Chuyến đi bí mật của Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng là mảnh ghép mới nhất được hé lộ trong bức tranh “kịch tính” từ đe dọa hủy diệt tới bàn đàm phán thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên.

1524177162857_avbm.png
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Ảnh: Axios

Theo kế hoạch dự kiến, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Và chắc chắn rằng chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Mike Pompeo, người sắp đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ, sẽ không phải là điều bất ngờ cuối cùng.

Bức tranh lớn Mỹ-Triều

“Phần nào đó thì rất bình thường, song tình hình Mỹ-Triều lại thực sự “lập dị”, chuyên gia an ninh quốc tế tại MIT, Jim Walsh-người từng tham gia đàm phán với Triều Tiên trước đây, nhận định. Theo ông Jim Walsh, đến thời điểm then chốt để Mỹ-Triều đưa ra một “thỏa thuận cuối cùng” thì “những bất ngờ sẽ không đến nữa”.

Bất ngờ thứ nhất:

Đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời mời gặp thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuyên bố ngày 8/3, Tổng thống Trump cho biết, ông đã ngay lập tức nhận lời mời gặp mặt trực tiếp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Bất ngờ nhất trước thông tin này phải kể đến đồng minh tại khu vực của Mỹ là Nhật Bản. Còn Hàn Quốc lại như “mở cờ trong bụng” vì những diễn biến có lợi và giúp xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Thông báo đầu tiên về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều được chính các đặc phái viên của Hàn Quốc về Triều Tiên công bố trước báo giới bên ngoài Nhà Trắng, khi tới Washington để thông báo về chuyến công du Bình Nhưỡng trước đó.

Bất ngờ thứ hai:

Chuyến thăm bí mật Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thông tin về chuyến thăm này chỉ được tiết lộ sau khi ông Kim Jong-un rời Bắc Kinh.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders tiết lộ, phía Trung Quốc chính thức thông báo cho Mỹ sau khi chuyến thăm của ông Kim Jong-un kết thúc.

Chính quyền của ông Trump cảm thấy “bất ngờ” về chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên dù “không quá ngỡ ngàng về kết quả cuộc gặp”.

Bất ngờ thứ ba:

Tờ Bưu điện Washington (The Washington Post) hôm 17/4 đưa tin về chuyến thăm bí mật của Giám đốc CIA Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng trong dịp Lễ Phục sinh cuối tuần qua để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Thông tin này sau đó được báo Politici và trang Axios xác nhận, theo đó, cho rằng ông Pompeo đã khẳng định lập trường, cũng như cương vị của mình tại bàn đàm phán với Triều Tiên. Sắp tới ông Pompeo sẽ chính thức ngồi vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ và vấn đề Triều Tiên dường như là thách thức đầu tiên của ông trên cương vị mới.

Nhà báo Jonathan Swan của Axios cho rằng, mục đích chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Pompeo là để xác định lại ở cấp độ cao rằng vấn đề phi hạt nhân hóa sẽ nằm trên bàn thảo luận thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Nhà quan sát Jim Walsh cũng nhận định: “Mỗi bên đều có ý tưởng để giải quyết các vấn đề mà đối phương mong muốn và sẽ đưa ra tại bàn đàm phán”.

Bí mật với cả đồng minh thân cận

“Đây không phải lần đầu tiên Mỹ làm như vậy”, nhà cựu ngoại giao Nhật Bản Yuki Tatsumi cho biết. Ông Yuki Tatsumi hiện làm việc cho Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ, lấy dẫn chứng về chuyến thăm “bí mật” tới Bắc Kinh của Henry Kissinger cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Nixon. Đây là chuyến công du dọn đường để Tổng thống Mỹ Nixon tới Trung Quốc, đánh dấu chuyến thăm lịch sử của một Tổng thống Mỹ tới Bắc Kinh.

Thời gian đã thay đổi, song các bước hành động của Mỹ ngày nay không có nhiều thay đổi. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ không tiết lộ liệu Washington có liên hệ với Tokyo hay Seoul trước chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Pompeo hay không.

Theo ông Tatsumi, nếu Mỹ có thông báo trước với các đồng minh thì chỉ có giới tình báo Hàn Quốc được biết. Với Trung Quốc, thì chuyến thăm Bình Nhưỡng của Giám đốc CIA cũng được phía Triều Tiên thông báo, nhưng có thể Bắc Kinh chỉ được biết tin ngay trước khi chuyến thăm diễn ra.

Với diễn biến tình hình Mỹ-Triều hiện nay thì chỉ có Hàn Quốc hài lòng. Trong khi, Nhật Bản không khỏi lo ngại và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới Washington để tìm kiếm sự đảm bảo từ Mỹ trước mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhận được điều mình mong muốn khi Mỹ khẳng định theo đuổi chính sách đối thoại nhưng vẫn đi kèm với sức ép gia tăng lên Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản cũng nhận được đảm bảo từ Tổng thống Mỹ rằng, vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc sẽ được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Mỹ đã nhiều lần cho rằng, chính những biện pháp gia tăng sức ép là điều khiến Triều Tiên ngồi xuống bàn đối thoại và sẽ tiếp tục chính sách này cho đến khi Triều Tiên có bước đi cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa. Song thái độ cứng rắn cũng có thể ảnh hưởng không tốt cho bầu không khí tích cực trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay./.