Việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại phiên khai mạc Hội nghị hoà bình Syria (còn gọi là Hội nghị Geneva 2) ngày 22/1 khăng khăng cho rằng “không có cách nào” để ông Assad đóng một vai trò gì trong Chính phủ chuyển tiếp tại Syria, giúp nước này thoát khỏi cuộc nội chiến kéo dài 3 năm.

Sứ mệnh ngoại giao khó khăn của ông Kerry

Kể từ tháng 8/2011, Tổng thống Barack Obama cũng đã đưa ra lời cảnh báo tương tự và đến lúc này vị thế của ông Assad tại Syria còn vững vàng hơn rất nhiều so với thời điểm gần 3 năm về trước.

  >> Đọc thêm: Quân đội và mật vụ - Điểm tựa vững chắc cho chế độ Assad

Hầu như không một ai có thể tin rằng Hội nghị lần này sẽ buộc ông Assad rời bỏ vị trí của mình cũng như chất dứt cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 120.000 thường dân Syria và khiến hơn 1/5 dân số nước này rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

kerry_copy.jpg
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Saudi Arabia Hoàng tử Saul al-Faisal tại Hội nghị (Ảnh Reuters)

Tuy nhiên, nếu vậy thì tại sao cả Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đều quyết tâm tổ chức Hội nghị lần này?

Theo CSM, một lời giải đáp thoả đáng nhất chính là việc họ đều hy vọng rằng các cuộc đàm phán giữa đại diện quốc tế và các nhóm nổi dậy tại Syria dự kiến sẽ diễn ra ngày 24/1 tới chí ít cũng có thể dẫn tới một lệnh ngừng bắn tạm thời cũng như giúp cộng đồng quốc tế có thể dễ dàng thực hiện các chiến dịch nhân đạo tại nước này.

Một khả năng khác được nhiều chuyên gia ngoại giao đưa ra đó là Hội nghị lần này sẽ gây áp lực cho tất cả các bên-cả quốc tế lẫn trong chính nội bộ Syria, phải duy trì một kênh ngoại giao cởi mở hơn để giải quyết những xung đột mà tất cả đều thống nhất rằng sẽ khó có thể thực hiện được trên chiến trường.

Cuối cùng, nhiều người đưa ra quan điểm rằng Ngoại trưởng Kerry-người đã nhắc đi nhắc lại tại Hội nghị lần này rằng khó khăn phía trước còn rất nhiều, hiểu rõ rằng cơ hội thành công của ông là không còn. Tuy nhiên, ông không muốn kết thúc nhiệm kỳ Ngoại trưởng của mình với những lời chỉ trích rằng “ông ấy đã không động tay động chân gì trong khi Syria đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng”.

“Ông Kerry có thể bị thôi thúc phải giữ thể diện của mình với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ”, Chuyên gia phân tích về Trung Đông tại Quỹ Di sản James Phillips cho biết.

Tuy nhiên, ông Phillips nhấn mạnh: “Dù thế nào đi chăng nữa cũng sẽ rất khó có khả năng ông Kerry thực sự tin rằng ông Assad sẽ chấp thuận từ chức”.

Ông Phillips, người chỉ trích chính quyền Obama là “những tay mơ trong các chính sách liên quan đế Syria”, bày tỏ lo ngại rằng Ngoại trưởng Kerry đã bị Nga “dắt mũi” và ngây thơ tin rằng những nước đã ủng hộ ông Assad đã sẵn sàng gạt bỏ vai trò của ông và muốn thành lập một chính phủ chuyển tiếp tại Syria.

“Ông Kerry có thể đã tin rằng Nga và Iran có thể đang tìm cách buộc ông Assad phải từ chức, nhưng nếu ông ấy thực sự tin là như vậy thì ông ấy đã nhầm”, ông Phillips nói thêm.

