Moscow đã thỉnh thoảng tính toán nhầm về phản ứng của Ankara trước xung đột ở Syria. Và tính toán nhầm đó đã tạo ra căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ. Người ta đang kỳ vọng các vướng mắc đó được gạt sang một bên khi Tổng thống Putin gặp Tổng thống Erdogan vào ngày 5/3 này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters. |
Sau khi 33 lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một cuộc không kích vào tuần trước ở tỉnh Idlib tây bắc Syria mới đây thì Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại bằng việc mở một cuộc tấn công quân sự mới (chiến dịch Lá chắn Mùa Xuân) vào hôm 1/3 chống lại lực lượng chính phủ Syria ở khu vực này. Trong vài ngày qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng phi cơ không người lái (UAV) và trọng pháo để đánh phá quân đội Syria, còn lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã giành được thêm thắng lợi trên thực địa.
Đáp lại, hải quân Nga điều 2 tàu hộ vệ trang bị tên lửa và một tàu đổ bộ loại lớn tới vùng biển Syria. Bộ Quốc phòng Nga cũng cảnh báo họ không đảm bảo an toàn cho máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bay qua không phận Syria.
“Cuộc gặp quan trọng trong lịch sử Nga-Thổ Nhĩ Kỳ”
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan theo kế hoạch sẽ gặp nhau ở Moscow trong ngày 5/3 nhằm tháo ngòi cho tình hình căng thẳng ở Idlib. Họ có sứ mệnh tránh chiến tranh và khôi phục lại quan hệ thân thiện có được giữa 2 nước từ năm 2016 tới nay.
Mesut Hakki Caşın - một giáo sư tại Đại học Yeditepe ở Istanbul, đồng thời là thành viên thuộc ban chính sách đối ngoại và an ninh cố vấn cho Tổng thống Erdogan, đã gọi cuộc gặp thượng đỉnh 5/3 này là một trong các hội nghị “sống còn, thiết yếu nhất trong lịch sử hai nước”.
Dù Mesut tin rằng Putin và Erdogan sẽ đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, ông cho rằng tình hình hiện nay đầy rẫy sự nguy hiểm.
Mesut nói tiếp: “Tôi cho rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm được một công thức chung để loại bỏ các nhóm khủng bố cực đoan ở Idlib và các vũ khí hạng nặng. Nếu hội nghị thất bại, xung đột ở Idlib có thể lan ra khắp Syria và khu vực.. Trong kịch bản xấu nhất, binh sĩ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể giáp mặt nhau ngay trên chiến trường. Nguy cơ này mở tung cánh cửa địa ngục ở Idlib”.
Trong khi đó, Viktor Murakhovsky – Tổng biên tập tạp chí quốc phòng Nga “Kho vũ khí Tổ quốc”, giải thích rằng từ quan điểm quân sự thuần túy, cả Moscow và Ankara có cơ chế cần thiết để giữ cho tình hình ở Idlib không vượt ra ngoài vòng kiểm soát.
“Quan trọng phải hiểu rằng quy mô khu vực xảy ra chiến sự là hoàn toàn nhỏ, khoảng 100km từ bắc xuống nam và khoảng 70km từ đông sang tây”, Viktor giải thích. “Cả hai bên đều có công nghệ theo dõi và phương pháp chỉ huy và kiểm soát để giám sát tình hình trong giờ thực”.
Nhưng Viktor vẫn dè chừng rằng nếu thiếu một giải pháp chính trị mới ở Idlib, căng thẳng sẽ vẫn duy trì ở mức cao một cách nguy hiểm.
Quan điểm cho rằng 2 bên khó nhượng bộ nhau
Alexey Malashenko – giám đốc nghiên cứu tại tổ chức “Đối thoại giữa các nền Văn minh” có trụ sở ở Moscow, thì lại cho rằng hai ông Putin và Erdogan không dễ đạt được một thỏa hiệp. Malashenko cho rằng rủi ro cao và tâm lý ở hai bên khiến cho cả hai nhà lãnh đạo đều khó lòng nhượng bộ trên thực địa.
Malashenko nhận định: “Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Nga không thể chấp nhận thua cuộc trong tình huống này. Nếu một trong hai ông Putin và Erdogan phải lùi bước, người đó sẽ trông yếu đuối và mất vị thế ở ngay nước họ”.
