Từ quan điểm của Nga, Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria vẫn còn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng phía trước. Tuy nhiên, tin tốt là Mỹ đã thể hiện thiện chí chấp nhận Nga là một đối tác bình đẳng và mang tính xây dựng trong vấn đề Syria.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria vừa đạt được giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 9/9 tại Geneva là một bất ngờ đối với các chuyên gia trong khu vực. Trong khi tin tức về thỏa thuận ngừng bắn được đưa khá tích cực, vẫn có những cái nhìn quan ngại về thỏa thuận này. Ví dụ, không rõ lý do tại sao Moscow lại chọn chính xác thời điểm này để ngăn chặn các hành động quân sự thay vì cho phép quân đội Syria và các đồng minh tấn công tiêu diệt các chiến binh ở Aleppo.

ngoai_truong_2_glno.jpg
Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Kerry (Ảnh AP).

Từ góc độ quân sự, đó không phải là một thời điểm tốt cho một lệnh ngừng bắn. Điều này lập tức dẫn đến những nghi ngờ rằng các cuộc tấn công của lực lượng chính phủ đang bị mất sức mạnh, không đủ khả năng để giành lại Aleppo. Nếu đúng là như vậy, điều này sẽ làm giảm khả năng thương lượng của chính phủ Syria, trong khi lại thúc đẩy tinh thần chiến đấu của phe đối lập.

Để hiểu những suy nghĩ đằng sau hành động của Moscow người ta phải đặt ra một câu hỏi khác: Văn bản thỏa thuận tại Geneva do ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Nga đã thay đổi quan hệ Nga- Mỹ như thế nào? Thỏa thuận là một nỗ lực để thiết lập một lệnh ngừng bắn và kêu gọi các bên đàm phán.

Mỹ- Nga thay đổi thái độ với nhau

Có thể giả định rằng yếu tố chính là sự thay đổi trong thái độ của Mỹ đối với Nga. Trước đó, Washington đã làm mọi thứ trong khả năng để che giấu quan hệ đối tác với Moscow nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Các quan chức Nga không giấu nổi sự không hài lòng về việc Mỹ từ chối công nhận vai trò có tính xây dựng của điện Kremlin.

Trong khi đó, tình hình ở Syria đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong bối cảnh cuộc đua trước bầu cử Tổng thống Mỹ đang vào giai đoạn nước rút, điều này lại thêm một lý do nữa để phe của đảng Cộng hòa chỉ trích đảng Dân chủ. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã nhiều lần phát biểu rằng người Nga có thể đóng một vai trò trọng yếu trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và rằng chế độ Assad vẫn nên tại nhiệm.

Cách tiếp cận này đang dần dần thay đổi. Các chuyên gia tiếp tục suy đoán về lý do cho sự thay đổi đó. Giới quan sát cho thấy, việc cử một phái đoàn Mỹ đến Geneva thậm chí đã được quyết định khá bất ngờ. Thực tế các cuộc đàm phán tại Geneva đã kéo dài tới 15 tiếng cho thấy rằng các bên đã đến Thụy Sĩ mà không có bất kỳ tài liệu nào được chuẩn bị sẵn sàng để ký kết và văn bản thỏa thuận đó đã được đàm phán ngay tại chỗ. Điều này chỉ ra một thực tế là chúng ta đang chứng kiến một sự ứng phó ngoại giao, hệ quả của tình huống bất khả kháng.

Có ý kiến cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thành công khi vượt qua được những lời chỉ trích và ngờ vực của Lầu Năm Góc và CIA đối với phía Nga. Tuy nhiên, giả thiết khác cho rằng chính quyền Mỹ đã chịu ảnh hưởng bởi ứng cử viên Donald Trump, người đã hứa hẹn với cử tri rằng thúc đẩy thỏa thuận với Nga về vấn đề Syria, nghe có vẻ có lý hơn.

Thỏa thuận về ngừng bắn đem lại những giờ phút yên bình ở khu vực (Ảnh: Politico).

Thắng lợi của ngoại giao Nga

Cho dù đạt được bằng cách này hay cách khác, thỏa thuận ngừng bắn này đã trở thành một chiến thắng quan trọng cho ngoại giao Nga. Điều quan trọng đối với Moscow là Thỏa thuận Geneva đã chính thức hóa những gì đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng bị Washington phủ nhận - đó là việc trao đổi thông tin quân sự giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng không vượt quá được việc phân định khu vực trách nhiệm của từng bên tại Syria. Và trong quá trình tham vấn không chính thức, các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng, không thể có hoạt động chung giữa 2 bên.

