Đây là thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (27/10). Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tuyên bố sẵn sàng đón nhận mọi giải pháp chính trị.

iran_ixid.jpg
Iran được mời tham dự cuộc họp về Syria. Ảnh là Tổng thống Iran trong cuộc gặp với tổng thống Nga. (ảnh: PressTV)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết là bản thân ông không rõ Iran có nhận lời mời “vào phút chót” này hay không. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên ở khu vực Trung Đông cho rằng, thực chất Iran đã nhận được lời mời của Nga và Mỹ từ trước đó và Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian sẽ tham gia cuộc đối thoại về Syria ở Vienna, Áo ngày 30/10 tới.

Trước đó vào ngày 23/10, phát biểu sau cuộc thảo luận với những người đồng cấp Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia về vấn đề Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, ông muốn Iran và Ai Cập - hai quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực - sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận về Syria trong tương lai. Các quan chức ngoại giao phương Tây cũng cho rằng, trước khi đưa ra quyết định mời Iran tham gia cuộc đối thoại về Syria, Mỹ đã phải thảo luận với Saudi Arabia, nước đang hỗ trợ tài chính cho các nhóm vũ trang chống lại Tổng thống Assad.

Mời Iran tham gia thảo luận về hòa bình cho Syria không có nghĩa rằng Mỹ sẽ bớt những lời cáo buộc Iran vẫn đang có mưu đồ ở Syria và rộng hơn là cả Trung Đông. Các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh Arab lâu nay phản đối vai trò của Iran trong cuộc chiến ở Syria. Các nước này nghi ngờ rằng, Iran, đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Assad đã chi hàng tỷ USD trong vòng 4 năm qua để “chống lưng” cho chính quyền của ông, bên cạnh đó còn cung cấp cố vấn quân sự, vũ khí và đường dây cung cấp dầu lửa cũng như tín dụng.

Quan chức hàng đầu quân đội Mỹ hôm qua cũng cho rằng, có khoảng 2.000 binh sỹ Iran đang chiến đấu sát cánh cùng quân đội trung thành với Tổng thống Assad ở Syria. Chính tác động của Iran cũng được cho là nguyên nhân khiến phong trào Hezbollah ở Lebanon cử binh sỹ đến hỗ trợ quân đội trung thành với ông Assad. Dù phản đối sự hậu thuẫn của Iran đối với ông Assad, Mỹ vẫn phải thừa nhận vai trò của Iran trong các cuộc đàm phán về tương lai của Syria.

Đến nay, Mỹ và Saudi Arabia cũng vẫn duy trì quan điểm hỗ trợ cho cái gọi là phe đối lập ôn hòa ở Syria và điều này đã được Tổng thống Barack Obama đề cập trong cuộc điện đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman hôm qua.

Mỹ đã có một bước chuyển đáng kể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria khi mời Iran tham gia vào các cuộc thảo luận về Syria. Tuy nhiên, đài BBC của Anh dẫn lời nhà báo chuyên về lĩnh vực ngoại giao James Robbins bình luận rằng, Washington chắc chắn vẫn không thể hoan nghênh Iran tại cuộc đàm phán về hòa bình cho Syria nhưng ít nhất cũng không phản đối sự góp mặt của Iran trong vấn đề này.

Chính người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng khẳng định: “Có rất nhiều bên liên quan đến Syria và đó là sự thật đang diễn ra. Dù bằng mọi giá, chúng tôi chắc chắn không tán thành các hoạt động gây bất ổn mà Iran đang theo đuổi ở Syria, nhưng ở thời điểm nào đó trong cuộc thảo luận này, để thúc đẩy quá trình chuyển giao chính trị, chúng tôi vẫn luôn công nhận rằng chúng ta phải đối thoại với Iran. Tôi không nhất định phải gọi họ là đối tác nhưng rõ ràng họ là một trong rất nhiều bên liên quan đến vấn đề này.”

Lý do Mỹ cởi mở hơn về vai trò của Iran có lẽ là vì cuộc khủng hoảng ở Syria đã trầm trọng và nguy hiểm đến mức tất cả các cường quốc trong khu vực và trên thế giới cần phải tham gia vào tiến trình tìm một giải pháp. Nhưng sẽ không dễ dàng tìm được một giải pháp cho Syria khi số lượng các nước tham gia kiến tạo hòa bình cho quốc gia Trung Đông này ngày càng tăng bởi sẽ có rất nhiều tư tưởng, phe phái và sự đối đầu về tôn giáo cũng như khu vực “va chạm” tại một cuộc thảo luận đa phương  như thế./.