Phát biểu sau khi kết thúc phiên họp đầu tiên tại Hội nghị Geneva 2, Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố với báo giới rằng: “Một điều rất quan trọng là tất cả các nước ngoại trừ (chính thể của ông Assad) đã dự Hội nghị để chứng thực Tuyên bố chung tại Hội nghị Geneva 1”.

Nga nhìn theo hướng khác

Đáp lời Ngoại trưởng Kerry kêu gọi ông Assad từ chức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng công đồng quốc tế cần “hết sức kiềm chế và tránh sớm tự đưa ra quan điểm về kết quả của Hội nghị này”.

Trong khi đó, ông Lavrov cũng cảnh báo rằng việc quá chú tâm đến việc thay đổi vị trí lãnh đạo tại Syria có thể gây đổ vỡ những cuộc đàm phán tại Hội nghị lần này.

Thay vì thế ông Lavrov kêu gọi các bên tập trung vào những chi tiết nhỏ trước và tuyên bố rằng Ngoại trưởng Syria Walid al-Mouallem và lãnh đạo phe đối lập tại Syria Ahmed Jarba sẽ đối thoại trực tiếp vào ngày 24/1 tới về các vấn đề trọng tâm như trao đổi tù binh, viện trợ nhân đạo và thoả thuận ngừng bắn tại tỉnh Aleppo phía Tây Bắc Syria.

Để ủng hộ quan điểm của ông Lavrov, ông al-Mouallem thậm chí còn trực tiếp gạt bỏ quan điểm của Mỹ. 

Ông al-Mouallem tuyên bố: “Không một ai trên thế giới này, kể cả ông Kerry có quyền đưa ra yêu cầu về tính hợp pháp và không hợp pháp của một Tổng thống, một Chính quyền, một Hiến pháp, một bộ luật hoặc bất kỳ một điều gì tại Syria ngoại trừ chính người dân Syria”.

Các chuyên gia nói gì?

Cam kết của Nga liên quan đến Hội nghị Syria 2 lần này được nhiều nhà phân tích cho rằng đã thể hiện rõ quan điểm của Nga muốn tái lập sự ổn định tại Syria. Nhưng, điều này cũng không đồng nghĩa với việc Nga cam kết sẽ duy trì lâu dài vị thế của ông Assad.

Yezid Sayigh, một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông Carnegie tại Beirut nói rằng: “Cả Nga và Iran đều không thực sự mong muốn một kết cục trong đó ông Assad vẫn tại vị hay muốn một thể chế không rõ ràng tại Syria giành thắng lợi”.

Ông Sayigh cũng nói thêm rằng chính quyền của ông Assad cũng đang thể hiện sự lo lắng của mình về sự ủng hộ của Nga.

“Sự sốt sắng của Ngoại trưởng Syria al-Mouallem trong việc chấp thuận đề xuất của Nga công khai hoàn toàn đề nghị trao đổi tù nhân và ngừng bắn tại Allepo với phe đối lập cho thấy ông Assad đang rất lo lắng về cam kết của Nga rằng ông vẫn sẽ tại vị”, ông Sayigh cho biết.

Tuy nhiên, những người khác, bao gồm cả Phillips tại Quỹ Di sản lại bày to nghi ngờ rằng những bước tiến nhỏ tại Hội nghị Syria 2 cũng không thể thay đổi được cuộc nội chiến kéo dài 3 năm tại Syria. Hơn thế nữa, tình hình tại quốc gia Trung Đông này sẽ không thay đổi nhiều nếu ông Assad không cảm nhận được nhiều áp lực hơn nữa.

“Sẽ không thể có đột phát về ngoại giao cho đến khi chính quyền Assad cảm thấy nhiều sức ép hơn so với những gì được dự đoán là kết quả tại Hội nghị Syria lần này. Ông Assad thậm chí còn không bị buộc phải chấp thuận bất kỳ một thoả thuận ngoại giao nào ngay cả khi chính quyền của ông dường như đang bị buộc phải làm thế”, ông Phillips nhận định./.