Việc thành lập Trung tâm Phối hợp hành động tại Vienna với sự tham gia của đại diện quân đội và lực lượng đặc nhiệm hai nước là một sự thừa nhận thực tế rằng Mỹ coi Nga là một bên quan trọng ở Syria và nước này sẵn sàng hợp tác bất chấp sự cạnh tranh giữa hai nước trong các khu vực khác (đầu tiên và trước hết, ở Ukraine).

Điều này đưa Moscow tiến một bước gần hơn để đạt được mục tiêu chiến lược của mình – đạt được sự công nhận của Mỹ rằng Nga là một đối tác chính thức trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thật vậy, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chính sách đối ngoại của Nga trong những năm gần đây là chứng minh cho phương Tây thấy rằng, phương Tây không thể bỏ qua Nga khi giải quyết các vấn đề chính toàn cầu.

Việc Mỹ công nhận chính thức Jabhat al-Fateh Sham (trước đây là Jabhat al-Nusra) là một tổ chức khủng bố, cho phép Nga nhắm mục tiêu tới tổ chức này trong các cuộc không kích, là một thành công chiến thuật quan trọng đối với Nga. Trước đây, các nhóm chiến binh khác nhau và các chỉ huy chiến trường, trong đó có cả những người đã ly khai IS, tham gia vào tổ chức khủng bố này để chống lại ông Assad. Hơn nữa, những kẻ Hồi giáo cực đoan đại diện cho bộ phận có khả năng nhất trong phe đối lập Syria có vũ trang. Nếu không có những kẻ này, lực lượng đối lập của ông Assad sẽ khó có thể thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nghiêm trọng nào.

Đồng thời, một điều rất quan trọng là phải hiểu rằng từ quan điểm của Nga, thỏa thuận giữa Lavrov và Kerry không chỉ thể hiện một kết quả thành công của cuộc đàm phán, mà còn là một thách thức thực sự. Vì vậy, để khởi động thành công Trung tâm Phối hợp Hành động, lệnh ngừng bắn nên duy trì được ít nhất là một tuần, và ngay từ đầu, Mỹ đã đặt trách nhiệm lên “vai” Moscow nếu có sự cố đổ vỡ. Nga đã tuyên bố tình trạng của nước này như một đối tác bình đẳng và bây giờ Nga đã chứng tỏ rằng mình có khả năng thực hiện nhiệm vụ này và đạt được tiến bộ trong tiến trình hòa bình, bao gồm cả tạo áp lực cho Damascus, nếu cần thiết.

Vòng luẩn quẩn “ngừng bắn- đàm phán”

Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn nhất vẫn nằm ở phía trước. Rồi đến lúc, thỏa thuận giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Kerry cần phải đưa ra mội môi trường cần thiết cho một cuộc đối thoại giữa các bên tại Syria. Ông Kerry và các quan chức Mỹ khác có thể cho rằng, tất cả những điều họ muốn là sự thành công của toàn bộ quá trình, đều phụ thuộc vào phía Nga. Trên thực tế, điều đó phụ thuộc vào chính Syria, vào khả năng thỏa hiệp của họ. Cho đến nay các bên đều “dền dứ”, dẫn đến một vòng luẩn quẩn: ngừng bắn – nỗ lực đàm phán – thiết lập vùng phi chiến sự.

Quá trình đàm phán là một mặt xích yếu. Nếu người Mỹ chấp nhận, ngay cả khi chưa chính thức, ý tưởng về việc ông Assad vẫn nắm quyền (ít nhất là cho đến khi thành lập chính phủ lâm thời), Quân đội Syria Tự do và các nhóm tương tự của phe đối lập ôn hòa sẽ không sẵn sàng từ bỏ yêu cầu của họ rằng Tổng thống đương nhiệm phải từ chức để đạt được một thỏa thuận. Trong khi đó, ông Assad được xác định là vẫn duy trì quyền lực (ít nhất là trong tương lai gần).

Vấn đề gây bàn cãi đó rõ ràng ngay từ đầu của cuộc xung đột, khiến cho phe đối lập không muốn triển khai một giải pháp có tính xây dựng thống nhất. Vấn đề đó vẫn là mâu thuẫn rất lớn của các nhóm khác nhau, và các bên chỉ đồng nhất với nhau ở một điểm là yêu cầu ông Assad phải từ chức. Hơn nữa, có một yếu tố mới tại “đấu trường” Syria – đó là, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại cũng công khai tham gia vào cuộc chiến chủ yếu là nhằm chống lại người Kurd và thứ đến mới là chống lại IS.

Cuối cùng, hiện có một số nhà tài trợ hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập tại khu vực, và tầm nhìn của họ về tương lai của Syria rất khác nhau. Họ cũng cần phải được thuyết phục để hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột. Điều này, nhiều khả năng, lại phần lớn phụ thuộc vào nỗ lực của phía Mỹ./.