Malashenko giải thích thêm rằng một trong các yêu cầu cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ là Nga hãy để yên cho Thổ Nhĩ Kỳ “đối đầu trực diện với Tổng thống Syria al-Assad” nhưng Nga không thể đồng ý với điều đó, bởi lẽ đối với Kremlin, “việc bỏ rơi ông Assad sẽ đồng nghĩa với thừa nhận thất bại ở Trung Đông”.
Nguồn gốc của cuộc đối đầu mới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là Idlib – một tỉnh nằm ở vùng tây bắc của Syria, đây là thành trì cuối cùng của phiến quân ở Syria. Năm 2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được một thỏa thuận thiết lập vùng giảm căng thẳng ở Idlib và loại bỏ các “chiến binh cực đoan” như là nhóm Hayat Tahrir al-Sham – một chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda. Nhưng hai bên cho tới nay đã tố lẫn nhau là đã vi phạm thỏa thuận này.
Thỏa thuận đó cuối cùng sụp đổ vào tháng 12/2019, khi Tổng thống Syria al-Assad phát động một cuộc tấn công mới vào Idlib với sự yểm trợ của không quân Nga. Khi lực lượng chính phủ Syria tái chiếm lãnh thổ ở Idlib, một làn sóng người tị nạn ngày càng tăng từ Syria tiến về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Liên Hợp Quốc ước tính 900.000 người đã chạy khỏi Idlib kể từ khi chiến dịch của ông Assad bắt đầu.
Tổng thống Nga Putin có thể phải nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib (Syria)?
Phía Nga có thể đã bị bất ngờ về Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã tiếp nhận 3,6 triệu người tị nạn từ Syria, đã phản ứng bằng cách gửi hàng ngàn lính và xe quân sự tới Idlib. Trong tháng qua, quân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã giao tranh với nhau vài lần ở Idlib, khiến 54 lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Vụ đụng độ đẫm máu nhất mới đây là khi phía Syria không kích làm 33 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ tử vong. Chính sự kiện mới nhất này đã kích thích Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mới nhất vào Syria.
Nhà nghiên cứu Malashenko thừa nhận, quyết tâm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho leo thang căng thẳng trước cuộc tấn công của ông Assad ở Idlib đã khiến nhiều người trong giới chính trị Nga bị bất ngờ.
Malashenko nói: “Ở Moscow, họ tính toán nhầm phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ nghĩ rằng theo cách này hay cách khác sẽ có một số trận đánh nhất định, toàn bộ việc này sẽ chỉ kéo dài vài ngày và hai bên có thể đạt một thỏa thuận. Nhưng thay vào đó, ông Erdogan đã quyết định sẽ hành xử rắn”.
Trong khi đó Viktor giải thích rằng Nga trước đó hy vọng ông Erdogan sẽ có sự linh hoạt lớn hơn đối với các mục tiêu của Nga ở Idlib sau khi Moscow tìm cách giải tỏa các mối quan ngại của Ankara về dân quân người Kurd ở tây bắc Syria.
Viktor nhận xét: “Khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch Mùa Xuân Hòa bình ở tây bắc Syria chống lại lực lượng Kurd (hồi tháng 10/2019), Nga đã có những nhượng bộ đáng kể... Nga đồng ý bảo đảm rằng người Kurd sẽ rút lực lượng khỏi khu vực này. Họ cũng nhất trí thực hiện tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực này dù rằng làm thế có thể gây ra một số vấn đề với các đối tác Syria của Nga. Vì lý do này, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc tấn công ở Idlib là khá bất ngờ”.
Dẫu vậy, những vướng mắc này vẫn có thể được gác sang một bên trong cuộc gặp Putin-Erdogan ngày hôm nay (5/3). Các chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được tạp chí National Interest phỏng vấn đều nhất trí cho rằng dù có căng thẳng ở Idlib, quan hệ đang phát triển giữa Moscow và Ankara có mức độ quan trọng đến mức mà hai nước không thể vứt bỏ được.
Mesut cho rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiệm cận kỷ nguyên vàng trong quan hệ kinh tế-chính trị-quân sự giữa hai nước, và thách thức ở Idlib không phải là không thể vượt qua./.