TheoReutersđề xuất này được cho là xuất phát từ một dự thảo mà Reuters cho rằng mình nhận được từ phía Nga. Cũng theo bản dự thảo này, sau kết hoạch cải cách này, Syria sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống trước thời hạn.

putin_lfcj.jpg
Tổng thống Syria Assad và người đồng cấp Nga Putin gặp nhau ngày 20/10 trong chuyến công du bất ngờ đến Nga của ông Assad. Ảnh Reuters

Nga muốn phe đối lập tham gia đàm phán

Cũng theo Reuters, dự thảo gồm 8 điểm này được Nga dự kiến đưa ra trong cuộc đàm phán quốc tế về Syria vào cuối tuần này. Dự thảo này không loại trừ khả năng Tổng thống Bashar al- Assad sẽ tham gia vào tiến trình bầu cử này điều mà Mỹ, phương Tây và phe đối lập cho là “bất khả thi” để có thể đạt được nền hòa bình ở Syria.

Bản dự thảo này nêu rõ: “Tổng thống dân cử mới tại Syria sẽ nắm quyền Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, kiểm soát các lực lượng đặc nhiệm và thực thi các chính sách đối ngoại”.

Ngoài ra, bản dự thảo này cũng nhấn mạnh, tại cuộc họp sắp tới dự kiến do Liên Hợp Quốc điều hành, các phe phái tại Syria cần phải thống nhất các bước đi cần thiết cho tiến trình cải cách và người thực thi quá trình này không nhất thiết phải là ông Assad mà có thể là bất kỳ một ứng cử viên nào được các bên chấp thuận.

Cũng theo bản dự thảo này, các phe phái đối lập Syria nếu muốn tham gia vào tiến tình cải cách tại quốc gia Trung Đông này phải “thành lập một phái đoàn chung” và phải được chấp thuận từ trước.

“Họ cần phải chia sẻ mục tiêu chiến đấu chống khủng bố nếu muốn tham gia nắm quyền tại Syria và phải đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập về chính trị tại nước này cũng như đảm bảo tính dân chủ của đất nước”, dự thảo này nêu rõ.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng phủ nhận việc Nga chuẩn bị văn bản nói trên. “Thông tin này là hoàn toàn không đúng”, bà Zakharova nói.

Theo bà Zakharova, tại cuộc gặp sắp tới ở Vienna vào cuối tuần này, Nga sẽ chỉ tập trung vào 2 vấn đề chính.

“Đầu tiên là cần phải hệ thống lại và thống nhất về quan điểm rằng phe phái nào là khủng bố tại Syria và điều thứ 2 là cần phải thiết lập một danh sách những người đại diện cho phe đối lập ở Syria có thể tham gia đàm phán với Chính phủ nước này”, bà Zakharova nói.

“Sự chuẩn bị của chúng tôi cho cuộc gặp tại Viennna là dựa trên những tài liệu được thông qua ngày 30/10”, bà Zakharova cho biết thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ thông tin mà Reuters đưa ra. Ảnh Sputnik News

Nga hiện đang thúc đẩy những nổ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Tại vòng đàm phán đầu tiên ở Vienna ngày 30/10, nước này đề xuất phe đối lập cần phải được tham gia vào các cuộc đối thoại trong tương lai.

Ông Assad vẫn là “cái gai” trong mắt phương Tây

Tuy nhiên, với việc Mỹ và phương Tây vẫn cứng rắn trong việc ông Assad phải ra đi, đề xuất của Nga nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt.

“Làm sao chúng ta có thể mang đến hòa bình cho một đất nước đã phải trải qua cuộc nội chiến tàn khốc khiến 250.000- 300.000 người thiệt mạng trong khi không loại bỏ mầm mống gây ra cuộc nội chiến đó?”, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đặt ra câu hỏi vào ngày 9/11.

“Chúng tôi không tin rằng, chúng tôi có thể đưa được phe đối lập tham gia vào tiến trình cải cách chính trị tại Syria và có thể đạt được một lệnh ngừng bắn thực chất tại quốc gia này trừ khi chúng tôi có thể làm rõ được thời điểm ông Assad phải ra đi”, ông Hammond tuyên bố.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond phản đối mạnh mẽ đề xuất được cho là Nga sẽ đưa ra tại Hội nghị Vienna về Syria vào cuối tuần này. Ảnh AP

Trước đó, ông Assad từng giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 6/2014 và tiếp tục một nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 7 năm ở Syria. Tuy nhiên, phe đối lập đã bác bỏ cuộc bầu cử này và cho rằng có gian lận. Trong khi đó, Quốc hội Syria sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 5 tới.

Các nhà ngoại giao phương Tây cũng cho rằng, rất khó để thuyết phục các quốc gia chống lại ông Assad có thể chấp thuận dự thảo do Nga đưa ra.

“Đề xuất đó không phù hợp với đa số các bên tham gia”, một nhà ngoại giap phương Tây nhận định và cho biết, những bên tham gia bất đồng với cách tiếp cận của Nga trong vấn đề Syria sẽ nổ lực để những câu chữ trong bản dự thảo này không trở thành vấn đề cốt lõi cần bàn trong cuộc gặp sắp tới.

Ngoài ra, bản dự thảo mà Reuters cho rằng Nga sắp đưa ra nói trên cũng nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn tại Syria sẽ không được áp dụng đối với các cuộc không kích và tấn công nhằm vào IS và các nhóm khủng bố khác.

Một nhà ngoại giao phương Tây khác nhận định, Nga muốn sử dụng thuật ngữ “nhóm khủng bố khác” để nhằm vào mọi phe phái đối lập tại Syria chứ không riêng gì IS và Tổ chức Mặt trận al- Nusra.

“Nga muốn danh sách này sẽ có tên của mọi nhóm phiến quân ngoại trừ IS. Điều này cũng đồng nghĩa với việc danh sách này sẽ có các nhóm chống Chính phủ Syria”, nhà ngoại giao này nói thêm./.