Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong tháng 5/2018, bước ngoặt bất ngờ giữa hai quốc gia vốn căng thẳng suốt nhiều năm qua. Phản ứng trước thông tin này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, đề xuất xúc tiến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là bước đi đúng hướng và là bước đột phá trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

9ea36732f0d5407dadbac33792b04784_18_bvuj.jpg
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là bước đi đúng hướng. Ảnh: Aljazeera. 

Ngay sau tuyên bố, Nga đã tăng cường đối thoại với các quan chức Hàn Quốc về giải quyết khủng hoảng Triều Tiên, nhất trí tạo nền tảng cho cuộc đối thoại giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ. Động thái của Nga, một mặt góp phần giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mặt khác cũng là khẳng định vai trò của nước này trong vấn đề Triều Tiên. Nhiều bài học trong quá khứ khiến Nga nhận ra rằng, nếu không khẳng định vị thế và bảo vệ các lợi ích của nước này trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Nga sẽ bị loại khỏi cuộc chơi và trở thành bên thứ yếu.

Nga có lý do để hoài nghi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Theo giới quan sát, dù Ngoại trưởng Lavrov đưa ra những tuyên bố lạc quan về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, song nhìn nhận ở góc độ sâu hơn, Nga vẫn thể hiện sự hoài nghi về triển vọng của cuộc đối thoại.

Lý do đầu tiên là sự đối lập quan điểm giữa Nga và Mỹ về hiệu quả của việc thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Nga xem việc Mỹ tiếp tục áp đặt biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên mà không được sự thông qua của Liên Hợp Quốc, là rào cản đối với hòa bình. Gạt bỏ những quan ngại của Nga, chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu như không đạt được những bước tiến trong giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nga mặc dù phản đối mạnh mẽ việc Triều Tiên là một nhà nước hạt nhân nhưng cũng không thể phủ nhận thực tế hạt nhân là cách duy nhất để Triều Tiên đảm bảo an ninh trước những mối đe dọa bên ngoài, đặc biệt khi Mỹ để ngỏ khả năng áp dụng hành động quân sự trong các lựa chọn mà nước này đưa ra. Theo các nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích Nga, việc phi hạt nhân hóa khó có thể thực hiện được trong tương lai vì tình hình thực tế nêu trên.

Lý do thứ hai dẫn đến sự hoài nghi của Nga là việc Mỹ và Hàn Quốc quyết định nối lại cuộc tập trận chung sau Thế vận hội Olympic Mùa Đông – vốn được coi là động thái sẽ phá vỡ lập trường hòa giải của hai miền Triều Tiên thời gian gần đây.

Ngoại trưởng Lavrov nhiều lần nhắc lại rằng, việc đóng băng vĩnh viễn các cuộc tập trận quân sự chung của Hoa Kỳ với Hàn Quốc có thể khiến Triều Tiên đưa ra sự thỏa hiệp về chương trình hạt nhân của nước này. Do đó nếu những cuộc tập trận chung này tiếp tục diễn ra sẽ khiến Triều Tiên tức giận lên án hoặc đáp trả. Điều đó không có lợi cho nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Nga, như RT và Sputnik, đã nhiều lần đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực của các cuộc tập trận này trong thời gian gần đây. Những báo cáo tiêu cực này đã được đưa kèm theo tuyên bố cứng rắn và có phần “hiếu chiến” của các nhà lập pháp trong Đảng Cộng hòa, Mỹ cho rằng “một cuộc chiến tiềm tàng”giữa Mỹ và Triều Tiên là khó có thể tránh khỏi và sẽ sớm xảy ra.

Nga sẽ làm gì nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại?

Vấn đề Triều Tiên là một trong số ít những vấn đề ở Châu Á mà Nga tham gia chặt chẽ trong tiến trình ngoại giao đa phương cùng với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Nga không thể đơn phương giải quyết được vấn đề Triều Tiên, nước này có thể xoay chuyển tình thế với việc ủng hộ hoặc phản đối với bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ và đồng minh nhằm giải quyết nó. 

Từ trước đến nay, Điện Kremlin luôn bày tỏ mong muốn đóng vai trò then chốt trong hoạt động ngoại giao trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Vì thế, trong trường hợp cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump thất bại hoặc không xảy ra, Nga có thể hợp tác với Trung Quốc tạo ra một khuôn khổ đa phương mới để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách xoa dịu những quan ngại trong nước về vai trò mờ nhạt của nước này trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chính vì thế nếu Nga đưa ra đề nghị này, Trung Quốc có thể nhanh tay nắm bắt lấy cơ hội.

Thời gian gần đây, Nga và Trung Quốc đã thể hiện tiếng nói chung trong vấn đề Triều Tiên. Chẳng hạn như trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng 7/2017, hai bên đều thể hiện lập trường cho rằng “quan hệ đồng minh giữa các nước riêng biệt phải không gây tổn hại tới các lợi ích của bên thứ ba” và bày tỏ sự phản đối “bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của các lực lượng ngoài khu vực ở Đông Bắc Á” cũng như “việc triển khai các Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)”.

Cuộc gặp kết thúc với cam kết của hai bên đảm bảo một sự cân bằng chiến lược trong khu vực”. Giới quan sát cho rằng, cả Nga và Trung Quốc đều có tầm ảnh hưởng đối với Triều Tiên, do vậy các hành động phối hợp nhanh chóng của hai nước sẽ dẫn đến kết quả khả quan.

Ngoài phối hợp với Trung Quốc, Nga có thể thúc đẩy việc nối lại Đàm phán 6 bên, coi đó là cơ chế thích đáng nhất để đạt được một giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trong phát biểu hôm 16/3, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: “Chúng tôi thường thảo luận cách tiếp cận này với tất cả các quốc gia liên quan, đồng thời hy vọng họ sẽ tham gia cuộc đàm phán. Phía Nga thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn giữa các nhà ngoại giao phụ trách đàm phán 6 bên. Tôi hy vọng rằng việc tìm kiếm giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ nhận được sự ủng hộ của các bên.”/.