Những nỗ lực ngoại giao trong nước và quốc tế đang được thúc đẩy nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela, với việc chính phủ và lực lượng đối lập đều cử đại diện tới Na Uy để đối thoại. Bất chấp nghi kị và khác biệt giữa chính phủ và lực lượng đối lập vẫn còn tồn tại, có thể phủ bóng lên một giải pháp sớm cho cuộc khủng hoảng, nhưng việc các bên tại Venezuela có thành ý đối thoại đang mở ra cơ hội giải quyết hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này.
Ngoại giao con thoi trong nước và quốc tế giải quyết khủng hoảng Venezuela. Ảnh: Reuters |
Chính phủ Venezuela hôm qua cho biết các cuộc đối thoại giữa chính phủ và các thành phần đối lập “ dân chủ” đang diễn ra tại Na Uy. Trong khi đó, lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido cũng xác nhận vai trò hòa giải của Na Uy trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Venezuela và thông báo đại diện của lực lượng này đang ở Na Uy. Các hoạt động ngoại giao con thoi quốc tế cũng đang được thúc đẩy. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland hôm qua có chuyến thăm Cuba và gặp Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez, sau khi Cuba tuyên bố sẵn sàng đóng góp cho tiến trình đối thoại tại Venezuela. Một nhóm tiếp xúc quốc tế, bao gồm 8 nước châu Âu và 4 nước Mỹ Latinh, cũng đang cử đại diện đến Caracas để gặp các bên liên quan tại Venezuela.
Các chuyến hàng hàng viện trợ nhân đạo cũng đang được chuyển tới quốc gia này, giúp giảm nhẹ phần nào tình trạng thiếu thuốc men và lương thực tại đây. Bộ trưởng Y tế Venezuela Carlos Alvarado cho biết:
“Chuyến hàng thứ 3 chở hàng viện trợ nhân đạo của Trung Quốc đã đến Venezuela. Chuyến hàng này bao gồm 64 tấn, chủ yếu là trang thiết bị phẫu thuật như gạc, máy nén, chất kết dính, áo choàng cho bệnh nhân , áo liền quần để phẫu thuật. Đây là những thiết bị cần thiết cho hệ thống y tế quốc gia. Các chuyến hàng viện trợ nhân đạo này sẽ giúp giảm nhẹ các tác động của cuộc bao vây phong tỏa từ chính phủ Mỹ và một số nước chống lại Venezuela”.
Sau nhiều tháng căng thẳng kéo dài với các cuộc biểu tình trên đường phố biến thành bạo lực, cùng với cảnh báo can thiệp quân sự có thể xảy ra, thì việc các bên tại Venezuela chịu ngồi vào bàn đối thoại để tìm ra một giải pháp chính trị là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên giới quan sát nhận định, vẫn còn nhiều bất đồng và khác biệt giữa các bên, nên sẽ khó có thể đưa ra một giải pháp sớm. Lãnh đạo đối lập Juan Guaido vẫn khẳng định, bất cứ cuộc đối thoại nào cũng phải dẫn đến sự chấm dứt quyền lực của Tổng thống Nicoslas Maduro, thay thế bằng một chính phủ chuyển giao, tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do.
Tuy nhiên, Tổng thống Maduro khẳng định quyền lực hợp pháp của mình và phản đối các nỗ lực can thiệp từ bên ngoài. Sự bất đồng quan điểm giữa các cường quốc về cách tiếp cận với Venezuela cũng phủ bóng lên kết quả đối thoại. Vấn đề Venezuela đã gây ra những tranh cãi gay gắt tại cuộc gặp Ngoại trưởng Nga - Mỹ mới đây ở Sochi, khi Mỹ cho rằng Tổng thống Maduro phải từ chức, trong khi Nga khẳng định đó là quyền quyết định của người dân quốc gia Nam Mỹ này.
Bất đồng và thiếu tin tưởng vẫn tồn tại. Nhưng hàng loạt các nỗ lực ngoại giao đang được thực hiện phản ánh sự thừa nhận của các bên tại Venezuela rằng, không ai có thể thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, vốn đã đẩy đất nước rơi vào tình trạng tê liệt về chính trị và kinh tế. Đối thoại là lựa chọn duy nhất hiện nay. Dư luận quốc tế cũng hi vọng, với nhà hòa giải “mát tay” Na Uy - cái nôi của Giải Nobel Hòa bình hay một thỏa thuận Oslo lịch sử giữa Israel và Palestine, sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, thúc đẩy một giải pháp chính trị cho Venezuela. Liên Hợp Quốc hôm qua hoan nghênh nỗ lực của các bên, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ cho tiến trình giải quyết khủng hoảng Venezuela./.
Ngoại trưởng Canada bất ngờ thăm Cuba “nửa ngày” bàn về Venezuela