Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc trong 2 ngày 4-5/9. Chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh là nhằm xây dựng một nền kinh tế thế giới sáng tạo, khả thi, kết nối với nhau và toàn diện. Ngoài ra, Hội nghị Thượng đỉnh G20 cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận những vấn đề quan tâm toàn cầu.

hoi_nghi_g20_unfv.jpg
Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc ngày 4-5/9 (Ảnh: Reuters).

Một điều rất quan trọng là Hội nghị Thượng đỉnh G20 cũng sẽ là minh chứng cho thấy sự thất bại hoàn toàn của phương Tây hòng cô lập Nga về chính trị. Tại Hội nghị G20 cách đây hai năm tại Australia, sự “tẩy chay” của phương Tây đã khiến bầu không khí của hội nghị trở nên “giá lạnh”, và Tổng thống Nga đã buộc phải rời hội nghị sớm hơn kế hoạch.

Hội nghị Thượng đỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015, không khí đã ấm hơn đối với Nga, báo chí cũng ghi nhận cuộc trò chuyện bất ngờ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề của sự kiện.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay hứa hẹn sẽ có một số cuộc gặp gỡ quan trọng dành cho Tổng thống Nga. Một sự kiện rất được trông đợi là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Theresa May kể từ khi bà nhậm chức. Ông Putin cũng sẽ có các cuộc gặp chính thức khác với các thành viên của tổ chức BRICS trong thời gian diễn ra G20 (BRICS- tổ chức hợp tác kinh tế gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Như vậy có thể thấy, các đối tác của Nga vẫn coi nước này là một đối tác quan trọng, được lắng nghe ý kiến. Thậm chí Bắc Kinh còn đánh tiếng coi Moscow là khách VIP của Hội nghị lần này.

Trang Russia Direct phân tích một số chủ đề quan trọng đối với nước Nga sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lễ ký hiệp định hợp tác tại Moscow (Ảnh: AP).

Tăng cường mối quan hệ Nga - Trung Quốc

Theo ông Gui Congyou, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Âu- Trung Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, "Nga là nền kinh tế lớn trên thế giới, sự hiện diện của Nga tại G20 có tác động mạnh mẽ đến trật tự kinh tế toàn cầu và giải pháp cho những khó khăn kinh tế toàn cầu". Tuy nhiên, nếu nghiên cứu tình hình kinh tế của Nga, thì lời nhận định này mang tính chất nhằm cải thiện quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là nhiều hơn.

Quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lưu ý rằng sẽ có một cuộc họp theo kế hoạch giữa các nguyên thủ quốc gia Nga và Trung Quốc, trong đó sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác Nga-Trung. Kèm theo đó là việc ký kết các hiệp định liên chính phủ, đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ giữa hai nước.

Các chủ đề dự kiến khác trong hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo sẽ bao gồm cả ý tưởng sáp nhập chương trình Con đường tơ lụa và Liên minh kinh tế Á-Âu. Bên cạnh đó có khả năng sẽ thảo luận về một liên minh lớn hơn, bao gồm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Liên minh kinh tế Á-Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bộ Tứ Normandy và Hiệp định Minsk

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể có một cuộc họp không chính thức của ba thành viên Bộ Tứ Normandy – gồm Nga, Đức và Pháp. Hiện đang có những gia tăng đáng kể trong tình trạng bạo lực tại khu vực Donbas. Các quan chức Nga cũng cho rằng, có thể có hành động khủng bố ở Crimea. Liên quan đến Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng một cuộc họp đầy đủ của Bộ Tứ Normandy (bao gồm cả Ukraine) sẽ là "vô nghĩa".

Việc có sự gia tăng tình trạng xung đột Ukraine khiến các nhà phân tích đánh giá lại quan hệ giữa Nga và Ukraine, cũng như khả năng Thỏa thuận Minsk mất hiệu lực.

Nhưng vẫn còn quá sớm để nói về sự tan rã của nhóm Bộ Tứ Normandy.

Chủ đề Ukraine, bằng cách này hay cách khác sẽ được đưa ra tại G20, ngay cả khi không có đủ Bộ Tứ. Ba trong bốn bên sẽ có mặt, vì vậy có khả năng là họ sẽ thảo luận vấn đề này.

Cuộc khủng hoảng Syria

Một chủ đề mà chắc chắn sẽ không thể thiếu là tình hình Syria, và cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Chỉ một năm trước đây, Syria đang trên bờ vực sụp đổ, nhưng với sự hậu thuẫn của Nga (cả quân sự và ngoại giao), tình hình đã trở nên ổn định hơn nhiều. Lực lượng chính phủ Syria đã giải phóng được một số thành phố quan trọng chiến lược khỏi sự chiếm đóng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Nhưng vấn đề Syria còn lâu nữa mới có thể kết thúc. Lực lượng chống chính phủ của ông Assad có thể tận dụng sự “lơi lỏng” trong hợp tác giữa Nga và Mỹ trong khoảnh khắc hòa bình để phản công. Câu hỏi về số phận của ông Assad, cũng như các nhóm có nên coi là "kẻ khủng bố" hay không vẫn chưa được giải quyết.

Các lực lượng Hồi giáo cực đoan lại đang tập hợp lại, bắt đầu phản công, và theo giới truyền thông, nguy cơ các mối đe dọa đang “kéo đến” Aleppo. Lực lượng chính phủ đang rất suy yếu, nên họ chỉ có thể bảo vệ các mục tiêu của họ. Tình hình như vậy đòi hỏi Mỹ và Nga cần tăng cường hợp tác và viện trợ. Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể là một dịp để lãnh đạo 2 nước thảo luận về vấn đề quan trọng này.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở lại là bạn bè

Thực tế cho thấy, vấn đề Syria không thể giải quyết nếu không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ trước sau đều có thái độ không khoan nhượng đối với ông Assad và tương lai Syria. Chính vì thái độ đó, mà Thổ Nhĩ Kỳ đã có hành vi “phá hoại” khi bắn hạ máy bay Nga. Hành động này đã khiến mối quan hệ giữa Putin và Erdogan căng thẳng cực độ và đã có lúc ở bên bờ vực của một cuộc đối đầu quân sự.

Chiến lược chính trị này làm hỏng các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với gần như tất cả các nước láng giềng. Nó cũng là một trong những lý do dẫn đến cuộc đảo chính (đã thất bại), các quan chức chính phủ sau đó đã kiểm soát được tình hình. Điều này khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ phải thay đổi phương thức của mình. Đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương cải thiện quan hệ với Israel, và sau đó Tổng thống Erdogan đến St Petersburg để hàn gắn quan hệ với Nga, và Putin sau đó đã tuyên bố rằng, quan hệ đã trở lại bình thường giữa hai quốc gia.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ xuất hiện bên nhau như bạn bè, và sẽ thảo luận về một số vấn đề mà 2 bên quan tâm, chẳng hạn như tình hình Trung Đông và Syria thời hậu chiến. Ông Erdogan đã thừa nhận rằng ông Assad có thể đóng một vai trò trong chính phủ chuyển tiếp của Syria. Ông cũng trông đợi sự bình thường hóa hơn nữa các mối quan hệ với Nga, trong đó có chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, và xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ với sự giúp đỡ của Nga./.