Vào tháng 2/2019, Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng thời cho biết sẽ hoàn tất tiến trình trong sáu tháng. Như vậy đến tháng 8/2019, Mỹ sẽ không còn chịu bất cứ ràng buộc nào trong khuôn khổ Hiệp ước này. Hiện tại, Washington đang thực hiện mọi nỗ lực để lập kế hoạch cho một tương lai không có INF.

rut_khoi_inf_my_chi_hang_ty_usd_che_tao_ten_lua_yoju.jpg
Vụ phóng tên lửa Minuteman III của Mỹ hôm 1/5. Ảnh: RT.

Kế hoạch phát triển vũ khí mới của Mỹ

INF được ký kết bởi Tổng thống Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987. Đây được xem là một hiệp ước mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự chấm dứt của cuộc chạy đua vũ trang trong thời chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc. Hiệp ước quy định cấm các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km và hướng tới việc loại bỏ gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.

Sau khi rút khỏi INF, 3 ưu tiên trọng tâm của Bộ Quốc phòng Mỹ là phát triển tên lửa siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo tầm trung và thế hệ phòng thủ tên lửa tương lai tương ứng. Kế hoạch dự kiến bắt đầu từ năm tài khóa 2020 với nguồn ngân sách ước tính khoảng vài tỷ USD trong 5 năm tới. Tờ Channel News Asia dẫn một số nguồn tin ngày 2/5 cho biết, Mỹ đã ký các hợp đồng tên lửa mới ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD trong 3 tháng qua kể từ khi nước này tuyên bố rút khỏi INF.

Bên cạnh đó, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu chi gần 100 triệu USD trong năm tài khóa 2020 để phát triển 3 loại tên lửa tầm xa mới. Và cũng chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa Mỹ sẽ thực hiện kế hoạch thử nghiệm tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất. Nhiều chuyên gia quân sự lo ngại, nếu không có kế hoạch cụ thể mang tính toàn cầu, Mỹ có thể sản xuất ồ ạt tên lửa tầm trung mà không cần xem xét những hệ thống này hoạt động hiệu quả như thế nào và liệu chúng có gây ảnh hưởng đến các đồng minh của Washington hay sự ổn định của nhiều khu vực, trong đó có châu Á.

Trung Quốc – mối lo ngại hàng đầu của Washington

Lý do sau sự vội vàng của Mỹ, có lẽ liên quan đến Trung Quốc nhiều hơn là Nga. Ước tính 95% số vũ khí của Lực lượng tên lửa Trung Quốc là những loại vũ khí bị INF cấm phát triển. Chứng kiến sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cả Mỹ và Nga đều không khỏi lo ngại. Trước đó vào năm 2007, Nga đã đề xuất khả năng đa phương hóa hiệp ước INF để tìm kiếm sự tham gia của Bắc Kinh.

Vậy nhưng Trung Quốc đã tỏ thái độ không “mặn mà” đối với việc tham gia một thỏa thuận kiểu INF, phớt lờ lời mời từ các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel để cùng với Mỹ và Nga đàm phán về một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới. Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich hồi đầu năm nay, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì nêu rõ: “Trung Quốc phát triển các năng lực của mình theo đúng nhu cầu phòng thủ và không tạo ra mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào. Vì thế chúng tôi phản đối việc đa phương hóa INF”.

Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF, trong đó có việc chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến Mỹ quyết định rút khỏi INF là bởi Washington lo ngại kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Trung Quốc đang áp đảo những hệ thống vũ khí được phép phát triển trong khuôn khổ hiệp định này.

Giờ đây, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công khai thừa nhận Mỹ đang trong “thời điểm cạnh tranh quyền lực với các nước lớn”, nhiều quan chức và nhà chính trị tại Washington đã hối thúc đẩy nhanh việc sản xuất các loại tên lửa mới, để tạo ra cái mà họ gọi là “thế cân bằng về quân sự” với Trung Quốc. Trong một tuyên bố vào tháng 12/2018 tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, do không bị ràng buộc bởi một khuôn khổ nào, các nước như Trung Quốc được tự do phát triển tất cả những tên lửa tầm trung mà họ muốn.

