TheoAFP, tuyên bố trên được một quan chức điện Kremlin đưa ra ngày 22/11 sau khi Tổng thống Nga Putin gặp gỡ lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Loại trừ “mối đe dọa từ Mỹ”
Các chuyên gia cho rằng, quyết tâm này của Nga và Iran là câu trả lời trực tiếp cho những hòi đỏi gần đây của Mỹ, Pháp, Anh và Saudi Arabia rằng ông Assad phải từ chức và không được đóng vai trò gì trong tương lai của Syria.
Người phát ngôn điện Kremlin cho biết, cuộc gặp kéo dài 90 phút giữa ông Putin và giáo chủ Khamenei “mang tính xây dựng” và kéo dài hơn dự kiến. Cả hai bên đều “chia sẻ những quan điểm chung về tình hình Syria”.
Ông Putin (trái) trao đổi về tình hình Syria với Giáo chủ Khamenei. Ảnh Reuters |
Theo đó, Nga và Iran quyết chống lại “mọi nỗ lực từ bên ngoài nhằm cản trở tiến trình hòa giải về chính trị tại Syria” và chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định tương lai của ông Assad trong các cuộc bầu cử sắp tới sau khi một lệnh ngừng bắn được thực thi.
Giáo chủ Khamenei cáo buộc Mỹ “từ lâu đã có mưu đồ” thống trị Syria và Trung Đông và tìm cách “gây bất lợi cho mọi quốc gia, đặc biệt là Nga và Iran. Thất bại trong các mục tiêu về quân sự tại Syria đã buộc Mỹ tìm cách đạt được các mục tiêu này bằng con đường chính trị”.
“Mối đe dọa này của Mỹ cần phải bị loại trừ một cách khôn khéo với sự hợp tác chặt chẽ [giữa Iran và Nga]”, ông Khamenei nói.
“Tổng thống Syria được lựa chọn bởi những người thuộc các đảng phái chính trị, tôn giáo và sắc tộc khác nhau trong một tổng tuyển cử hợp pháp. Mỹ không thể phớt lờ phiếu bầu và sự lựa chọn của người dân Syria”, ông Khamenei nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, ông Putin nhấn mạnh: “Không ai từ bên ngoài có thể áp đặt lên người dân Syria bất kỳ một luật lệ nào và cũng không ai từ bên ngoài có thể áp đặt được việc ai sẽ điều hành Syria”.
Hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề Syria
Trong bối cảnh các quốc gia chống lại ông Assad do Mỹ đứng đầu liên tục cáo buộc chính quyền Syria có những hành động tấn công người dân của mình như thả bom thùng tấn công thường dân và vì thế mất đi mọi quyền hợp pháp của mình nên phải từ chức, Nga và Iran ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm phản bác những cáo buộc này.
Hiện cả Nga và phương Tây cùng đang nỗ lực tăng cường các hoạt động không kích chống lại IS sau khi chúng tuyên bố nhận trách nhiệm vụ gài bom trên chiếc máy bay Nga gặp nạn khi đang bay trên bán đảo Sinai của Ai Cập ngày 31/10 khiến toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng và vụ đánh bom khủng bố tại Paris đêm 13/11 khiến ít nhất 130 người thiệt mạng.
Mới đây nhất, các máy bay chiến đấu của Pháp ngày 23/11 đã lần đầu tiên cất cánh từ tàu sân bay Charles de Gaulle để không kích IS ở Syria và Iraq sau khi chiếc tàu này được điều đến phía Đông Địa Trung Hải.
Trong khi đó, kể từ khi bắt đầu các cuộc không kích của mình ở Syria vào ngày 30/9, Nga đã liên tục tăng cường cường độ các cuộc tấn công và điều động cả những máy bay ném bom chiến lược hiện đại của mình tham gia tấn công các vị trí của IS sau khi giới chức nước này khẳng định có bằng chứng cho thấy chiếc máy bay của Nga bị gài bom.
Các máy bay chiến đấu của Nga liên tục tấn công các mục tiêu IS ở Syria. Ảnh AP |
Cả Nga và Iran đều đang tìm cách kiềm chế những ảnh hưởng của Mỹ trong vấn đề Syria. Iran đã cử các chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng nước này sang Syria nhằm đóng vai trò cố vấn cho lực lượng quân đội Syria.
Tìm cách tăng cường trao đổi thương mại, buôn bán vũ khí
Trên bình diện kinh tế, Nga và Iran đang tìm cách thúc đẩy trao đổi thương mại ngay khi lệnh trừng phạt nhằm vào Iran được dỡ bảo theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đạt được với nhóm P5+1.
Tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về Dầu khí ở Iran ngày 23/11, Tổng thống Nga Putin đã đứng cạnh Tổng thống Iran Rowhani, một dấu hiệu cho thấy cả hai nước quyết tâm tăng cường mối quan hệ hợp tác về dầu khí.
Tổng thống Nga Putin (trái) bắt tay người đồng cấp Iran Rowhani tại Hội nghị Thượng đỉnh về Dầu khí. Ảnh AFP |
Ngoài ra, Nga cũng là đối tác xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Iran từ nhiều năm nay bất chấp việc trước đó mối quan hệ của hai nước đã trải qua nhiều sóng gió trong quá khứ.
Dự kiến, việc bàn giao hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-300 của Nga cho Iran sẽ diễn ra vào cuối năm 2015 sau nhiều lần trì hoãn.
Cũng trong chuyến thăm Iran của ông Putin, điệm Kremlin tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các công ty của Nga tham gia hoạt động làm giàu Urani tại các cơ sở hạt nhân của Iran sau thỏa thuận hạt nhân của Iran./.