Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết “không nhượng bộ” Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề mục sư bị bắt giữ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ “phát động chiến tranh kinh tế”, tuy nhiên khẳng định nước này đủ sức vượt qua thách thức.

trump_erdogan_jrum.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: Newsweek)

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quả quyết sẽ không quay trở lại cuộc tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới vấn đề mục sư Andrew Brunson bị giam giữ. Theo người đứng đầu nước Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đang “phạm sai lầm khủng khiếp” nhưng Mỹ sẽ không nhượng bộ.

Những tuyên bố cứng rắn này được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt “các biện pháp trừng phạt lớn” nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thả linh mục Brunson. Nhà lãnh đạo này thậm chí còn nhấn mạnh, chính quyền Mỹ sẵn sàng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng trước các động thái của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối hành động “đâm sau lưng” của Mỹ khi lưu ý rằng Washington là đối tác chiến lược của Ankara trong NATO.

Hối thúc Mỹ hủy bỏ quyết định trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các động thái gần đây của Mỹ làm phương hại tới những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng vừa phản đối gay gắt những hành động của Mỹ được cho là châm ngòi cho một cuộc chiến tranh kinh tế. Đề cập cuộc khủng hoảng tiền tệ gần đây gây ra bởi áp lực kinh tế từ Mỹ như một cuộc tấn công trực diện vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan hôm qua khẳng định, “không có gì khác biệt giữa cuộc tấn công vào nền kinh tế và cuộc tấn công vào lá cờ của chúng tôi”.

“Mục đích cũng giống nhau, đó là khiến Thổ Nhĩ Kỳ và người dân nước này phải quỳ gối và khiến họ phải trở thành những con tin” - Tổng thống Erdogan nói rõ.

Thực tế trong quá khứ, quan hệ giữa hai đồng minh này đã gặp không ít trục trặc. Mỹ từng lớn tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang có những hoạt động “làm phương hại đến lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới”, đồng thời cảnh báo sẽ mạnh tay nếu đồng minh này chạy theo Nga.

Trong khi những căng thẳng ngoại giao chưa kịp lắng xuống, vụ bắt giữ mục sư người Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ như “giọt nước tràn ly” đẩy quan hệ hai bên xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi thành lập NATO.

Mối quan hệ sóng gió giữa hai bên tiếp tục bị đẩy lên cao trào khi Mỹ ra tay trừng phạt trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dọa có thể đi tìm những người bạn và đồng minh mới nếu không nhận thấy thêm sự tôn trọng và một mối quan hệ “có đi có lại” với Mỹ.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ “không yên ả vào thời điểm này", thậm chí là đang trong giai đoạn lạnh nhạt và thiếu tin tưởng lẫn nhau, dẫu vậy một thực tế hai bên cần nhận thức rõ được rằng việc gắn các xung đột chính trị và pháp lý với vấn đề hợp tác kinh tế chắc chắn ít nhiều sẽ tổn hại tới các mối quan hệ song phương.

Theo giới quan sát, điều cần thiết lúc này là sớm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ mâu thuẫn giữa đồng minh và đối tác không dễ cắt đứt bởi những ràng buộc lợi ích chiến lược.

Thời điểm này Mỹ cần hết sức kiềm chế, tìm kiếm một giải pháp ngoại giao phù hợp, không để vấn đề tranh cãi liên quan tới mục sư Brunson có thể gây trở ngại đến lợi ích của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài những tổn thất về kinh tế, thì căng thẳng ngoại giao giữa Ankara và Washington một khi bị đẩy tới đỉnh điểm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều phương diện hợp tác khác, trong đó bao gồm cả quan hệ quân sự. Chẳng vậy mà, các nhà phân tích cũng cảnh báo Mỹ nên tránh những bước đi sai lầm nếu không muốn thấy căn cứ quân sự Incirlik của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng cửa.

Có vẻ như phía Mỹ cũng nhận thức rõ được vấn đề này, khi Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua khẳng định, mối quan hệ giữa quân đội hai nước sẽ không bị xấu đi.

Phát biểu trước báo giới khi được hỏi liệu việc trả đũa lẫn nhau có ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO hay không, người phát ngôn Lầu Năm Góc Rob Manning nhấn mạnh không có sự gián đoạn nào trong mối quan hệ giữa quân đội hai nước. Đến bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn vừa nhắc lại mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ giữa ông với Tổng thống Erdogan.

Rõ ràng với những lợi ích gắn kết và cơ chế ảnh hưởng lẫn nhau, thì cho dù có đang trong giai đoạn quan hệ chạm đáy với những màn khẩu chiến tưởng chừng như không có hồi kết, nhưng từ thực tế nhìn ra trông rộng, xét về phương diện chiến lược, thì Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần tới nhau./.