Yemen, thuộc Nhà nước Hồi giáo IS, bọn chúng được đào tạo ra sao, được “đồng bộ hóa” như thế nào để hành động… Hay việc Amedy Coudybaly đã đe dọa sẽ giết hại toàn bộ các con tin trong siêu thị nếu cảnh sát tấn công hai anh em kẻ khủng bố ở Dammartin… Từ những chi tiết này, giới chức và người dân Pháp hiểu rằng đây không phải những hành động đơn lẻ mà có tổ chức và vì thế, sẽ có những kẻ đứng đằng sau và sẽ còn có những vụ tiếp theo.

Cảnh sát vẫn đang truy tìm Hayat Boummedienne (trái), kẻ được cho là có vai trò chính trong vụ khủng bố vừa qua (Ảnh: Reuters)

Rất nhiều vấn đề lo lắng được nước Pháp đặt ra vào lúc này. Trước mắt là việc làm sao tránh xảy ra những vụ trả thù mang màu sắc bài ngoại nhằm vào cộng đồng đạo Hồi; hay việc bảo vệ cộng đồng Do Thái ra sao bởi có chi tiết kẻ bắt cóc Amedy cố tình nhắm đích vào người Do Thái tại Pháp…

Người Pháp cũng lo ngại những phần tử cực đoan, có hay không không có liên hệ với bọn khủng bố này, có thể tiến hành những hành động gây rối loạn. Ví dụ ngay tối  qua tại thành phố Montpellier miền nam nước Pháp cũng xảy ra một vụ bắt cóc. Dù đã kết thúc vào lúc 1h30 sáng, được kết luận là một hành động đơn lẻ của một kẻ rối loạn thần kinh, hai con tin an toàn vô sự, song vụ việc vẫn gây lo lắng hoang mang cho người dân Pháp.

BTV: Ngày mai sẽ diễn ra cuộc xuống đường quy mô lớn của những người Cộng hòa. Chị có thể cung cấp những thông tin liên quan đến cuộc xuống đường vào ngày mai?

PV Thùy Vân:Trong khoảng 3h tới, Bộ trưởng Nội vụ Pháp sẽ có cuộc họp báo chính thức về cuộc xuống đường ngày mai.

Địa điểm cuộc xuống đường vẫn là Quảng trường Cộng hòa, chỉ cách tòa soạn Charlie Hebdo khoảng 1km và như thế, ngày mai sẽ là lần tụ họp thứ 3 của người dân Paris và Pháp sau vụ xả súng.

Tại sao lại là Quảng trường Cộng hòa? Bởi nơi đây là biểu tượng của những giá trị của nền Cộng hòa Pháp “Tự do – Bình đẳng- Bác ái”. Vụ tấn công một tòa soạn báo ngay giữa ban ngày ở thủ đô Paris là một nhát dao đâm thẳng vào trái tim của nền Cộng hòa Pháp, mà một trong những giá trị lớn nhát là người Pháp đã tạo dựng: tự do biểu đạt, tự do báo chí. Người Pháp dĩ nhiên không chấp nhận điều đó và đồng loạt cùng nhau xuống đường để biểu thị sự giận dữ và phản đối của họ.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Pháp từ Tổng thống Hollande, Thủ tướng cho đến cả lãnh đạo các đảng đối lập, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng tuyên bố sẽ tham gia cuộc xuống đường.

Bên ngoài nước Pháp, Thủ tướng Anh David Cameron và  cũng tuyên bố nhận lời mời của Tổng thống Hollande sang tham dự cuộc xuống đường ngày mai.

Tuy nhiên, không phải có sự thống nhất mạnh mẽ trong nước Pháp về sự kiện ngày mai. Cách đây ít phút, cựu lãnh đạo và sáng lập Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Jean Marie le Pen đã tuyên bố phản đối cuộc xuống đường ngày mai và rằng ông ta không phải Charlie. Trước đó, con gái ông này là Chủ tịch Đảng cực hữu hiện này Marie Le Pen chịu nhiều chỉ trích là đã thờ ơ với nỗi đau của nước Pháp khi tuyên bố sẽ tham gia cuộc xuống đường nếu nhận được lời mời của Thủ tướng Manuel Valls.

Sự chia rẽ nội bộ cùng “khối u khủng bố” mọc lên từ trong chính nội tại nước Pháp, những kẻ khủng bố mang quốc tịch Pháp, sinh ra và lớn tại mảnh đất này, tất cả khiến nước Pháp đang phải đối mặt với một cuộc “nội chiến”.

Xin cảm ơn chị Thùy Vân!./.

>> Xem thêm: Tiêu diệt những kẻ khủng bố, nước Pháp chưa thể bình yên