Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến công du châu Âu 11 ngày tới thăm 4 nước là Hà Lan, Pháp, Đức và Bỉ. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến châu Âu trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc kể từ sau khi nhậm chức hồi tháng 3/2013.

tap1.jpg
Ông Tập Cận Bình phát biểu khi có mặt ở Bỉ hôm 1/4 (Ảnh: Tân Hoa xã)

Ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu hôm 22/3 với chặng dừng chân đầu tiên tại Hà Lan, sau khi dành 4 ngày tham dự Hội nghị An ninh Hạt nhân ở The Hague và gặp gỡ các quan chức cấp cao của Hà Lan, ông Tập tiếp tục có chuyến thăm Pháp trong 2 ngày. Chặng dừng chân thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc là Đức trước khi ông kết thúc chuyến công du lần này tại Bỉ.

Chuyến công du tập trung vào kinh tế, chính trị và văn hóa

Chuyến thăm Hà Lan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được giới phân tích đánh giá là chuyến thăm lịch sử sau khi ông trở thành quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc lần đầu tiên đến thăm Hà Lan kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 1972.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện. Cũng tại Hà Lan, nơi ông tham dự Hội nghị An ninh Hạt nhân lần thứ ba, ông Tập đã kêu gọi hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh rằng, điều đó cũng quan trọng không kém so với những nỗ lực phát triển nguồn năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự.

Có mặt tại Pháp nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande đã cùng chứng kiến lễ ký 21 văn kiện hợp tác song phương đề cập tới rất nhiều lĩnh vực như: kinh tế, thương mại, năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ, công nghiệp, năng lượng, tài chính tiền tệ, nông nghiệp, phát triển bền vững, khoa học kỹ thuật, kiểm tra chất lượng...

Chặng dừng chân thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc là Đức, nơi ông có các cuộc gặp với Tổng thống Đức Joachim Gauck và Thủ tướng Angela Merkel. Sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ thủ tướng Đức ngày 28/3, Đức và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. 
Quốc vương Hà Lan Willem-Alexander và Chủ tịch Tập Cận Bình duyệt đội danh dự tại sân bay Schiphol (Ảnh: AFP)
Trong Tuyên bố chung, Đức và Trung Quốc hoan nghênh những thành quả đạt được trong quan hệ song phương, trong đó có sự hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hoá. Hai bên nhất trí thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó sẽ tổ chức tham vấn định kỳ trong các lĩnh vực chính trị cũng như chính sách an ninh khu vực và toàn cầu.

Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi cũng như vì lợi ích của châu Âu và châu Á, góp phần vào hoà bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững trên thế giới. 

Tại Bỉ, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Âu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo cùng Nhà Vua và Hoàng Hậu Bỉ.

Nhân chuyến thăm này của ông Tập, Trung Quốc và Bỉ đã ký 11 thỏa thuận hợp tác song phương liên quan đến nhiều lĩnh vực từ giảng dạy tới viễn thông trong khuôn khổ "Đối tác hữu nghị toàn diện và hợp tác".

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Di Rupo đã thông qua Tuyên bố chung về việc "làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hữu nghị toàn diện và hợp tác Trung Quốc - Bỉ," tạo điều kiện cho trao đổi "thân thiện" giữa 2 nước.

Tuyên bố chung hoan nghênh các kết quả đáng khích lệ của hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971. Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp sẵn có, Tuyên bố chung nhấn mạnh hai bên quyết định làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hữu nghị toàn diện và hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Cột mốc quan trọng trong mối quan hệ EU – Trung Quốc

Trong khuôn khổ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), ông Tập Cận Bình đã lần đầu tiên tới thăm trụ sở EU tại Brussels trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc và làm việc với các lãnh đạo EU. Các cuộc hội đàm diễn ra sau khi hai bên có nhiều nhượng bộ đối với các tranh chấp thương mại trong thời gian vừa qua.

EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với tổng kim ngạch trao đổi thương mại năm 2013 đạt 559 tỷ USD. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên vẫn có lúc căng thẳng do các tranh chấp thương mại cũng như một số vấn đề nhân quyền mà EU áp đặt đối với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) bắt tay các quan chức EU ở Brussels (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm vừa qua của ông Tập Cận Bình đến châu Âu không chỉ được các phương tiện truyền thông tán dương mà còn được các chuyên gia phân tích đánh giá cao khi cho rằng, đây là cột mốc quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.

AFP dẫn lời ông Patrick Nijs, cựu Đại sứ Bỉ tại Trung Quốc nói: “Chuyến đi của ông Tập Cận Bình cho thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc rất lưu tâm đến châu Âu và nước này thực sự mong muốn hội nhập sâu hơn với châu Âu”.

Giáo sư Augusto Soto của trường ESADE Business School, Tây Ban Nha cho rằng, trong chuyến đi này, ông Tập nhiều lần nhắc đến việc xây dựng mối quan hệ hòa bình, phát triển, đổi mới và tiến bộ giữa Trung Quốc và EU.

Theo ông Soto, đề xuất này thể hiện mong muốn thúc đẩy toàn mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện Trung Quốc – EU của ông Tập, và đây sẽ là động thái tích cực cho việc thiết lập một thế giới đa cực.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Yang Yanyi cho rằng, chuyến thăm châu Âu lần này sẽ thúc đẩy toàn diện mối quan hệ hợp tác Trung Quốc - châu Âu, trở thành cột mốc mới trong lịch sử quan hệ Trung Quốc - châu Âu.

Đại sứ Yang Yanyi nói: "Trong gần 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đã thu được những thành tựu rõ rệt. Chúng tôi luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp, ổn định qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Trung Quốc và EU cũng duy trì các hoạt động đối thoại, trao đổi xung quanh những vấn đề khu vực và toàn cầu, điều này giúp ích không nhỏ cho việc gìn giữ hòa bình và ổn định trên thế giới”.

Phát biểu khi có mặt ở Brussels, ông Tập Cận Bình cho rằng: "Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đã trở thành một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Chúng ta không nên quên rằng vẫn còn một tiềm năng rất lớn cho sự phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và EU, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đầy đủ”.

Nhận định về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh mối quan hệ giữa EU và Moscow đang đóng băng sau các sự kiện ở Ukraine vừa qua, EU sẽ chọn cách bắt tay với Trung Quốc để nâng tầm mối quan hệ hợp tác và sự kiện ông Tập Cận Bình lần đầu tiên tới thăm trụ sở EU tại Brussels trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc sẽ chỉ là bước khởi đầu cho một trang mới trong mối quan hệ này./.