Ngày 22/4, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) sẽ diễn ra lễ ký Thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu. Lễ ký này là sự khẳng định của các quốc gia thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC) với thỏa thuận tại Hội nghị COP21 Paris tháng 12/2015, tạo cơ sở pháp lý để thỏa thuận này chính thức có hiệu lực. Bản thỏa thận này sẽ thay thế cho Nghị định thư Kyoto, hết hạn vào năm 2020.
Thỏa thuận tại Hội nghị COP21 Paris tháng 12/2015 sẽ thay thế cho Nghị định thư Kyoto, hết hạn vào năm 2020. (Ảnh: mediapart) |
Những tín hiệu lạc quan Thỏa thuận COP21 Paris được lãnh đạo các nước hoan nghênh, đánh giá đây là "một thỏa thuận lịch sử", "một tín hiệu hy vọng cho tương lai của hàng tỷ người trên thế giới và cho các thế hệ sau”, là “khuôn khổ bền vững để đối phó với biến đổi khí hậu”, tuy nhiên cũng cảnh báo chặng đường dài phía trước trong việc thực hiện nghiêm túc cam kết thỏa thuận.
Theo quy định, Thỏa thuận COP21 Paris chỉ có hiệu lực nếu được ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, cùng phê chuẩn. Lễ ký kết ngày 22/4 tại New York chỉ mang tính thủ tục, bởi theo Bộ trưởng Môi trường Pháp Selogène Royale, Chủ tịch Hội nghị, cho tới thời điểm này, đã có 130 nước cam kết phê chuẩn Thỏa thuận COP21. Một con số khá khả quan so với mục tiêu đề ra là lấy được 100 chữ ký, trong số đó có các nước lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Trung Quốc…
Biển đổi khí hậu đang tác động đến cuộc sống của mọi người dân trên thế giới. (Ảnh: theconversation) |
Như vậy có thể thấy, vượt qua những toan tính lợi ích cá nhân, các quốc gia chủ chốt đã lần đầu tiên đạt sự đồng thuận và thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Quyết tâm ấy xuất phát từ việc ý thức được về những hệ quả ghê gớm từ biến đổi khí hậu: băng tan, nước biển dâng cao khiến nhiều khu vực duyên hải bị ngập mặn; hiệu ứng elnino và lanina gây lụt lội, hạn hán, bão, lốc..ở mọi nơi; hệ sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng; bệnh dịch phát triển tràn lan...
Còn nhiều trở ngại
Việc tại New York, các nước phê chuẩn Thỏa thuận COP21 Paris là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ trái đất trước mối đe dọa biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để áp dụng những thỏa thuận trên giấy ra thực tiễn là cả một khoảng cách.
Những trở ngại xuất hiện ngay trong lòng những quốc gia đi tiên phong. Cam kết giảm 40% lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030, nhưng Pháp đang gặp khó khăn trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Năng lượng gió, pin mặt trời, sóng biển...vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cấu trúc năng lượng của Pháp. Đó là chưa kể, Pháp đang đứng trước mâu thuẫn giữa việc hủy bỏ và duy trì tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân, bởi đây là nguồn cung năng lượng chủ yếu của nước này nhưng cũng là mối đe dọa môi trường tiềm tàng.
Cam kết giảm 40% lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030, nhưng Pháp đang gặp khó khăn trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. (Ảnh: meteomedia) |
Nước Mỹ thời cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama có sự thay đổi thái độ lớn trước vấn đề khi đưa ra dự án "Clean Power" từ nay đến năm 2030 giảm 32% khí thải CO2, cao hơn cam kết đưa ra trước đó là từ 26-28%. Tuy nhiên, quyết định này đang gặp sự phản đối của đảng Cộng hòa gắn liền với thực tế tại Mỹ hiện có đến 40% năng lượng được sản xuất từ các nhà máy điện chạy than. 14 tiểu bang như Kentucky, Colorado hay Wyoming..., lượng điện sản xuất chủ yếu từ than đá.
Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin...những nước mới nổi có lương khí thải CO2 rất lớn, nhưng chỉ đưa ra cam kết vào phú chót và nhiều khả năng không thể thực hiện chúng nếu xét cơ cấu nguồn cung năng lượng ở những nước này vẫn có tỷ lệ lớn từ than đá và không thể chuyển sang năng lượng tái tạo một sớm một chiều do vấn đề công nghệ và các chi phí kèm theo.
Các nước xuất khẩu dầu lửa như Saudi Arabia, Iran...và một loạt các nước đang phát triển khác ở châu Phi, chấu Á-Thái Bình Dương và Mỹ Latin, nơi vẫn dựa chủ yếu vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Vấn đề đặt ra giờ đây là việc thực hiện nghiêm túc thỏa thuận.
Theo lộ trình, sau khi Thỏa thuận COP21 được ký kết tại New York, ngày 2/5 Ban Thư ký của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hâu sẽ công bố báo cáo tổng hợp về cam kết của các quốc gia thành viên. Và 2 tuần sau đó sẽ khai mạc hội nghị thường niên tại Bonn (Đức), nơi sẽ bầu ra một ủy ban thường trực thực hiện Thỏa thuận COP21 Paris.
Con đường phía trước còn dài, nhưng lễ ký kết Thỏa thuận COP21 tại New York là mốc lịch sử trên con đường bảo vệ hành tinh Xanh, đánh dấu đỉnh cao vai trò Chủ tịch của Pháp trước khi chuyển giao cho Morocco, nước chủ nhà của hội nghị COP22 tại Marrakech vào tháng 11 tới./.