Vụ tấn công khủng bố ở trung tâm thủ đô Berlin hôm 20/12 vừa qua, mà nghi phạm được xác định là một người nhập cư từ Tunisia đã một lần nữa buộc nước Đức nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung phải xem xét lại các chính sách nhập cư của mình. Đây vẫn là bài toán khó mà các nhà lãnh đạo khu vực chưa tìm ra được lời giải.

nguoi_ti_nan_zsol.jpg
Người tị nạn tại một điểm cư trú tạm ở Hanau, Đức. Ảnh: Reuters

Lực lượng chức năng Đức đang ráo riết truy lùng đối tượng 24 tuổi người Tunisia Anis Amri bị tình nghi là thủ phạm thực hiện vụ tấn công bằng xe tải vào một một chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin, Đức hôm 20/12 vừa qua, khiến 12 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Hồi tháng 6 năm nay, giới chức Đức đã không phê duyệt đơn xin tị nạn của Amri nhưng cũng không thể trục xuất đối tượng này khỏi lãnh thổ khi chính quyền Tunisia từ chối tiếp nhận với lý do Amri không có giấy tờ tùy thân.

Thực tế đây là bài toán khó mà Chính phủ Đức vẫn luôn cố gắng tìm ra lời giải trong suốt gần 1 năm qua. Đó là làm thế nào để trục xuất những người xin tị nạn từ Tunisia, Morroco và Algeria trong khi những nước này lại từ chối tiếp nhận trở lại, cũng như làm thế nào để ngăn chặn những dòng người nhập cư mới tìm cách vào nước này.

Theo các nhà phân tích, vụ tấn công khủng bố này chỉ như giọt nước tràn ly, sẽ dẫn tới những thay đổi lớn tại Đức liên quan tới vấn đề nhập cư, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có nhiều cơ hội trở thành Thủ tương Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và thời gian gần đây đã có những thay đổi lớn về lập trường liên quan tới vấn đề này.

Bà Isabelle Maras, chuyên gia phân tích các vấn đề châu Âu nhận định: “Vấn đề nhập cư là một điểm đáng chú ý trong những bài phát biểu của Thủ tướng Đức thời gian gần đây. Kết quả các cuộc trưng cầu gần đây đều cho thấy 65% ủng hộ bà tranh cử nhiệm kỳ thứ 4. Dù đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích cũng như uy tín sụp giảm sau quyết định hồi năm ngoái mở cửa cho gần 900 nghìn người nhập cư, song khả năng bà Merkel trở thành Thủ tướng Đức lần thứ 4 liên tiếp vẫn rất cao và dự báo sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách nhập cư, nhất là trong bối cảnh quốc tế hiện nay.”

Từ đầu năm tới nay, Chính phủ Đức đã luôn gây sức ép với chính quyền Morroco, Tunisia và Angeria khi cảnh báo hầu hết trong số những nghi phạm quấy rối phụ nữ vào đêm Giao thừa vừa qua tại thành phố Cologne đều được xác định là đến từ 3 nước này. Tuy nhiên, giới chức 3 nước tuyên bố nếu Đức không cung cấp được những giấy từ tùy thân có giá trị đối với từng trường hợp bị trục xuất thì những người này sẽ không thể hồi hương, dù hai bên đã  ký thỏa thuận tái tiếp nhận.

Chính vì thế, hầu như mọi công dân Tunisia, Morroco hay Angeria muốn không bị trục xuất đều tìm cách tiêu hủy giấy tùy thân để không bị trục xuất dù là tạm thời. Đối với trường hợp của Anis Amri, nghi phạm vụ tấn công nhằm chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin thì kể từ khi đơn của tên này bị bác bỏ cho đến khi bị trục xuất cũng sẽ phải mất đến nhiều tháng.

Từ đầu năm, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã nhiều lần tới thăm 3 nước kể trên, với những cam kết về tăng cường hợp tác trong vấn đề trục xuất và tái tiếp nhận, song đều không thành công. Chính phủ Đức cũng đang thúc đẩy Quốc hội thông qua việc xếp Morroco, Tunisia và Angeriavào danh sách những nước an toàn, coi đây là một thông điệp rõ ràng nhất gửi tới những người đang muốn xin tị nạn rằng, cơ hội được ở lại nước Đức gần như là con số 0. Song những nỗ lực này đều không đạt kết quả do vấp phải sự phản đối tại Hạ viện. 

Có thể nói, chưa bao giờ nước Đức và châu Âu lại hứng chịu nhiều vụ khủng bố như trong năm qua, mà thủ phạm phần lớn đều là những kẻ cực đoan trà trộn trong dòng người di cư xâm nhập vào Liên minh châu Âu. Song tác động của các biện pháp kiểm soát người nhập cư tới nay vẫn rất hạn chế và biện pháp duy nhất mà những nước như Đức hay châu Âu vẫn hay làm sau mỗi vụ tấn công là nâng mức cảnh báo an ninh. Chính vì thế theo các nhà phân tích, vấn đề người nhập cư vẫn sẽ là vấn đề khiến các nhà lãnh đạo Đức và châu Âu đau đầu trong năm 2017 tới./.