Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/3 lên tiếng phản đối quyết định của Chính phủ Venezuela yêu cầu trong vòng 15 ngày Đại sứ quán Mỹ tại Caracas phải cắt giảm 80% nhân sự, đồng thời sẽ xem xét các biện pháp ngoại giao đáp trả.
Venezuela trước đó cũng áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, nhằm trả đũa việc Mỹ hạn chế thị thực đối với một số quan chức Venezuela. Đây là một loạt căng thẳng mới xảy ra trong mối quan hệ vốn “đầy sóng gió” giữa hai quốc gia này.
Mỹ ngày 3/3 cho biết sẽ có các biện pháp phản ứng qua các kênh ngoại giao đối với yêu cầu của Venezuela cắt giảm nhân viên Đại sứ quán tại Caracas. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, chính phủ Venezuela yêu cầu Mỹ đệ trình một kế hoạch trong vòng 15 ngày giảm nhân viên tại Đại sứ quán ở Caracas.
Tuy nhiên, phía Venezuela không xác định rõ danh tính quan chức Mỹ nào cần phải rời khỏi Venezuela. Bà Marie Harf cũng cho biết, Mỹ bày tỏ lo ngại về những biện pháp trừng phạt mới của Venezuela gần đây nhằm vào các quan chức Mỹ: “Bộ Ngoại giao Mỹ đã có cuộc thảo luận với các đại diện của Mỹ tại Caracas về những thông báo thị thực mới mà chính phủ Venezuela đưa ra gần đây. Bộ ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về những thông báo được đưa ra và chúng tôi vẫn đang theo dõi diễn biến tình hình chặt chẽ”.
Phản ứng của Mỹ đưa ra sau khi Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez ấn định thời hạn chót rút nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Caracas: “Chúng tôi yêu cầu Đại sứ quán Mỹ trong vòng 15 ngày phải giảm 80% số lượng nhân viên ngoại giao đang hoạt động tại Venezula. Theo đó giảm từ 100 người xuống còn 17 người, đúng bằng số lượng nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Venezuela đặt tại Washington”
Trước đó, Venezuela cũng tiến hành một loạt biện pháp mạnh khác, trong đó có việc áp dụng quy chế thị thực bắt buộc đối với công dân Mỹ muốn nhập cảnh Venezuela, bao gồm cả khách du lịch.
Bước đi này được cho là nhằm “ trả đũa” việc Mỹ hôm 20/2 áp đặt những hạn chế về thị thực mới đối với một số quan chức Venezuela và cả những người nhà gần gũi nhất của họ, mà Mỹ cho rằng có liên quan tới các vụ vi phạm nhân quyền và tham nhũng.
Ngay sau khi lên nắm quyền cách đây 2 năm, Chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đưa ra những bước đi khiến dư luận hi vọng một chương mới sẽ được mở ra trong mối quan hệ với Mỹ thời kì “hậu Chavez”. Tuy nhiên, con đường bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia này luôn vấp phải những rào cản, bởi các cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Chính phủ Tổng thống Maduro gần đây liên tục tố cáo Mỹ kích động lực lượng đối lập Venezuela, gây bất ổn thông qua các cuộc biểu tình bạo lực và cả các biện pháp kinh tế như đầu cơ tích trữ nhu yếu phẩm, nhằm làm suy yếu và lật đổ chính quyền.
Hiện chưa rõ những phản ứng cụ thể của Mỹ sau hàng loạt biện pháp trừng phạt của Venezuela gần đây, nhưng giới quan sát đều cho rằng, bất chấp những sóng gió trên chính trường ngoại giao, Mỹ và Venezuela đều không muốn đưa ra những bước đi có thể hạn chế hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ.
Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu dầu mỏ quan trọng nhất của Venezuela. Là hai quốc gia lớn trong khu vực, nên mối quan hệ Mỹ-Venezuela cũng có nhiều yếu tố tác động đến tình hình kinh tế chung của nhiều nước.
Trong một động thái giúp Mỹ- Venezuela này xích lại gần nhau, Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) nhất trí thúc đẩy các kênh đối thoại giữa hai quốc gia, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Tổng thống Maduro ngày 3/3 cũng thông báo, một nhóm đại biểu của Liên minh các nước Nam Mỹ sẽ đến nước này vào cuối tuần nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa bình.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Maduro có thể sẽ gặp nhau trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao châu Mỹ tổ chức tại Panama vào hai ngày 10-11/4 tới./.