Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua ra lệnh đình chỉ thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Ukraine nhằm phản đối FTA giữa Ukraine và Liên minh châu Âu. Phản ứng trước quyết định của Nga, trong khi chính phủ Ukraine tuyên bố “sẵn sàng trả giá”, thì Liên minh châu Âu lại cho rằng, mọi chuyện vẫn có thể cứu vãn. 

putin_uk_plqs.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đình chỉ FTA với Ukraine (Ảnh AFP).

Chính phủ Ukraine hôm qua tuyên bố sẵn sàng trả giá để đạt được Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, chỉ vài giờ sau khi Nga quyết định đình chỉ “các thỏa thuận thương mại ưu tiên” giữa hai nước. Hiệp định thương mại tự do giữa Ukraine và Liên minh châu Âu, dự kiến có hiệu lực từ đầu năm tới đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga khi cho rằng, văn kiện này gây bất lợi cho nền kinh tế Nga. 

Sau nhiều lần thương lượng bất thành, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua ra lệnh đình chỉ các thỏa thuận ưu tiên đạt được năm 2011 với Ukraine và quyết định cũng có hiệu lực từ đầu năm tới. Theo Tổng thống Nga, hành động của Nga là do những tình huống đặc biệt đang gây ảnh hưởng tới những lợi ích và an ninh kinh tế của Nga. Hiệp định thương mại giữa Ukraine và Liên minh châu Âu có thể dẫn đến cơn lũ hàng hóa từ các nước châu Âu tràn vào Nga, đồng thời làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Nga sang Ukraine.

Phản ứng trước quyết định này, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang ở thăm Brussells tuyên bố, thỏa thuận giữa Ukraine và Liên minh châu Âu sẽ vẫn có hiệu lực đúng như dự kiến vào ngày 1/1 năm sau và sẽ không có bất kỳ sự trì hoãn nào: “Ukraine ý thức được những hạn chế và tác động của những biện pháp này đối với nền kinh tế Ukraine. Song chúng tôi sẵn sàng trả giá vì tự do và sự lựa chọn châu Âu của mình”.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Ảnh AFP).

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker tuyên bố, cuộc gặp về các vấn đề thương mại dự kiến vào đầu tuần tới tại Brussels giữa Liên minh châu Âu, Ukraine và Nga cần phải diễn ra như đúng kế hoạch. Theo ông, đây là cơ hội cuối cùng  để thuyết phục Nga đồng ý với Hiệp định thương mại tự do giữa Ukraine và Liên minh châu Âu:

“Ukraine đã đạt được nhiều bước tiến trong những tháng vừa qua. Tôi hi vọng chúng ta có thể tìm được một sự thỏa hiệp. Châu Âu sẽ vẫn tiếp tục những bước đi của mình, Ukraine cũng phải tiếp tục đường hướng cải cách và Nga phải thay đổi lập trường của mình.”

Trên thực tế, Hiệp định thương mại tự do giữa Ukraine và Liên minh châu Âu là bằng chứng rõ nhất cho thấy quyết tâm hướng Tây của Ukraine và là nguyên nhân dẫn tới những căng thẳng kinh tế, chính trị hiện nay tại Ukraine, cũng như mối bất hòa giữa Nga và phương Tây. Tại Hội nghị cấp cao diễn ra hôm nay tại Brussels, 28 quốc gia Liên minh châu Âu có thể sẽ gia hạn lệnh trừng phạt Nga do liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, những tuyên bố có phần không đồng nhất giữa Ukraine và Liên minh châu Âu về quyết định của Nga đã cho thấy, Liên minh châu Âu dù ủng hộ Ukraine, song cũng không muốn đẩy căng thẳng với Nga tới chỗ không thể cứu vãn. Bởi nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu như Italia và Hy Lạp có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Nga. 

Hơn nữa, việc cả Nga và Liên  minh châu Âu đều cứng rắn sẽ chẳng có lợi cho bên nào. Liên minh châu Âu hiểu rằng sẽ không thể tạo ra liều thuốc thần kỳ để vực dậy nền kinh tế, chính trị Ukraine mà không có Nga, trong khi Nga dù từng chứng tỏ khả năng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để đổi lấy việc duy trì vị thế chiến lược của mình tại khu vực, cũng chưa biết có thể cầm cự được bao lâu nếu tình trạng này kéo dài./.