LTS:Sau vụ thảm sát đẫm máu bằng súng mới đây ở thành phố Las Vegas, Hạ nghị sĩ Dân chủ Mỹ Eric Swalwell của bang California vừa có bài viết đăng trên tờ Guardian của Anh, trong đó ông thống thiết kêu gọi các nghị sĩ Mỹ cần phải nhanh chóng dũng cảm thắt chặt kiểm soát súng ở nước này, để chấm dứt tình trạng bắn giết người dân Mỹ một cách vô tội vạ. Sau đây là phần lược dịch bài viết này:

tranh_dan_las_vegas_liec.jpg
Người dự một buổi biểu diễn nhạc ở Las Vegas (Mỹ) đã phải nằm rạp, bò hoặc chạy thật nhanh để tránh làn đạn sát thủ bắn từ trên nhà cao tầng xuống vào đêm 1/10 vừa qua. Ảnh: Getty.

Giới lập pháp không thể khoanh tay nhìn người dân bị tàn sát. Chúng ta phải quyết định, giữa việc chấp nhận hiện thực này hay là nói rằng thế là đủ rồi?

Chỉ suy nghĩ và cầu nguyện là không đủ. Chúng ta không thể để tình trạng này tiếp diễn.

Lại một thảm sát bằng súng nữa gây rúng động nước Mỹ. Công dân chúng ta bị bắn gục khi họ đang tận hưởng nhạc đồng quê vào một tối mùa thu mát mẻ tại Las Vegas. Chúng ta nguyện cầu trong đau đớn cho hàng chục người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương ở đó.

Truyền thông xã hội đã đưa đến cho chúng ta cảnh tượng kinh hoàng, trong đó những người đi nghe nhạc phải chạy, phải bò để né tránh làn đạn bắn như mưa xuống phía họ. Ở Mỹ chúng ta chưa từng chứng kiến cảnh tàn sát lớn như vậy từ một xạ thủ riêng lẻ sử dụng các vũ khí có sức sát thương cao.

Chúng ta đã chứng kiến cảnh tượng khó thể quên được về đám đông vô vọng, hoảng loạn chạy trốn để bảo tồn mạng sống. Với những hình ảnh đó, chúng ta đứng trước sự lựa chọn: Hoặc là chấp nhận thực tế này để đảm bảo quyền tiếp cận vũ khí không hạn chế, hoặc là dũng cảm nói rằng thế là đủ lắm rồi.

Nếu cứ ngồi yên đợi đạn bay về phía mình thì chúng ta sẽ chẳng làm được gì cả để ngăn chặn thảm kịch tiếp theo. Nhưng nếu chúng ta hành động trước khi người ta siết cò thì chúng ta lại mạnh hơn cả vũ khí.

Câu chuyện ở đây liên quan đến hàng trăm người bị giết hoặc bị thương ở Las Vegas. Đó còn là về hàng ngàn người thân trong gia đình và bạn bè đang khóc thương cho sự tổn thất tính mạng hay thương tật vô nghĩa lý mà những người thân yêu của họ phải gánh chịu.

Có nhiều người bị bắn và phải sống suốt đời với các tổn thương. Hàng triệu người Mỹ lo lắng bất an cho sự an toàn của người thân mỗi khi họ ra ngoài mỗi tối. Nó liên quan tới tất cả chúng ta.

Thật đau lòng khi phải chứng kiến thị trưởng thành phố Orlando – nơi từng xảy ra vụ thảm sát ở Hộp đêm Pulse vào năm 2016 – khi đó là vụ thảm sát bằng súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, đã phải đăng lên Twitter lời ủng hộ và thể hiện tình đoàn kết của thành phố này với Las Vegas.

Sau vụ Orlando, các nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện Mỹ khẳng định sau khoảnh khắc mặc niệm dành cho các nạn nhân là lúc phải hành động.

Khi những người phe Cộng hòa từ chối, đồng nghiệp của chúng tôi là John Lewis ở Atlanta đã biểu tình ngồi trên sàn Hạ viện trong 26 tiếng đồng hồ để yêu cầu bỏ phiếu về việc ban hành luật đối với vấn đề bạo lực do súng. Nhưng các lãnh đạo Cộng hòa của Hạ viện lại lo ngại về việc chúng tôi truyền hình ảnh biểu tình ngồi này qua mạng xã hội hơn là lo lắng về bạo lực đáng sợ đã khiến chúng tôi phải phản đối theo cách thức đó.

Quốc hội phải hành động để làm tất cả những gì có thể nhằm làm giảm số lượng tử vong vì súng ở Mỹ. Luật pháp không ngăn được mọi ca tử vong, nhưng nếu chúng ta không cố gắng, thì chúng ta còn làm gì nữa với tư cách là người lãnh đạo của nhân dân mà chúng ta đại diện cho họ?

Chúng ta đang nợ các nạn nhân bị giết trong các vụ bạo lực súng một cuộc đối thoại về việc vì sao chúng ta lại cho phép vũ khí chiến tranh rơi vào tay những người không phải là chiến binh.

Việc ra lời kêu gọi này không phải là chính trị hóa thảm kịch. Bản thân thảm kịch này đã mang tính chính trị. Phớt lờ hoặc trì hoãn vô thời hạn cuộc hội thoại này là vô tâm, vô cảm.

Tôi không muốn loại bỏ tất cả các khẩu súng. Chúng ta vẫn cho phép dùng súng cho tự vệ, thể thao và săn bắn, nhưng không cho phép vũ trang cho những kẻ cố gắng “săn thật nhiều người” trong thời gian ngắn nhất có thể.

Nếu như khi xảy ra vụ xả súng kinh hoàng ở Las Vegas, có những người dũng cảm lao thẳng về phía tòa nhà của sát thủ để truy tìm hắn thì các lãnh đạo của quốc gia chúng ta cũng có thể tìm thấy lòng can đảm để lao vào Quốc hội và bảo vệ các cộng đồng của chúng ta.

Chúng ta không thể hồi sinh những người đã chết ở Las Vegas. Nhưng nếu tất cả người Mỹ cùng cất lên tiếng nói, chúng ta sẽ át được tiếng đạn đã cướp đi mạng sống của họ và cứu được sinh mạng quý báu của những người thân yêu chúng ta.

Năm ngoái, Orlando đã lập “kỷ lục” về số người chết trong xả súng. Hôm nay là Las Vegas. Năm tới, thành phố kế tiếp trong danh sách này sẽ là gì? Thành phố của tôi hay thành phố của quý vị?/.