TheoAP, yêu cầu của phía Nga vấp phải phản ứng của các quan chức quân sự Mỹ bởi họ cho rằng, điều này sẽ tạo điều kiện để Nga thu thập các thông tin tình báo về Mỹ.

may_bay_nga_lcnt.jpg
Máy bay Antonov An-30 được Nga sử dụng để thực hiện các chuyến bay giám sát bầu trời các nước theo Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh Không quân Nga

Mỹ “đau đầu” trước yêu cầu của Nga

Cả Nga và Mỹ đều là nước ký phê chuẩn Hiệp ước Bầu trời Mở cho phép các máy bay giám sát không trang bị vũ khí bay qua toàn bộ lãnh thổ của 34 quốc gia thành viên của Hiệp ước nói trên nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong các hoạt động quân sự và giám sát vũ khí của các nước.

Chính vì vậy, yêu cầu của phía Nga đặt Chính phủ Mỹ vào thế phải cân nhắc liệu có cho phép Nga đặt những trang thiết bị quan sát hiện đại lên các máy bay giám sát của mình hay không, nhất là khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo cho thấy Nga không thực thi đầy đủ bổn phận của mình đối với Hiệp ước Bầu trời Mở.

Ngoài ra, yêu cầu của phía Nga được cho là khá “nhạy cảm” khi quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức căng thẳng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau những bất đồng giữa 2 nước xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cuộc nội chiến ở Syria.

“Hiệp ước này đã trở thành công cụ quan trọng để Nga thu thập thông tin tình báo trực tiếp về Mỹ”, Đô đốc Cecil D. Haney, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược của Mỹ viết trong bức thư gửi Nghị sĩ Mike Rogers, Chủ tịch Tiểu ban Các lực lượng Chiến lược Hạ viện Mỹ.

Cũng trong bức thư này, ông Haney nhấn mạnh: “Không chỉ bay qua các địa điểm quân sự của Mỹ, các chuyến bay theo Hiệp ước Bầu trời Mở của Nga có thể bay qua các công trình thuộc Bộ Quốc phòng, các cơ quan an ninh và các cơ quan quan trọng của Mỹ. Nguy cơ để lộ thông tin tình báo và việc những thông tin này bị lộ cũng như cái giá phải trả để giải quyết việc này là cực kỳ khó để đánh giá hết”.

Nga có thu được gì từ việc này?

Trước đó, ngày 21/2, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các nước tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở chưa nhận được thông báo từ phía Nga. Chính vì vậy, Nga chỉ có thể làm được điều này vào mùa Hè năm nay bởi Hiệp ước này yêu cầu nước muốn thực hiện các chuyến bay giám sát phải báo trước cho các nước khác 120 ngày trước khi thực hiện chuyến bay của mình.

Cũng theo quan chức này, Hiệp ước Bầu trời Mở đã có hiệu lực từ năm 2002, trong đó quy định về các thủ tục cấp phép cho các thiết bị giám sát để đảm bảo các thiết bị này tuân thủ các quy định nói trên.

Quan chức này cho biết, các nước tham gia Hiệp ước nhất trí rằng “việc chuyển từ sử dụng camera thông thường sang camera số là cần thiết để đảm bảo tính phù hợp về lâu dài của Hiệp ước”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Rose Gottemoeller cho rằng, Nga sẽ không thu được gì nhiều từ hoạt động bay giám sát bầu trời Mỹ. Ảnh AP

Trước đó, hồi tháng 12/2015, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Rose Gottemoeller đã lên tiếng trấn an những quan ngại về các chuyến bay giám sát của Nga và khẳng định, những gì Nga thu được từ hoạt động này “không đáng gì” so với những gì họ thu thập được từ những hoạt động khác.

“Một trong những lợi ích của Hiệp ước Bầu trời Mở là mọi thông tin hình ảnh mà một nước chụp trong quá trình bay giám sát sẽ được chia sẻ với tất cả các nước tham gia Hiệp ước. Chính vì thế, chúng ta có thể biết chắc chắn những gì mà Nga sẽ chụp lại vì họ phải chia sẻ những hình ảnh này với chúng ta”, bà Gottemoeller nhấn mạnh.

Mỹ cáo buộc Nga đang lợi dụng Hiệp ước vì lợi ích riêng

Dù vậy, các quan chức quân sự và tình báo Mỹ vẫn bày tỏ hết sức quan ngại về việc này: “Hiệp ước Bầu trời Mở được đưa ra vì mục đích khác”, Trung tướng Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, tuyên bố trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về yêu cầu của phía Nga: “Tôi rất lo ngại về việc Hiệp ước này được áp dụng như thế nào trong trường hợp này”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work cũng phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng: “Chúng tôi cho rằng, những gì họ [Nga] sắp làm vượt quá ý định ban đầu của Hiệp ước này và chúng tôi sẽ theo rất sát việc này”.

Máy bay OC-135 được Mỹ sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bay giám sát theo Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh Không quân Mỹ

Trước đó, hồi tháng 10/2015 trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc hợp tác an ninh với châu Âu, ông Steve Rademaker, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cho biết, Nga tuân thủ khá đầy đủ Hiệp ước Bầu trời Mở nhưng “vẫn thực hiện một số biện pháp được cho là không phù hợp với tinh thần của Hiệp ước này”.

Theo đó, Hiệp ước này yêu cầu mọi quốc gia thành viên phải cho phép các nước thực hiện bay giám sát có thể bay qua mọi khu vực thuộc lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Nga lại không cho các nước này bay qua Moscow, Chechnya, Abkhazia và Nam Ossetia.

Cũng theo ông Rademaker, việc Nga hạn chế như vậy sẽ khiến các nước rất khó giám sát các khu vực nói trên và khẳng định, Nga thực hiện Hiệp ước Bầu trời Mở “một cách có chọn lọc nhằm phục vụ cho lợi ích của mình”./.