Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/1 nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran sau khi Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuyên bố Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận đạt được cuối tháng 7 năm ngoái nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

Cùng với đó, Iran và Mỹ tuyên bố quyết định trao đổi tù nhân. Các động thái đồng thời này cho thấy mong muốn cải thiện quan hệ của cả 2 bên, song Mỹ và Iran vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể “thực sự làm bạn”. 

640x392_83315_174727_ldbp.jpg
Mỹ- Iran: Vẫn còn chặng đường dài để “thực sự làm bạn”. (ảnh: KT).

Quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran được đưa ra sau khi Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Yukiya Amano xác nhận rằng Iran đã tuân thủ các cam kết của họ theo thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7 năm ngoái.

Ông Amano nhấn mạnh “mối quan hệ giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã bước vào một giai đoạn mới” và “hôm nay là một ngày quan trọng đối với cộng đồng quốc tế”.

Phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo thông báo việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Sau hơn 2 năm rưỡi đàm phán đa phương căng thẳng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế giờ đây đã xác minh rằng Iran tuân thủ cam kết của họ trong việc thay đổi và thực tế là tháo dỡ nhiều phần trong chương trình hạt nhân của họ để phù hợp với thỏa thuận chúng ta đạt được hồi tháng 7 năm ngoái”.

“Iran đã đưa ra những bước tiến đáng kể mà tôi nghĩ rằng đã có rất nhiều người từng nghi ngờ liệu có thể thông qua và được ghi nhận hay không. Thành tựu thực sự của biện pháp này chỉ có thể được khẳng định bằng cách tiếp tục tuân thủ thỏa thuận của chúng ta trong những năm tới”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Cũng trong cuộc họp báo này, ông Kerry đã khẳng định thông tin 5 công dân Mỹ “bị bắt giữ một cách không công bằng” ở Iran, trong đó có phóng viên tờ Bưu điện Washington , Jason Rezaian đã được trả tự do và sẽ sớm trở về quê hương.

Đổi lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng vừa miễn tội cho 3 người Mỹ gốc Iran bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran, trong khi các ủy viên công tố Mỹ cũng bãi bỏ những cáo buộc đối với 4 người Iran khác đang ở bên ngoài nước Mỹ.

Việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran đồng thời với quyết định trao đổi tù nhân của 2 bên đã giảm đáng kể sự thù địch giữa Tehrab và Washington, điều đã gắn với bức tranh địa chính trị ở Trung Đông kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 đến nay.

Trong một tuyên bố khi tiến hành chiến dịch vận động tranh cử ngày 16/1, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, đây là những bước tiến quan trọng khiến nước Mỹ cùng các đồng minh và toàn thế giới trở nên an toàn hơn.

Bà Clinton chúc mừng Tổng thống Obama đồng thời bày tỏ niềm tự hào vì đã đóng vai trò khởi động tiến trình này. Mặc dù vậy, bà Clinton kêu gọi thiết lập các lệnh trừng phạt mới đối với Iran vì chương trình thử tên lửa đạn đạo của nước này.

Phát biểu của bà Clinton phần nào phản ánh thực tế rằng, dù mềm mỏng hay cứng rắn thì quan điểm chung của các chính trị gia Mỹ thuộc cả 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn là duy trì chính sách trừng phạt không nhất quán đối với Iran, nghĩa là tách biệt các lệnh trừng phạt vì vấn đề hạt nhân với các vấn đề khác, cụ thể là chương trình tên lửa của Iran.

Mỹ sẽ không thể vội vàng trên con đường “làm bạn”, thậm chí là hướng đến việc coi Iran là đối tác lớn hay đối tác chiến lược ở khu vực như một số nhà phân tích cho rằng Washington nên làm.

Nguyên nhân là vì Mỹ còn phải kiêng nể các đồng minh truyền thống vốn coi Nhà nước Hồi giáo theo dòng Shiite này là mối đe dọa như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Baranh, Jordan cũng như những nước khác trong khu vực do người Sunni lãnh đạo.

Cựu chuyên gia phân tích chính trị của Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington, ông Fahad Nazer cho rằng, theo quan điểm của Saudi Arabia, đồng minh có thể coi là hùng mạnh nhất của Mỹ ở Trung Đông, thì Washington chủ yếu đang dựa vào “củ cà rốt” cho Iran trong khi Tehran đang dùng “cây gậy” với nước Mỹ.

Và vì những lý do khác nhau mà lãnh đạo các nước Arab theo dòng Sunni khác cũng chia sẻ cảm nhận này. Vì thế, bất chấp việc Mỹ bán rất nhiều vũ khí và đưa ra những đảm bảo về an ninh cho các đồng minh này, những nhà hoạch định chính sách người Sunni ở Trung Đông vẫn cảm thấy chính sách của Mỹ đối với Iran gần đây là một thách thức đối với họ./.