Syria muốn “hất cẳng” Mỹ

Phía Syria vừa mới lên tiếng yêu cầu Mỹ rút toàn bộ binh sỹ ra khỏi Syria, nếu không quân đội Syria sẽ coi lực lượng của Mỹ là thù địch. Với lý do chống khủng bố, bảo vệ lực lượng người Kurd, Mỹ đã triển khai hàng trăm binh sĩ tới Syria kể từ cuối năm 2016 tới nay mà không có sự chấp thuận của chính quyền Damascus.

donald_trump_ejew.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Lực lượng này nằm rải rác tại các căn cứ quân sự khác nhau, tập trung ở các khu vực ảnh hưởng của người Kurd ở phía bắc Syria với nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động quân sự của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu về dịch vụ hậu cần và các dịch vụ khác cũng như đào tạo, cố vấn, giám sát… Hồi đầu năm nay, Mỹ đã cung cấp vũ khí cho lực lượng dân chủ Syria nhằm tăng sức mạnh trong cuộc chiến mà Mỹ gọi là chống khủng bố.

Chính quyền Syria biết rõ điều này nhưng có thể đã làm ngơ bởi tình hình địa chính trị phức tạp vừa phải củng cố lực lượng, giữ gìn sự ổn định chính trị trước sức ép của các phe đối lập, vừa phải chiến đấu với các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã khác.

Với sự hậu thuẫn của Nga, Iran và nhiều lực lượng dân quân khác, Tổng thống Assad đã từng bước đánh bật quân nổi dậy khỏi các thành phố trọng yếu như Homs và Aleppo và kiểm soát 85% lãnh thổ.  

Với ảnh hưởng ngày càng lớn, Chính quyền Assad đang bắt đầu đóng một vai trò cụ thể và quan trọng hơn trong cuộc chiến. Vì vậy Syria không muốn sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội, nhất là về quân sự cũng như những tác động gây sức ép lật đổ chế độ Assad.

Mỹ thay đổi cách tiếp cận để bảo toàn lợi ích

Có thể nói, Mỹ thay đổi cách thức tiếp cận trong vấn đề Syria chứ chưa thể nói là Mỹ thay đổi mục tiêu khi tham chiến tại chiến trường Syria. Các nhà phân tích khu vực cho rằng, ngày từ cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” nằm 2011 và cuộc nội chiến ở Syria kéo dài từ đó tới nay đã có sự can thiệp của Mỹ với mục tiêu là lật đổ chế độ Assad. Tuy nhiên, diễn biến tình hình Syria ngày càng phức tạp, nội chiến đẫm máu và các nhóm khủng bố, cực đoan bùng phát.

Điều này khiến Mỹ phải thay đổi cách thức tiếp cận từ gián tiếp ủng hộ các nhóm đối lập, lực lượng người Kurd sang hiện diện quân sự, cung cấp vũ khí. Dù là chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama hay Tổng thống đương nhiệm Donald Trump thì lợi ích của nước Mỹ vẫn không thay đổi, có chăng chỉ là cách tiếp cận khác nhau.

Các nhà phân tích cho rằng, những gì diễn ra tại Syria suốt 6 tháng qua đã phản ánh rõ nét hơn thất bại toàn diện trong chính sách Syria của Chính quyền Barack Obama. Mục tiêu xây dựng một liên minh tại Syria nhằm tiêu diệt IS đồng thời lật đổ chế độ Assad mà không phải can dự quá nhiều, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ đối với mình của Chính quyền Obama đã sụp đổ hoàn toàn.

Trong khi đó, Chính quyền Donald Trump cho tới nay vẫn chưa có một chiến lược toàn diện và cụ thể để đối phó với cuộc chiến này. Thay vào đó, Washington lại liên tục có những hành động mâu thuẫn, như vừa tìm cách phối hợp với Nga trong cuộc chiến chống IS, song lại cam kết kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran và “bật đèn xanh” cho sự cứng rắn của các đồng minh Arab.

Chính quyền Trump từng tuyên bố sẽ cứng rắn hơn những người tiền nhiệm, sẽ hiện thực hóa lời đe dọa trả đũa nếu các ranh giới đỏ bị phá vỡ, chẳng hạn như vụ ném bom Syria sau khi chính quyền nước này bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học, song việc không nắm rõ những lợi ích tại Syria khiến Mỹ đang có nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến với Syria, Nga và Iran.

Đối với Mỹ hay các nước đồng minh phương Tây thì điều cốt lõi là lợi ích của họ được đảm bảo đó là an ninh, ngăn chặn khủng bố từ xa, duy trì ảnh hưởng. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc họ điều chính sách đối với Syria là điều dễ hiểu, nhất là Trung Đông đang nóng với cuộc chiến ở Iraq, Yemen, Libya, Palestine – Israel, hạt nhân Iran, khủng hoảng vùng Vịnh…

Mỹ không muốn quá sa lầy ở Syria nhưng vẫn không mất đi ảnh hưởng và mục tiêu của mình. Nhà bình luận chính trị Bora Bayraktar trong cuộc phỏng vấn của tờ Sputnik của Nga đã nhận xét “ Mỹ có thể thay đổi phương pháp hay phương tiện hành động, nhưng mong muốn củng cố vị thế vững chắc trong  khu vực này không biến mất, và bây giờ Mỹ đang tìm cách để giảm thiểu chi phí cần thiết cho việc này.”

Cho đến nay dư luận vẫn chưa thể hiểu rõ ý đồ của Tổng thống Trump tại Syria, ông có thể quyết tâm giải quyết mớ bòng bong này tới đâu và sẽ chịu nhượng bộ những gì với các bên đối địch để bảo toàn các lợi ích của Mỹ trong khu vực, điều mà chính quyền mới cho đến nay vẫn chưa thể định rõ?

“Bóng ma” khủng bố vẫn lơ lửng trên đầu

Bởi thực tế tình hình Syria rất phức tạp như mâu thuẫn phe phái lẫn sự can thiệp từ bên ngoài, cùng các thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của Nga tại Syria đã thúc đẩy các phe phái chính trị cùng ngồi vào bàn đàm phán, hỗ trợ quân đội chính phủ tiêu diệt các nhóm khủng bố IS.

Những thành công của các đồng minh của Syria, đặc biệt của Nga, đang đặt quốc gia này ở vị trí trung tâm của cuộc chơi tại khu vực Trung Đông và điều này có lợi lớn cho thế giới đa cực. 

Quân đội của Chính phủ Syria, được sự hỗ trợ của Nga, đang tiến hành cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào IS, vốn đang tập trung lớn ở khu vực phía Đông của Syria, với mục tiêu rõ ràng là giải phóng hoàn toàn thành phố Deir ez-Zor và tỉnh cùng tên. Kết quả của các cuộc tấn công này là việc Syria từng bước khôi phục được hòa bình và sự ổn định.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Syria al-Assad kể cả khi thất bại, chủ nghĩa khủng bố vẫn âm mưu tiếp tục các hoạt động thông qua các mạng lưới “đang ngủ” của mình.

Đây là một thách thức toàn cầu đòi hỏi cần phải sẵn sàng và có những biện pháp cần thiết thông qua việc phối hợp với các quốc gia đồng minh. Các đồng minh của Syria đóng một vai trò hàng đầu trong cuộc giành lại lãnh thổ quốc gia từ tay tổ chức chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Các đồng minh này bao gồm Nga, Iran và lực lượng vũ trang Hezbollah./.