Ông nói thêm: “Không có lý do gì để Mỹ tiếp tục nhường lợi thế quân sự này cho các nước lớn như Trung Quốc, đặc biệt khi những vũ khí đó có thể được sử dụng để đe dọa lợi ích của Mỹ và các đồng minh tại châu Á. Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trên khắp thế giới”. Tuy nhiên, theo một báo cáo từ tháng 3/2019, không có đồng minh nào của Mỹ tại châu Âu và châu Á được tư vấn lắp đặt các hệ thống tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ. Đáng lưu ý, tính chất phức tạp của tình hình địa chính trị châu Á đang đặt ra những thách thức đối với việc triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất nằm ngoài quy định của INF.

Châu Á- sự lựa chọn khó khăn

Với tầm ảnh hưởng tại châu Á và những kế hoạch đề ra nhằm phát triển năng lực quân sự kỷ nguyên hậu INF, các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ đang xem xét nơi bố trí các hệ thống tên lửa mới trong khu vực này. Theo giới quan sát, Mỹ chỉ có một vài lựa chọn tại châu Á.

Lựa chọn đầu tiên là đảo Guam – tiền đồn quân sự vô cùng quan trọng của Mỹ. Guam nằm ở vị trí chiến lược, cách Bán đảo Triều Tiên một quãng bay ngắn. Đảo này cũng gần các điểm nóng tiềm tàng ở Đông Á. Nơi đây có cả căn cứ hải quân và không quân, giúp Mỹ phóng chiếu sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ một phần lãnh thổ trên đảo Guam phù hợp để lắp đặt hệ thống tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất. Nhiều ý kiến cho rằng, do sự hạn chế về không gian nên hệ thống tên lửa này sẽ khó hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, sự hiện diện của vũ khí chiến lược của Mỹ cũng khiến Guam dễ trở thành mục tiêu tấn công trong trường hợp xảy ra xung đột.

Ngoài căn cứ Guam, nếu Mỹ muốn triển khai loại tên lửa này tại bất cứ nơi nào khác đều cần phải có sự tham vấn với các đồng minh, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia. Mỗi quốc gia chắc chắn sẽ có phản ứng khác nhau đối với việc tiếp nhận hệ thống tên lửa mới của Mỹ.

Các nhà phân tích cho biết, Mỹ cần phải suy xét kỹ lưỡng để không bỏ qua những thách thức sẽ gặp phải khi đánh giá địa điểm triển khai hệ thống tên lửa tầm trung mới, đặc biệt sau khi nhiều đồng minh tại châu Á phản đối quyết định rút khỏi Hiệp định INF của Washinton. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ trích quyết định của Mỹ, cho rằng đây là động thái “không mong muốn”. Hơn nữa, người dân Nhật Bản cũng nhiều lần phản đối việc đặt các căn cứ quân sự của Mỹ tại nước này, mà vấn đề tại Okinawa là một điển hình. Chính phủ Hàn Quốc cũng không mặn mà tiếp nhận tên lửa tầm trung mới bởi điều đó có thể làm leo thang căng thẳng với Triều Tiên.

Australia có lẽ là ứng cử viên tiềm năng nhất. Tuy nhiên, việc đặt hệ thống tên lửa tầm trung tại quốc gia này nhiều khả năng sẽ gây căng thẳng trong quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh trong bối cảnh Australia đang tìm kiếm một mối quan hệ bình ổn và muốn nhận được lợi ích từ thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc./.

Thế giới cần INF phiên bản mới?

VOV.VN - Một Hiệp ước INF phiên bản mở rộng thực sự cần thiết nhằm kiểm soát vũ khí tên lửa, hạt nhân bảo đảm sự cân bằng chiến lược và an ninh toàn cầu.