Mang theo những khẩu súng máy, các chiến binh Taliban xuất hiện trên các đường phố khắp đất nước Afghanistan, lần lượt chiếm quyền kiểm soát các thị trấn và thành phố. Lực lượng này đã thay đổi bản đồ chính trị của đất nước chỉ trong vòng hơn 10 ngày khi gần đến thời hạn chót để các lực lượng NATO rút binh sỹ khỏi Afghanistan. Taliban chiếm được thủ phủ tỉnh đầu tiên vào ngày 6/8 và hoàn thành việc tiếp quản quyền lực vào ngày 15/8 sau khi tiến vào thủ đô Kabul.
Taliban tiếp quản quyền lực đã dẫn tới cuộc sơ tán quy mô lớn của người dân, những người muốn tìm mọi cách để tới các nước khác sau khi Tổng thống Ashraf Ghani chạy khỏi đất nước, khiến số phận của hàng nghìn người dân rơi vào bất ổn.
Những bức ảnh, đoạn video về những ngày đầu sau khi Taliban kiểm soát đất nước đã khắc họa hình ảnh hỗn loạn, với thông tin về các vụ nổ, câu chuyện về sự bất công trở thành câu chuyện hàng ngày.
Khủng hoảng kinh tế
Afghanistan chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và phải đối mặt với những thách thức tài chính sau khi Taliban tiếp quản quyền lực, do các nhà tài trợ quan trọng đều đình chỉ viện trợ quốc gia Nam Á này.
Khủng hoảng kinh tế không phải chỉ là vì các nguồn tài trợ bị đóng băng mà Afghanistan còn đối mặt với hạn hán do tình trạng ấm lên toàn cầu.
Người dân Afghanistan cạn kiệt tiền bạc. Theo thông tin mới đây của AFP, nhiều người dân ở thủ đô Kabul đã phải bán hết đồ đạc trong nhà để mua thức ăn, mua than đá để sưởi ấm trong mùa đông và các nhu yếu phẩm khác. Nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn tới mức phải bán con để lấy tiền trả nợ và mua thực phẩm.
Liên Hợp Quốc nhiều lần cảnh báo, Afghanistan đang bên bờ vực một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất của thế giới.
Tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi các nhà tài trợ quốc tế gần đây đồng ý viện trợ 280 triệu USD cho Afghanistan.
Quỹ tín nhiệm tái thiết Afghanistan (ARTF) sẽ “cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan ở thời điểm quan trọng này”, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết trong một tuyên bố đưa ra ngày 10/12.
Quyền phụ nữ vẫn là câu hỏi lớn
Sau khi giành kiểm soát Afghanistan vào giữa tháng 8 vừa qua, Taliban tuyên bố sẽ không áp dụng các chính sách hà khắc như thời kỳ nắm quyền năm 1996-2001. Theo đó, Taliban đã cho phép mở trường học dành cho nữ sinh tại một số tỉnh và đưa ra những thông điệp ôn hòa như khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí tham gia chính quyền mới. Tuy nhiên, trong chính phủ lâm thời mà Taliban công bố hồi đầu tháng 9, không có đại diện của nữ giới.
Chính quyền Taliban đã ban hành một bộ quy định hạn chế đối với truyền thông Afghanistan, trong đó cấm các bộ phim truyền hình có diễn viên nữ, yêu cầu người dẫn chương trình truyền hình là nữ giới phải mang khăn trùm đầu hijab.
Ngày 3/12 vừa qua, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã ban hành sắc lệnh về quyền của phụ nữ, trong đó nêu rõ không được coi phụ nữ là “tài sản”, việc kết hôn phải được sự đồng ý của phụ nữ, người vợ phải được chia tài sản chung khi chồng qua đời. Tuy nhiên, sắc lệnh không đề cập quyền của phụ nữ được tiếp cận giáo dục hoặc ra ngoài làm việc.
Taliban đứng trước sức ép lớn khi cộng đồng quốc tế ra điều kiện chỉ hợp tác với chính quyền Taliban nếu chính quyền này tôn trọng các quyền cơ bản ở Afghanistan, bao gồm quyền của phụ nữ.
Mới đây, nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tình trạng của phụ nữ Afghanistan và những tác động của đại dịch Covid-19 đối với họ.
Phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) kêu gọi hành động cụ thể để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Tuyên bố của UNAMA nêu rõ: “Cộng đồng thế giới cần lắng nghe tiếng nói và trải nghiệm của phụ nữ, trẻ em gái Afghanistan và khẩn trương đáp lại nhu cầu của họ, đặc biệt là những người đã sống sót sau bạo lực và những người đang phải đối mặt với nhiều hình thức phân biệt đối xử”.
Tương lai bất định
Taliban cam kết sẽ cai trị mềm mỏng hơn so với khi lực lượng này cầm quyền lần đầu tiên vào những năm 1990. Tuy nhiên, bất ổn vẫn bao trùm tương lai Afghanistan.
Kể từ khi tiếp quản, Taliban muốn được cộng đồng quốc tế công nhận và họ tìm cách thể hiện chế độ Taliban 2.0 là một chính phủ hợp pháp với cơ cấu phù hợp bao gồm các bộ khác nhau.
Nếu như nửa đầu năm 2021, câu chuyện về Taliban là lực lượng nổi dậy, nửa cuối năm đó lại là câu chuyện về một “chính quyền Taliban” đã thay đổi và đang nỗ lực tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế.
Dù vậy, điều gì sẽ xảy ra với Taliban trong năm 2022, tương lai sẽ đem lại câu trả lời./.