Đây được xem là một động thái quan trọng và có ý nghĩa biểu tượng lớn, nhất là trong bối cảnh, cuộc xung đột ngày càng gay gắt giữa lực lượng Anh em Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và chính quyền lâm thời.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này sẽ đóng băng khoản hỗ trợ tài chính cho Chính phủ Ai Cập cho đến khi nước này đạt được những bước tiến “đáng tin cậy” hướng tới một chính phủ dân sự dân chủ được bầu lên.

Động thái này được xem là ”lời khiển trách” của chính phủ Mỹ đối với chính quyền quân sự mới của Ai Cập vì các vụ đàn áp đẫm máu nhằm vào những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.

ngoai%20truong%20my.jpeg
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (ảnh: theblaze)

Tuy nhiên, đây lại không phải là một quyết định gây bất ngờ, bởi từ cuối tuần qua đã xuất hiện những đồn đoán cho rằng Chính phủ Mỹ sắp ra quyết định có tiếp tục hay cắt một phần viện trợ dành cho Ai Cập. Thậm chí là trước đó, sau khi Tổng thống Morsi bị phế truất hồi đầu tháng 7 vừa qua, Tổng thống Obama cũng đã ra lệnh xem xét lại các chương trình viện trợ của Mỹ cho nước này.

Mỗi năm Mỹ viện trợ cho Ai Cập tới 1,5 tỷ USD, trong đó quân đội được nhận phần lớn nhất - khoảng 1,3 tỷ USD. Điều đáng nói là từ sau thỏa thuận tại trại David hồi năm 1978, Ai Cập được xem là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực Trung Đông nhiều biến động và có vị trí rất chiến lược này.

Vì thế, quyết định cho thấy, dường như chính quyền Tổng thống Obama đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, Mỹ không muốn cắt đứt quan hệ với giới quân sự Ai Cập, nhưng mặt khác lại không chấp nhận hình thái chính trị hiện nay ở Cairo.

Chính vì thế, hành động tối thiểu của chính phủ Mỹ có thể làm là tuyên bố công khai việc đánh giá lại chính sách và viện trợ của Mỹ với Ai Cập, đồng thời tạm dừng tất cả mọi viện trợ quân sự, ký kết các hợp đồng vũ khí và việc cung cấp vũ khí. Điều này để đảm bảo tránh xảy ra tình trạng Mỹ phải tự động cắt bỏ mọi quan hệ với Ai Cập nếu Mỹ tuyên bố hành động “phế truất” Tổng thống Ai Cập là “đảo chính quân sự”.

Trên thực tế, dù né tránh dùng từ “đảo chính” khi đề cập tới sự kiện lật đổ chính phủ ở Ai Cập, song Chính phủ Mỹ gọi đây là một cuộc đàn áp tồi tệ, đồng thời yêu cầu thiết lập tình trạng khẩn cập và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ vào năm tới. Hồi giữa tháng 8 vừa qua, chính phủ Mỹ đã hủy các cuộc diễn tập quân sự chung với Ai Cập và hoãn việc bàn giao 4 máy bay chiến đấu F16 cho quân đội Ai Cập.

Dù mục đích là gì thì quyết định của Chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ gây hậu quả nặng nề đối với Ai Cập sau hơn 2 năm chìm trong bất ổn. Ngành du lịch đi xuống, trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế diễn biến trầm trọng. Trong khi đó, xung đột ngày càng gay gắt giữa lực lượng Anh em Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi với chính quyền lâm thời mà nòng cốt là quân đội và cảnh sát.

Và ngay cả những nhà quan sát lạc quan nhất cũng cho rằng tương lai một đất nước Ai Cập bình ổn, chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là khôi phục ngành du lịch mũi nhọn đang thực sự xa vời. Trong bối cảnh này, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi người dân, các phe phái Ai Cập đoàn kết cùng nhau hướng tới một tiến trình chính trị.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối  ngoại Liên minh châu Âu Catherine Ashton nói: “Tương lai chính trị của Ai Cập phụ thuộc vào chính người dân Ai Cập. Họ mới là những người quyết định và cơ hội của họ chính là cuộc bầu cử sắp tới. Đây là dịp để họ biến những nguyện vọng  của mình thành hiện thực. Và một điều thực sự quan trọng đó là tình đoàn kết, đó là tất cả các bên tại Ai Cập đều phải cảm nhận dược họ là một phần của tiến trình chính trị trong tương lai.”./.