Mỹ và Hàn Quốc vừa nhất trí tăng cường khả năng răn đe của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên bằng việc nâng cao năng lực tên lửa của nước này, song mặt khác cũng tái khẳng định sự cần thiết phải đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán.

ten_lua_han_quoc_wbja.jpg
Tên lửa Hàn Quốc. Ảnh: RT.com.

Những tuyên bố này đưa ra chỉ 3 ngày sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 2009 vượt qua lãnh thổ Nhật Bản.

Trong một thông cáo báo chí, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun cho biết, Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã có cuộc điện đàm, trong đó một lần nữa khẳng định, điều quan trọng là đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán nhằm giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, thông qua áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây sức ép tối đa với nước này.

Điểm đáng chú ý trong cuộc điện đàm là hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng quốc phòng của Hàn Quốc để đối phó với những hành động khiêu khích và các mối đe dọa từ Triều Tiên. Hai bên đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc sửa đổi “nguyên tắc chỉ đạo chính sách tên lửa” giữa hai đồng minh để tăng trọng lượng tối đa của các đầu đạn tên lửa Hàn Quốc từ mức 500kg hiện nay lên 1 tấn.

Hàn Quốc không có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân theo một thỏa thuận về năng lực hạt nhân mà Hàn Quốc ký năm 1974 với Mỹ. Thỏa thuận ngược lại đảm bảo cho Hàn Quốc nhận được “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ chống lại bất kỳ nguy cơ bị tấn công nào. Mỹ hiện triển khai khoảng 28.500 binh lính tại Hàn Quốc nhằm bảo vệ quốc gia đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á.

Tại cuộc điện đàm trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng từng thể hiện mong muốn nới lỏng những hạn chế đối với năng lực tên lửa của Hàn Quốc và Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó cũng tuyên bố sẽ xem xét.

Tại Hàn Quốc, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nước này nên sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm nâng cao khả năng phòng vệ trước Triều Tiên, cũng như chương trình hạt nhân và đạn đạo của nước này.

Việc Mỹ bật đèn xanh cho khả năng nâng cao năng lực tên lửa của Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, đã tăng lên mức đỉnh điểm trong nhiều năm sau một loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên và đặc biệt là vụ phóng tên lửa hôm 31/8 bay qua lãnh thổ miền Bắc của Nhật Bản và rơi xuống vùng biển gần đó.

Đây là tên lửa đạn đạothứ 13 Triều Tiên bắn trong năm nay và là quả thứ 7 kể từ khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hồi tháng 5.

Dù các động thái răn de lẫn nhau giữa các bên được giới chuyên gia đánh giá là mang tính chu kỳ, song với mức độ ngày càng tăng như hiện nay thì chúng đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ có thể xảy ra một cuộc xung đột lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng cho rằng đối thoại với Triều Tiên không phải là giải pháp.

Trong bối cảnh này, chính phủ Trung Quốc nhiều lần kêu gọi các bên kiềm chế để sớm có thể quay lại bàn đàm phán.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên không phải là một kịch bản hay một trò chơi, mà thực sự là một vấn đề to lớn và nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến sự an toàn của tất cả mọi người trên bán đảo Triều Tiên, cũng như hòa bình và ổn định của toàn khu vực. Chúng tôi hi vọng tất cả các bên có thể cho thấy trách nhiệm với người dân và đưa ra những lựa chọn sáng suốt.”

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc điện đàm ngày 1/9 với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson cũng hối thúc Mỹ không có bất cứ hành động quân sự nào trên Bán đảo Triều Tiên. Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Lavrov đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế "mọi bước đi quân sự vốn có nguy cơ dẫn đến những hậu quả khôn lường".

Ông Lavrov cảnh báo bất cứ nỗ lực nào nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cũng sẽ là "phản tác dụng và nguy hiểm".

Tuy nhiên, ông Lavrov cũng lên án việc Triều Tiên phóng thử tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản, coi đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc./.