Cuộc gặp không chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại California đã kết thúc vào sáng 9/6 (theo giờ Việt Nam) với nhiều kết quả tích cực. Cuộc gặp này không chỉ góp phần định hướng quan hệ của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm tới mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới tình hình an ninh và kinh tế toàn cầu.

Phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Mỹ phỏng vấn bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ.

PV: Xin cảm ơn bà đã nhận lời tham gia chương trình của Đài TNVN. Trước hết, xin bà đánh giá những nét chính trong cuộc gặp vừa qua giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình?    

Bà Glaser: Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính chiến lược đối với quan hệ Mỹ-Trung. Hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo rất nhiều vấn đề như tầm quan trọng của hợp tác song phương đối với thế giới, những thách thức mà 2 bên đang đối mặt, vai trò của kinh tế mỗi nước cũng như quan hệ kinh tế Mỹ-Trung đối với kinh tế toàn cầu. Hai nguyên thủ cũng thảo luận về các vấn đề an ninh như chương trình hạt nhân của Triều Tiên và an ninh mạng.

my%20trung%20canh%20giac%20lan%20nhau.jpg
Ông Obama lắng nghe ông Tập Cận Bình nói trong cuộc gặp hôm 7/6 tại Califorinia (ảnh: AP)

PV: Trong cuộc gặp, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập tới khái niệm “quan hệ siêu cường kiểu mới” và “mô hình hợp tác mới”, bà nhận định thế nào về những khái niệm này? 

Bà Glaser: Vấn đề quan trọng nhất là bản chất của quan hệ Mỹ-Trung. Cả Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đều hiểu rằng nhân dân Mỹ và Trung Quốc cũng như toàn thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nếu 2 nước sa vào vết xe đổ của lịch sử, khi một cường quốc mới nổi thách thức một cường quốc đang đứng đầu thế giới và kết thúc bằng xung đột quân sự. Trong cuộc gặp tại California, 2 nhà lãnh đạo đã bàn thảo về mô hình quan hệ mà 2 bên mong muốn, như ông Tập Cận Bình tuyên bố với báo giới là một mối quan hệ dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi và mở rộng hợp tác.

PV: Trong cuộc họp báo hôm giữa tuần, các quan chức chính phủ Mỹ cho biết cuộc gặp này chỉ nhằm tạo điều kiện để 2 nguyên thủ tìm hiểu quan điểm của nhau, vậy liệu nó có thực sự giải quyết được một số vấn đề cấp bách hiện nay giữa 2 bên, chẳng hạn như an ninh mạng, thưa bà?

Bà Glaser: Kết quả cuộc gặp này sẽ được tiếp nối bằng cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung vào tháng 7 tới. Các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng ngồi lại để thảo luận biện pháp giải quyết các vấn đề trong quan hệ song phương và mở rộng hợp tác để đối phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cũng như các thách thức về kinh tế. An ninh mạng là chủ đề trọng tâm của cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là một thách thức thực sự nghiêm trọng đối với Mỹ vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc, nhất là chính phủ và quân đội nước này đã đánh cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, gây ra thiệt hại khổng lồ, ước tính lên tới 300 tỷ USD. Đây là vấn đề cấp bách trong quan hệ Mỹ-Trung và tôi cho rằng 2 bên sẽ có những giải pháp tiếp theo.

PV: Trước cuộc gặp vừa qua, một số nước đã tỏ ý lo ngại rằng lợi ích của họ sẽ bị đe dọa trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc “đi đêm” với nhau. Theo bà thì liệu khả năng này có thể xảy ra?   

Bà Glaser:  Lo ngại này là điều hiển nhiên và có thể hiểu được. Không chỉ các nước nhỏ mà ngay cả đồng minh của Mỹ là Nhật Bản cũng sợ rằng quan hệ mật thiết giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không có lợi cho nước này. Tôi nghĩ rằng không có gì phải quan ngại trong vấn đề này cả, mà đáng lo nhất là sự cạnh tranh quá mức, dẫn đến quan hệ thù địch hay xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Những kết cục không ai mong muốn này sẽ vô cùng bất lợi cho bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tôi cho rằng quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ có lợi cho khu vực và thế giới, chẳng hạn như trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoặc tránh cạnh tranh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á.                             

PV: Bà đánh giá thế nào về quan hệ Mỹ-Trung trong thời điểm hiện tại?

Bà Glaser: Quan hệ Mỹ-Trung là sự pha trộn giữa hợp tác và cạnh tranh. Thách thức hiện nay đối với lãnh đạo và chính phủ 2 nước là đảm bảo rằng các yếu tố cạnh tranh không vượt ra ngoài khuôn khổ, gây tổn hại tới quan hệ hợp tác giữa 2 bên, tức là làm thế nào để kiểm soát và giải quyết những căng thẳng có thể xảy ra trong quan hệ kinh tế, hay chí ít là có thể kiểm soát được những bất đồng không thể giải quyết. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi ích khác nhau, chẳng hạn như cách tiếp cận đối với vấn đề Syria hay Iran, nhưng phải tìm cách không để bất đồng ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã được cải thiện nhưng hai bên vẫn rất nghi kỵ nhau. Nhìn chung thì quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ mà 2 bên đều phải hết sức cẩn trọng và chú ý trong từng đường đi nước bước để tránh trở thành thù địch của nhau.

PV: Xin cảm ơn bà!/.